Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 14 tháng 08 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 14/8: Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể
D.Ngân - 14/08/2024 09:35
 
Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thu dung, điều trị cho bệnh nhân và tổ chức điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Bohsing.

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể 

Theo báo cáo, đến chiều 13/8, Sở Y tế tiếp nhận kết quả hoạt động thu dung, điều trị cho bệnh nhân và tổ chức điều tra, xử lý nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Bohsing (địa chỉ: Lô số A2, Quốc lộ 1A, KCN Hòa Phú, ấp Phước Hòa, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), có 181 bệnh nhân.

Thông tin ban đầu, chiều cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ), tiếp nhận cấp cứu cho hơn 100 công nhân của Công ty Bohsing với các triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy…

Hiện sức khỏe các bệnh nhân điều trị tình trạng ổn định, trong đó có 173 bệnh nhân điều trị nội trú và 10 bệnh nhân điều trị ngoại trú.

Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Long Hồ đang tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu thực phẩm để tìm ra nguyên nhân.

Tại tỉnh Đồng Tháp, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Tháp đã thông tin ban đầu về các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH Thái Dương (trụ sở tại phường An Lộc, thành phố Hồng Ngự).

Ảnh minh hoạ

Thông tin ban đầu, công ty có hợp đồng với cơ sở sản xuất kinh doanh bánh mì Hồng Ngọc 12, mua bán bánh mì thịt hằng ngày cho nhân viên ăn lúc tăng ca.

Chiều 6/8, nhân viên cơ sở bánh mì giao 33 ổ bánh mì thịt đến công ty và có 30 người ăn ca tối. Đến sáng hôm sau, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự tiếp nhận 11 bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng lâm sàng như: đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy…

Đến ngày 12/8, số trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm qua thống kê là hơn 140 người (có cả công nhân và người dân bên ngoài) nhập viện tại 6 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Sau khi được nhân viên y tế thăm khám, điều trị, sức khỏe các trường hợp trên đã ổn định. Có 44 bệnh nhân đã xuất viện và 4 bệnh nhân xin chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, sức khỏe ổn định.

Cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12 đã bị tạm đình chỉ. Cơ quan chức năng lấy mẫu bệnh phẩm và thực phẩm gửi đơn vị kiểm nghiệm để tìm nguyên nhân.

Cũng về ngộ độc thực phẩm, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ nguyên nhân vụ việc nhiều du khách khi dùng thực phẩm tại cơ sở lưu trú có biểu hiện ngộ độc phải nhập viện điều trị.

Theo đó, ngày 10/8, đoàn khách gồm 750 người từ Hà Nội xuống TP.Hạ Long du lịch và nghỉ tại khách sạn Mường Thanh Luxury, dùng bữa tối cùng ngày và bữa sáng ngày 11/8 tại khách sạn.

Sau đó, nhiều người trong đoàn thấy đau bụng, đi ngoài, trong đó 16 người biểu hiện nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy (TP. Hạ Long).

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Sở Y tế Quảng Ninh đã chỉ đạo bệnh viện Bãi Cháy tập trung nhân lực, thuốc men điều trị cho các bệnh nhân, đồng thời kiểm tra công tác thực hiện các quy định an toàn thực phẩm tại cơ sở cung cấp bữa ăn trên.

Theo Sở Y tế Quảng Ninh, sau quá trình được chăm sóc điều trị, sức khỏe hầu hết số du khách nhập viện đã ổn định trở lại, hiện chỉ còn 2 người đang được tiếp tục chăm sóc, theo dõi.

Cơ quan chức năng địa phương đang tiếp tục vào cuộc xác minh rõ nguyên nhân vụ việc để xử lý theo quy định.

Để tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, cơ quan chức năng của các địa phương cần quan tâm đến công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, trong đó tăng cường, bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, kinh phí.

Đặc biệt, các địa phương phải chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu nông sản, tập trung vào nhóm các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị, ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương tăng cường kiểm soát các sản phẩm nông sản cũng như các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định.

Các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng... kiên quyết không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Ngoài ra, không để xảy ra tình trạng cơ sở lợi dụng có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương cấp theo quy định nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng cần được đẩy mạnh.

Xu hướng tăng sởi, ho gà, thủy đậu

Bộ Y tế cho biết dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của thế giới, Việt Nam đã ghi nhận rải rác các ca mắc bệnh, các ổ dịch sởi, ho gà, thủy đậu... và bắt đầu có xu hướng tăng ở một số địa phương.

Để phòng chống các bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn nhằm bảo đảm việc cung ứng vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đồng thời, yêu cầu tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng chống dịch.

Với các bệnh được dự phòng bằng vắc-xin (sởi, ho gà, bạch hầu...), đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ...

Liên quan đến dịch bạch hầu và kiến nghị Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa bổ sung 25.000 liều vắc-xin bệnh bạch hầu, Bộ Y tế cho biết ngành y tế bảo đảm đủ vắc-xin và thuốc để tiêm cho đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu như đề xuất.

Với dịch sởi đang nghiêm trọng tại TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM, đã yêu cầu các đơn vị triển khai ngay các giải pháp để tăng miễn dịch cộng đồng như: tiêm vét, tiêm bù cho trẻ; tiêm vắc-xin cho nhân viên y tế, thân nhân chăm sóc bệnh của 3 bệnh viện Nhi đồng và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM. Bên cạnh đó, phải bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, bởi nhóm này nếu mắc sởi dễ dẫn đến tử vong.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu thanh tra Sở Y tế TP. HCM và tổ công tác đặc biệt chủ động phát hiện những cá nhân "anti vắc-xin" (chống vắc-xin) để làm rõ và xử lý nghiêm những tuyên truyền sai lệch trong cộng đồng.

Trong khi đó, một số nhóm trên mạng xã hội xuất hiện dịch vụ làm giả sổ tiêm chủng mở rộng. Hầu hết dưới các bài đăng này đều chia sẻ thông tin không nên cho con tiêm phòng. Một số tài khoản còn nhận cập nhật mũi tiêm chủng mở rộng cho bé nhập học, du học, không cần tiêm, làm xong thanh toán... 

Việt Nam thuộc "top 15" có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc nhiều nhất

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản cả nam và nữ. Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới.

Còn tại Việt Nam, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Số liệu đưa ra bởi Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy, mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất đã tăng hơn 10%.

Theo Bộ Y tế, chính vì thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện rất thấp, dẫn đến người dân và trẻ em vẫn dễ dàng tiếp cận và mua thuốc lá.

Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nhưng mức tăng mỗi lần thấp, chỉ là 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài.

Cụ thể, năm 2008, tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%. 8 năm sau, năm 2016, tăng từ 65% lên 70% và đến năm 2019 tăng từ 70% lên 75%. Mặc dù mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 75% nhưng tổng thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm 38,8%.

Do đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong ASEAN. Thị trường thuốc lá tại Việt Nam có khoảng 40 nhãn hiệu có giá dưới 10.000 đồng/bao.

Chính vì vậy, Bộ Y tế đề xuất, để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thuốc lá và tỷ trọng thuế theo khuyến cáo của WHO như đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại thuốc lá đến 2030, mức thuế tuyệt đối phải đạt 15.000 đồng/bao (20 điếu/bao) vào năm 2030 bên cạnh thuế tỷ lệ 75%.

Phương án này sẽ giúp đạt tỷ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO (70-75% giá bán lẻ) và giúp giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030.

Phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa hè
Mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh phát triển, dẫn đến thức ăn dễ bị ôi thiu hoặc nhiễm khuẩn nếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư