Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 3/6: Giúp bệnh nhân tiền đình cải thiện chất lượng cuộc sống
D.Ngân - 03/06/2024 10:28
 
Rối loạn tiền đình là hội chứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến hơn ở người trưởng thành.

Kỹ thuật mới điều trị tiền đình

Hội chứng này không chỉ gây trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày mà còn làm tăng nguy cơ té ngã dẫn đến chấn thương không mong muốn. Thậm chí có thể dẫn tới trầm cảm nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

 Rối loạn tiền đình là hội chứng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến hơn ở người trưởng thành. 

Chóng mặt, xoay tròn, rối loạn thăng bằng kèm một số rối loạn khác là những triệu chứng điển hình nhất của rối loạn tiền đình. Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình có thể xuất phát từ hệ thần kinh trung ương hoặc ngoại biên, cũng có thể kết hợp cả hai.

Theo PGS-TS.Nguyễn Văn Liệu, Trưởng Khoa Thần kinh đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hiện VNG và vHIT là 2 phương pháp thăm dò tiền đình chính, cho kết quả đáng tin cậy.

Các thăm dò chức năng tiền đình này dựa vào phân tích rung giật nhãn cầu, liên quan đến phản xạ tiền đình - mắt. Đây là yếu tố cốt lõi về cơ sở giải phẫu sinh lý thần kinh ứng dụng vào thăm dò chẩn đoán các rối loạn tiền đình.

PGS.Liệu cho biết, vận động của nhãn cầu còn bị chi phối bởi rất nhiều con đường liên hợp thần kinh.

Đây là vấn đề hết sức phức tạp vì thực tế lâm sàng có thể gặp tổn thương tiền đình ngoại biên, tổn thương tiền đình trung ương, hoặc kết hợp tổn thương nhiều bộ phận, tổn thương nhiều vị trí. Vì vậy, ngoài việc trang bị phương tiện hiện đại thì bác sĩ, kỹ thuật viên đánh giá VNG hoặc vHIT cần có kinh nghiệm và am hiểu sâu sắc cơ sở sinh lý bệnh thần kinh.

Theo chuyên gia, có hơn 90% các rối loạn tiền đình trung ương có phối hợp với rối loạn vận động nhãn cầu/ động mắt. Hệ thống VNG đo chuyển động nhãn đồ giúp khảo sát các tổn thương của tiền đình ngoại biên và trung ương.

Hệ thống VNG và vHIT hiện đại được ứng dụng giúp phát hiện chính xác tổn thương tại ống bán khuyên, tổn thương 2 bên phức tạp, tổn thương thần kinh trung ương và các tổn thương phối hợp (trung ương và ngoại biên).

Cảnh giác với trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ cũng như sự phát triển về thể chất và tinh thần ở trẻ. Trường hợp tình trạng bệnh diễn biến nặng, người phụ nữ sẽ không làm chủ được suy nghĩ và hành động của mình gây ra hành vi bạo lực đối với trẻ ngay sau khi sinh.

Đây cũng là căn bệnh như “giả vờ” nhưng lại là bệnh tâm lý liên quan đến những cảm xúc rất mạnh như buồn, lo lắng, tuyệt vọng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Trầm cảm sau sinh thường gặp nhất vào thời điểm sau khi sinh em bé khoảng 1 - 3 tuần, nhưng cũng có thể xuất hiện từ sau khi sinh cho tới 1 năm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh sẽ khiến nhiều bà mẹ đối diện với tình trạng khủng hoảng tâm lý, thậm chí có ý định tự sát cả mẹ lẫn con. Đầu năm 2023, một sản phụ ở Nam Định tự sát bất thành nhưng làm 2 con gái mình tử vong và một sản phụ ở Phú Thọ nhảy lầu tự sát sau khi sinh con 2 tháng khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Bác sĩ Huỳnh Thị Hiên, Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, trầm cảm sau sinh có thể xuất hiện do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân như thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể.

Trong những giờ đầu sau sinh, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể giảm mạnh, từ đó có thể kéo theo trạng thái trầm cảm. Điều này tương tự như việc căng thẳng và thay đổi tâm trạng do nồng độ hormone thay đổi nhẹ trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt.

Bệnh nhân có thể có tiền sử mắc bệnh trầm cảm trước hoặc trong khi mang thai. Những người đang điều trị trầm cảm có nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh cao hơn so với người bình thường.

Ngoài ra, khi mang thai không theo kế hoạch hay ngoài ý muốn có thể làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người mẹ trong thai kỳ. Những cảm xúc làm ảnh hưởng đến sự tự tin và gây áp lực lên người mẹ cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây nên chứng trầm cảm.

Trầm cảm sau sinh được phát hiện càng muộn, hậu quả càng nghiêm trọng. Do đó, nhu cầu được hỗ trợ, giúp đỡ và quan tâm của bà mẹ mới sinh, đặc biệt khi sinh con đầu lòng rất cao. Bên cạnh trách nhiệm rất quan trọng của người chồng, gia đình, người thân xung quanh, bệnh nhân còn cần sự hỗ trợ của bác sĩ điều trị, các tổ chức xã hội.

Tin mới y tế 3/2: Nỗi lo rối loạn tiền đình dịp Tết
Tăng ca cuối năm, dọn dẹp nhà cửa với cường độ cao hay tất bật ra đường sắm sửa cho Tết… khiến chị Mai, 45 tuổi, thường xuyên chóng mặt,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư