Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 05 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 29/4: Không chủ quan khi đưa trẻ đi cắt Amidan
D.Ngân - 29/04/2024 08:53
 
Con gái 6 tuổi vừa xong kỳ thi cuối năm, chị Hoài Thu (Thái Bình) vội bắt xe đưa con lên Hà Nội để thực hiện cắt Amindan mà bác sĩ chỉ định từ hồi đầu năm nhưng vì con bận học nên chị vẫn khất lần mãi.

Lưu ý khi đưa trẻ đi cắt Amindan

Chị Thu cho biết, con gái bị viêm Amindan mãn tính, cứ một hai tháng lại bị một lần. Khi bị viêm Amindan, cháu thường bị ốm sốt, ho, thậm chí là phải há miệng để thở vì amidan quá to khiến cháu gặp khó khăn khi thở.

Theo BSCKI Hà Tố Như, cắt Amindan cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín và đầy đủ cơ sở vật chất, quy trình chuẩn để tránh những rủi ro không đáng có trong và sau khi phẫu thuật.

Bác sĩ đã chỉ định cắt Amindan đợt cận Tết khi chị đưa con lên khám. Bác sĩ cho biết cháu bé bị viêm Amindan mãn tính, Amindan quá phát cần thực hiện phẫu thuật cắt amidan nhưng vì lịch học khá dày nên chị Thu quyết định chờ tới khi con được nghỉ hè sẽ lên Hà Nội cắt.

Theo BSCKI Hà Tố Như của Bệnh viện An Việt, rất nhiều phụ huynh lựa chọn thời điểm nghỉ hè để thực hiện cắt amidan hay nạo VA cho trẻ vì không muốn con bị ảnh hưởng đến việc học. Phẫu thuật cắt Amindan cũng là phẫu thuật thường gặp ở trẻ nhỏ.

BSCKI Hà Tố Như cho biết, cắt Amindan có thể được chỉ định ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Những trường hợp được chỉ định là khi bệnh nhân thường xuyên tái phát tình trạng viêm Amindan, Amindan bị quá phát hay những người gặp phải các bệnh lý do viêm Amindan gây ra.

Bệnh nhân bị viêm Amindan có thể được chỉ định cắt khi có những biến chứng vào tai gây viêm tai, viêm Amindan gây ra viêm cơ tim, viêm cầu thận cấp, viêm khớp… Có những trường hợp ngủ ngáy có thể bị ngừng thở khi ngủ cần phải cắt Amindan tránh nguy hiểm.

Phẫu thuật cắt Amindan là một thủ thuật đơn giản, tỷ lệ xảy ra nguy hiểm rất thấp vì thế không cần quá lo lắng khi được bác sĩ chỉ định phẫu thuật này. Thời gian phẫu thuật cũng rất nhanh, bệnh nhận thường chỉ nằm lại viện khoảng 1-2 ngày là có thể ra về.

Tuy nhiên, theo BSCKI Hà Tố Như, cắt Amindan cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín và đầy đủ cơ sở vật chất, quy trình chuẩn để tránh những rủi ro không đáng có trong và sau khi phẫu thuật.

BSCKI Hà Tố Như cũng lưu ý những người bệnh cắt Amidan cần có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau mổ để vết thương hồi phục. Bệnh nhân sau cắt amidan cần ăn đồ mềm, nguội trong thời gian 3-5 ngày. Với phương pháp cắt Amindan bằng plasma thì bệnh nhân có thể nói chuyện ngay sau mổ mà không cần kiêng nói.

Vệ sinh sạch sẽ miệng để tránh gây nên bệnh viêm họng sau khi cắt viêm Amindan vì vi khuẩn có thể tấn công gây nhiễm trùng vùng họng bất kỳ lúc nào.

Ăn những thức ăn mềm như (khoai tây luộc, khoai lang, cà rốt luộc), cháo, soup, bún, phở, không ăn thức ăn quá cay, nóng hay thức ăn nhiều dầu mỡ, nước chứa cồn, ga, chất gây nghiện như cà phê. Nước lọc, sữa tươi, sữa chua, nước ép trái cây rất tốt cho người vừa phẫu thuật Amindan.

Sởi tăng cao, cần đưa trẻ tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi

Số ca phát ban nghi sởi từ đầu năm đến nay ở nước ta đã tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong thời gian qua...

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đến nay cả nước ghi nhận 203 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, không có trường hợp tử vong; số mắc tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Tuần qua, Hà Nội cũng đã ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024 trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận.

Trường hợp này là một bé gái 10 tuổi, ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, đã được tiêm 3 mũi vắc-xin phòng sởi. Bệnh nhi khởi phát bệnh ngày 27/3. Đến ngày 12/4, xét nghiệm ELISA IgM sởi và rubella của bệnh nhi cho kết quả dương tính.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… nếu không có miễn dịch phòng bệnh có thể sẽ gây thành dịch. Đối tượng dễ mắc bệnh sởi thường là trẻ nhỏ và người có miễn dịch kém.

TS.Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm trong giai đoạn dịch Covid-19, trong khi sởi là bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%) trong cộng đồng.

Đồng thời, Cục trưởng Hoàng Minh Đức cũng cho biết Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo dịch sởi tái bùng phát trên toàn cầu; còn tại Việt Nam, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch, nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong thời gian qua...

Do đó, theo ông Đức, để phòng chống các bệnh có vắc-xin dự phòng cần tăng cường triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vắc-xin nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm sởi, ho gà, bạch hầu.

Các địa phương cần xác định điểm có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng qua phần mềm báo cáo tiêm chủng và điều tra dịch tễ tiêm chủng nhằm tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ.

Các chuyên gia y tế cho rằng, sởi được coi là mối đe dọa toàn cầu bởi virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae có tính lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp từ người bệnh sang người khỏe mạnh trong cộng đồng hoặc thậm chí xuyên biên giới.

Sởi nguy hiểm bởi chúng không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn khiến người bệnh có nguy cơ viêm nhiễm hệ thống thần kinh, rối loạn hệ vận động, tổn thương đa cơ quan trong cơ thể, có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề, kéo dài thậm chí là suốt đời cho người bệnh như viêm não, viêm màng não, viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, mù lòa…

Bên cạnh đó, sởi còn đặc biệt nguy hiểm bởi có khả năng xóa trí nhớ miễn dịch, phá hủy trung bình khoảng 40 loại kháng thể có khả năng chống chọi lại các tác nhân gây bệnh.

Ở trẻ em, một nghiên cứu của nhà di truyền học Stephen Elledge tại Đại học Havard vào năm 2019 đã chỉ ra sởi loại bỏ từ 11% đến 73% kháng thể bảo vệ ở trẻ em.

Tức khi mắc bệnh sởi, hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ bị phá hủy và thiết lập trở lại trạng thái ban đầu non nớt, chưa hoàn thiện như đứa trẻ vừa sinh ra.

Để giảm thiểu rủi ro cũng như ngăn chặn dịch sởi quay trở lại, WHO nhấn mạnh tiêm chủng là biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ em và người lớn khỏi căn bệnh nguy hiểm tiềm tàng này. Các quốc gia trên thế giới bắt buộc phải đạt được và duy trì tỷ lệ bao phủ trên 95% với 2 liều vắc-xin sởi.

Trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm ngừa vắc-xin sởi đầy đủ và đúng lịch để giúp cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu với virus sởi, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi và các biến chứng nặng nề, hiệu quả vượt trội đến 98%.

Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước sát khuẩn mỗi ngày. Hạn chế tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiệu mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời không dùng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh. Giữ vệ sinh không gian sống và bổ sung thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Nếu thấy có các triệu chứng của bệnh sởi (sốt, chảy nước mũi, ho khan, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng, phát ban khắp cơ thể), cần nhanh chóng đến các trung tâm hoặc cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Nhiều nguy cơ khi tự chữa bệnh cho trẻ
Đưa con đến gặp bác sĩ chuyên gia tai mũi họng khi tình trạng viêm tai giữa của con gái rất nặng, nguy cơ ảnh hưởng đến thính lực mãi mãi, chị Mai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư