Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Tin mới y tế 3/2: Nỗi lo rối loạn tiền đình dịp Tết
D.Ngân - 03/02/2024 10:44
 
Tăng ca cuối năm, dọn dẹp nhà cửa với cường độ cao hay tất bật ra đường sắm sửa cho Tết… khiến chị Mai, 45 tuổi, thường xuyên chóng mặt, quay cuồng, ù tai, buồn nôn.

Cảnh giác với rối loạn tiền đình

Chị Như Mai (39 tuổi, Đồng Nai) được Ths.Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chẩn đoán rối loạn tiền đình ngoại biên, bệnh thạch nhĩ lạc chỗ từ giữa năm 2023.

Người dân cần cảnh giác với các triệu trứng của rối loạn tiền đình.

Chị được điều trị nội khoa kết hợp tập vật lý trị liệu nhằm tái định vị sỏi tai. Sau một tháng, các triệu chứng ổn định, chị trở lại sinh hoạt bình thường nên chủ quan và bỏ điều trị. Gần đây, nhận thấy các cơn hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, ù tai quay trở lại, chị mới đến bệnh viện tái khám.

Bác sĩ Hằng cho biết, các triệu chứng của rối loạn tiền đình dễ tái phát nếu không phòng ngừa bệnh đúng cách. Một số trường hợp không kiểm soát được có thể diễn tiến nặng gây tai nạn té ngã trên đường, có người không thể ngồi dậy sau giấc ngủ, mở mắt là thấy chao đảo… phải nhập viện để điều trị.

Khoảng thời gian cận tết, trong Tết, tần suất và cường độ các hoạt động đi lại, sắm sửa hay tiệc tùng đều có xu hướng tăng mạnh, những hoạt động thay đổi tư thế đột ngột khiến triệu chứng rối loạn tiền đình tăng nặng. Bác sĩ Hằng hướng dẫn người bệnh một số biện pháp phòng tránh và hạn chế rối loạn tiền đình trở nặng dịp Tết này:

Tránh ngồi cạnh loa, đài phát thanh trong các buổi tiệc hoặc lễ hội: Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến tai trong, có thể gây ù tai, nghe kém, thậm chí thủng màng nhĩ và khiến chứng ù tai ở người rối loạn tiền đình nặng hơn.

Hạn chế đọc sách, sử dụng điện thoại, máy vi tính khi đang di chuyển trên các phương tiện giao thông: Điều này có thể làm tình trạng say xe xuất hiện, trầm trọng hơn ở những người bị rối loạn tiền đình. Khi có dấu hiệu chóng mặt cần nằm xuống và hít thở đều, có thể nhắm mắt lại để giảm kích thích của ánh sáng.

Người bị rối loạn tiền đình cũng không nên đi máy bay nếu đang bị nhiễm trùng tai. Khi di chuyển ngoài trời cần chuẩn bị sẵn kính râm và mũ nón, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mạnh trong thời gian dài

Tránh món ăn nhiều dầu mỡ: Tết là thời kỳ cao điểm của các cuộc tụ họp, ăn uống, vui chơi, do đó, tần suất tiêu thụ rượu bia, chất kích thích, đồ ăn nhiều dầu mỡ cũng tăng lên đáng kể, khiến tình trạng chóng mặt, ù tai và các cơn đau đầu tăng lên.

Người bệnh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng lành mạnh, có thể bổ sung thêm nấm, bưởi, cam, quýt, cà chua, hay rau chân vịt,.. trong các món ăn hàng ngày.

Ngoài ra, cần uống đủ nước, khoảng 1.5 - 2 lít nước để cung cấp đủ nước cho các quá trình trao đổi chất và các hoạt động của cơ thể được diễn ra hiệu quả.

Ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn (đi bộ, yoga, các môn thể dục nhẹ nhàng) và duy trì các bài tập vật lý trị liệu (những người bị bệnh sỏi lạc chỗ tai trong) sẽ giúp tăng tuần hoàn máu, có lợi cho người rối loạn tiền đình.

Cuối cùng, bác sĩ Hằng khuyến cáo khi có các triệu chứng bất thường như nhức đầu đột ngột, sốt từ 38 độ C trở lên, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật, nhìn đôi, giảm thị lực, giảm thính giác, tê yếu tay chân… người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra phân biệt với các bệnh lý nguy hiểm như viêm não, u não, đột quỵ…

Mối nguy hại của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Phổi tắc nghẽn là một trong những bệnh hô hấp phổ biến, được WHO xếp hàng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu và 90% số ca tử vong này nằm ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trung bình và nặng đứng cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Số lượng người mắc được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới do tăng tiếp xúc các yếu tố nguy cơ và tình trạng già đi của dân số.

Về nguyên nhân, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chủ yếu là do hút thuốc lá (khoảng 5 người nghiện thuốc lá thì sẽ có 1 người mắc COPD) và có khoảng 80 - 90% bệnh nhân COPD đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá.

Bên cạnh đó, các chất kích thích khác có thể gây COPD bao gồm cả khói xì gà, khói thuốc lào, khói của nhà máy, ô nhiễm không khí và khói hóa chất. Một số bệnh về phổi mạn tính kéo dài như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, phế nang, hen suyễn cũng gây nên COPD.

Ngoài ra, một số trường hợp do nghề nghiệp tiếp xúc với bụi hoặc hóa chất thường xuyên gây kích ứng, viêm phổi, gây ứ đọng cũng có khả năng dẫn đến COPD.

Theo bác sĩ Phạm Thị Út Trang, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), COPD là một bệnh mạn tính nên một khi đã mắc, người bệnh sẽ phải chung sống cả đời.

Những bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính còn phải đối mặt với các biến chứng làm suy giảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ như bệnh lý tâm phế mạn (suy tim, loạn nhịp tim, đặc biệt là rung nhĩ…).

Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát bệnh, từ đó làm chậm sự phát triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng.

"Với tất cả những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ ho kéo dài khó thở, tiền sử hút thuốc lá, nghề nghiệp tiếp xúc khói bụi nên đi khám chuyên khoa hô hấp kiểm tra định kì chức năng phổi nếu đã được chẩn đoán COPD", bác sĩ Trang khuyến cáo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư