Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 2/9: Kiểm soát chất lượng bánh Trung thu
D.Ngân - 02/09/2024 08:06
 
Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh Trung thu tăng đột biến, lo ngại về chất lượng của sản phẩm này cũng đặt ra.

Đảm bảo chất lượng thực phẩm mùa Trung thu

Mùa Trung thu đã cận kề, bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.

Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh Trung thu tăng đột biến, lo ngại về chất lượng của sản phẩm này cũng đặt ra.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm  tỉnh Bắc Ninh/ TP Đà Nẵng, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm   trên địa bàn.

Trong đó, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…

Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm  trong dịp Tết Trung thu cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như người dân.

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.

Đối với người tiêu dùng, cần hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.

Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm...

Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Cứu thành công bệnh nhân bị vỡ gan, máu tràn đầy ổ bụng

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Phú Quốc cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Quốc Hiếu (38 tuổi, ngụ ở TP.Phú Quốc) nhập viện trong tình trạng vỡ gan, vỡ tuyến thượng thận sau lưng (không vỡ thận), máu tràn ổ bụng, mất máu nặng, nguy cơ tử vong cao.

Bác sỹ Phan Thi Tuấn, Trưởng Khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Phú Quốc - cho hay sau khi tiếp nhận bệnh nhân Hiếu, bác sĩ ở bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ, khám, chẩn đoán và tiến hành mổ cấp cứu để cứu bệnh nhân.

Bệnh nhân Hiếu bị tai nạn giao thông vỡ gan, máu tràn đầy ổ bụng, tiên lượng xấu. Ca mổ vỡ gan rất phức tạp, khó và đặt biệt ở cuống gan có nhiều cấu trúc ống nên bác sĩ cố gắng xử lý khâu vết thương, cầm máu và truyền 8 đơn vị máu kịp thời. Cuối cùng ca mổ thành công và cứu sống bệnh nhân.

Sức khỏe bệnh nhân Hiếu hiện đã ổn định trở lại, tỉnh táo. Dự kiến ít hôm nữa các bác sĩ sẽ cho xuất viện về nhà. “Đây giống như là một kỳ tích. Thiệt tình tôi chân thành cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm", bà Chung Thị Hồng Mến - vợ bệnh nhân Hiếu chia sẻ.

Phòng bệnh cho trẻ mùa tựu trường

Cả nước đang chuẩn bị bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học khiến nguy cơ trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Nguyên nhân khiến trẻ nhập viện mùa tựu trường thường do thời tiết thay đổi mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển gây bệnh.

Cơ thể trẻ (nhất là trẻ hệ mầm non) có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên nguy cơ nhiễm bệnh cao. Tiếp đến, trẻ hòa nhập môi trường mới, giao lưu, tiếp xúc nhiều nên dễ tiếp xúc với mầm bệnh. Đặc biệt, môi trường đông đúc, có máy lạnh khiến mầm bệnh dễ lây lan nhanh.

Tùy theo bệnh, trẻ có triệu chứng lâm sàng khác nhau. Nhiều bệnh lý nguy hiểm dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường như: Viêm phổi cấp, viêm họng cấp, sốt xuất huyết... nếu cha mẹ không chăm sóc đúng cách, có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Những trẻ mắc bệnh nhưng chưa được tiêm phòng, kèm theo thể trạng không tốt như suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì, có bệnh lý mãn tính có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Do đó, mùa tựu trường là thời điểm quan trọng phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của con, đưa trẻ đi khám ngay nếu có các dấu hiệu cảnh báo như: Da xanh, khó thở, thở mệt, sốt cao liên tục trên 38 độ C, li bì, bỏ ăn kéo dài, nôn ói, tiêu chảy, ho liên tục kéo dài...

Để phòng bệnh mùa tựu trường hiệu quả, cần sự kết hợp của nhà trường, phụ huynh trong việc hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh tại trường học, khu vực công cộng, chế độ học tập, sinh hoạt phù hợp.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rửa tay là biện pháp đơn giản và rất hiệu quả làm giảm rõ việc mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tuổi đi học. Rửa tay giúp ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh thông thường như cảm lạnh, cảm cúm, đau mắt đỏ và nhiều bệnh lây nhiễm khác.

Vì trẻ em thường dành nhiều thời gian sinh hoạt với nhau trong suốt năm học, việc khuyến cáo luôn rửa tay trở thành việc trẻ phải tự động làm và dần tạo thành thói quen. Nên dạy trẻ rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn, sau khi hỉ mũi và sau khi đi vệ sinh.

Virus cúm lan truyền trong không khí tồn tại trong các giọt nước bọt khi ai đó hắt hơi hoặc ho. Cha mẹ dạy cho trẻ biết cách che mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho bằng khăn giấy; ho và hắt hơi vào vị trí bên trong khuỷu tay của mình.

Cho trẻ ăn uống đủ dưỡng chất: Đảm bảo cung cấp cho con một chế độ ăn uống cân đối với đủ loại thức ăn bao gồm rau củ, trái cây, ngũ cốc, thịt, cá và sản phẩm sữa.

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C và các dạng vitamin bổ sung để tăng cường sức đề kháng. Tạo thói quen cho trẻ ăn đủ bữa, không bỏ bữa sáng và uống đủ nước.

Cần cho trẻ ngủ đủ giấc, vì giấc ngủ đủ và đều đặn giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Đảm bảo cho con ngủ đủ giấc, đi ngủ và thức dậy đúng giờ.

Khuyến khích trẻ tham gia vào hoạt động vận động thể chất hàng ngày. Luyện tập và vận động giúp tăng cường sức khỏe, sức đề kháng và tăng khả năng thích nghi trong môi trường học tập.

Phụ huynh cần phải lưu ý đề phòng trẻ bị muỗi đốt khi ngồi học trên lớp, khi sinh hoạt tại nhà bằng cách mặc quần áo dài tay, sử dụng xịt đuổi muỗi xuất xứ tự nhiên, an toàn cho trẻ, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, diệt lăng quăng, bọ gậy...

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả phụ huynh cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ. Trẻ cần tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm đã có vắc-xin dự phòng như: Cúm, ho gà, sởi, thủy đậu, viêm phổi, viêm màng não do HiB, lao, rubella, quai bị, viêm não Nhật Bản, bệnh do phế cầu, bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus... Cho trẻ bổ sung vaccine Rota theo đường uống ngừa bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus.

Chỉ đạo xử lý ngộ độc thực phẩm tại TNHH Sunrise Apparel Việt Nam
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Phú Thọ tổ chức điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam khiến hơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư