Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 29 tháng 08 năm 2024,
Chỉ đạo xử lý ngộ độc thực phẩm tại TNHH Sunrise Apparel Việt Nam
D.Ngân - 29/08/2024 15:20
 
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Phú Thọ tổ chức điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam khiến hơn 150 người phải nhập viện.

Ngày 29/8, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, đơn vị nhận được thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam (địa chỉ tại cụm công nghiệp Hoàng Xá, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), trong đó có hơn 150 người phải nhập viện để điều trị.

Ảnh minh họa

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Phú Thọ khẩn trương chỉ đạo bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với bệnh viện tuyến trên.

Sở Y tế tỉnh Phú Thọ tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân; tạm đình chỉ hoạt động đơn vị cung cấp bữa ăn nghi ngờ gây ngộ độc. Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu Sở Y tế tỉnh Phú Thọ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.

Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ.

Trước đó, sau bữa cơm trưa ngày 28/8 tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam, hơn 150 công nhân biểu hiện đau đầu, buồn nôn, đau bụng, một số công nhân bị đi ngoài. Các công nhân được đưa đến các cơ sở y tế gần đó để kiểm tra sức khỏe. 

Tính đến 18h30 cùng ngày, tổng số người bệnh được theo dõi là 152 người. Trong đó, 6 ca có triệu chứng sốc phản vệ độ II như đau bụng, nôn, nổi mề đay toàn thân, khó thở nhẹ; 146 ca đau bụng nhẹ, buồn nôn. 

Đơn vị cung cấp suất ăn là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Thủy (trụ sở khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì, Phú Thọ). Thực đơn trưa ngày 28/8 công ty cung cấp cho công nhân ăn ca có cá kho, rau bắp cải luộc, đậu sốt thịt và cơm trắng. 

Cũng trong ngày, công ty trên đã cung cấp khoảng 3.000 suất ăn cho công nhân một số công ty trên địa bàn tỉnh.

Sau khi vụ việc xảy ra, Sở Y tế Phú Thọ và huyện Thanh Thủy đã trực tiếp kiểm tra thực tế, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện huy động nhân lực, phương tiện tiến hành cấp cứu toàn bộ số công nhân này. 

Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, nước ta ghi nhận trung bình mỗi năm khoảng 100 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.181 người mắc, 23 ca tử vong.

Để tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, cơ quan chức năng của các địa phương cần quan tâm đến công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, trong đó tăng cường, bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, kinh phí.

Đặc biệt, các địa phương phải chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu nông sản, tập trung vào nhóm các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị, ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương tăng cường kiểm soát các sản phẩm nông sản cũng như các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định.

Các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng... kiên quyết không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Ngoài ra, không để xảy ra tình trạng cơ sở lợi dụng có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương cấp theo quy định nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đồng thời, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng cần được đẩy mạnh.

Tin mới y tế ngày 2/8: Tăng hơn 1.000 ca ngộ độc thực phẩm so với cùng kỳ
Theo Bộ Y tế, trong những tháng qua, số ca mắc ngộ độc thực phẩm tăng 1.432 người (tức tăng khoảng đến hơn 202%), số tử vong giảm 5 người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư