Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 4/8: Cẩn trọng với các bệnh viêm da trong mùa mưa lũ
D.Ngân - 04/08/2024 09:29
 
Mưa lớn kéo dài gần 2 tuần nay tại các tỉnh thành miền Bắc tiềm ẩn những mối nguy hại đến sức khoẻ, trong đó các vấn đề về da được cho là khá nghiêm trọng.

Bệnh về da hoành hành mùa mưa lũ

TS.Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, khi thời tiết thay đổi, mưa gió nhiều, độ ẩm không khí cao; nhiều khu lụt lội... khiến người dân dễ mắc các bệnh về da.

Khi thời tiết thay đổi, mưa gió nhiều, độ ẩm không khí cao; nhiều khu lụt lội... khiến người dân dễ mắc các bệnh về da.

Đặc biệt, trong thời điểm mưa lũ, các bệnh về da hay gặp nhất là các bệnh về da do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.

Bệnh da do nấm hay gặp nhất là nấm kẽ bàn chân, nấm móng chân. Nguyên nhân chủ yếu do người dân lội nước nhiều, làn da bị mềm đi, khả năng bảo vệ trước môi trường giảm, khi đó tác nhân bên ngoài môi trường như nấm dễ chui vào. Nấm dễ phát triển trong môi trường nóng ẩm nên trong mùa mưa lũ, người dân dễ bị nấm kẽ, nấm bàn chân, nấm móng chân...

Bên cạnh đó, còn bệnh lý viêm da do vi khuẩn chủ yếu trong thời tiết mưa ẩm, da không còn độ đàn hồi tốt như trước nên dễ bị các vi khuẩn ngoài nấm xâm nhập như chốc, nhọt, viêm nang lông gây viêm da do nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, khi người dân lội nước nhiều, nước có thể chứa nhiều tác nhân gây dị ứng, kích ứng dẫn tới bàn chân bị viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng.

Theo chuyên gia này, gần đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nấm bàn chân, nấm móng chân, nấm bẹn... viêm da do nhiễm trùng. Bệnh nhân tăng lên so với mùa khô 30%.

Một điều đáng cảnh báo là hiện bệnh nhân hay có thói quen tự điều trị, nghe theo lời bạn bè mách sử dụng các loại thuốc khác nhau, nhưng thực tế bệnh lý về da rất phong phú, mỗi loại bệnh có thuốc khác nhau. Vì thế, nhiều người điều trị sai đắp lá, ngâm lá, hoặc đến viện khám khi có biến chứng bởi dùng tuýp thuốc không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, một số người thích ngâm, đắp lá nhưng không biết khi đó sẽ làm kích ứng, da khô, nứt nẻ, thậm chí loét. Nếu bệnh nhân không được điều trị sẽ tiến triển nặng lên, sẽ dẫn tới tai biến do như ngứa, loét, chảy dịch, sưng nóng đỏ.

Về hướng xử trí, bác sỹ Phương nhấn mạnh, khi gặp vấn đề về da người dân cần tìm chuyên gia da liễu để xử trí sớm. Người dân cần thay đổi thói quen trong mùa mưa lũ như không nên đi tất ẩm, giày ẩm, làm viêm kẽ do nấm, vi khuẩn; phải có thói quen vệ sinh thân thể sạch sẽ hằng ngày; không nên đi khám lung tung, cần đi khám đúng, điều trị đúng.

Để phòng bệnh ngoài da, người dân ở vùng lũ lụt cần chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ, bảo đảm sát khuẩn chân tay, cơ thể, sử dụng phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn để tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.

Nếu phải lội nước mưa thì về nhà phải làm sạch, phải chấm khô kẽ chân, tay, giày dép phơi khô thì hãy sử dụng lại.

Cảnh báo trẻ nuốt nam châm nhỏ có trong đồ chơi

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 5 tuổi trú tại Hồng Thái Đông - Đông Triều nhập viện do nuốt phải nam châm trong đồ chơi.

Theo gia đình kể: trong lúc chơi tại gia đình, không may cục nam châm từ đồ chơi rơi ra ngoài, trẻ đã nhặt được và nuốt phải. Gia đình đã nhanh chóng đưa trẻ đến Bệnh viện.

Tại Bệnh viện trẻ được thăm khám, trên phim chụp X-quang ổ bụng xác định có một dị vật đường tiêu hóa vị trí tại hố chậu phải. Hiện trẻ đang được chăm sóc, theo dõi tại Bệnh viện.

Theo BsCKII. Vương Thị Hào, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện cho biết, đối với một số dị vật do trẻ vô tình nuốt phải có thể theo ra ngoài bằng đường tiêu hóa, nhưng cũng có dị vật bắt buộc phải tiến hành phẫu thuật hoặc nội soi để lấy ra ngoài.

Như trường hợp của bệnh nhi thì sẽ được theo dõi sát nếu có biến chứng hoặc không thể ra ngoài bằng đường tiêu hóa, các bác sĩ sẽ có chỉ định can thiệp để lấy bỏ dị vật cho trẻ.

Khi nuốt dị vật, nếu trẻ không được phát hiện, xử trí kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: trầy xước niêm mạc ruột, dạ dày, thủng ruột, thủng dạ dày, xuất huyết và nguy hiểm nhất là có nguy cơ tử vong.

Do vậy các bậc phụ huynh cần cảnh giác khi trẻ chơi đồ chơi, nếu lỡ nuốt phải dị vật, cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám để có hưởng xử trí kịp thời.

Đặc biệt sau khi nuốt nếu trẻ có các dấu hiệu như: nôn, nôn dây máu, đau bụng, quấy khóc, da xanh tái, lạnh tay chân thì cần cấp cứu ngay lập tức. Tại bệnh viện trẻ sẽ được chẩn đoán, xác định tình trạng và có hướng khác nhau.

Khai trương Đơn nguyên tiêm chủng phục vụ người dân

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - CuBa vừa khai trương Đơn nguyên tiêm chủng các loại vắc-xin phục vụ người dân.

Với đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng tận tâm, trình độ chuyên môn cao, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và các trang thiết bị, được sự hỗ trợ từ các chuyên khoa của bệnh viện như khoa Nhi, khoa Nội và các chuyên khoa khác, người dân đến tiêm chủng tại bệnh viện sẽ được phục vụ một cách chuyên nghiệp, tận tình, chu đáo.

Đặc biệt, khi đăng ký tiêm chủng tại bệnh viện, ngoài dịch vụ tiêm vắc-xin, người dân còn được tư vấn chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh nếu có nhu cầu.

Đơn nguyên tiêm chủng của bệnh viện có đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết cho mọi lứa tuổi như vắc-xin viêm màng não do não mô cầu BC, vắc-xin phế cầu (Synflorix, Prevenar 13), vắc-xin cúm (Vaxigrip, Influvac Tetra), vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung (Gardasil 4, Gardasil 9)…

Ngoài ra, bệnh viện luôn cung ứng đầy đủ vắc-xin phòng uốn ván, huyết thanh kháng độc tố uốn ván để phục vụ nhu cầu của các bệnh nhân tại khoa phẫu thuật tạo hình hàm mặt và người dân.

Quy trình bảo quản vắc-xin theo đúng quy định, với hệ thống dây chuyền lạnh đạt chuẩn quốc tế, chất lượng vắc-xin luôn được đảm bảo.

Bệnh viện cũng ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin giúp người dân dễ dàng đăng ký tiêm chủng, chủ động nhắc lịch tiêm, lưu giữ lịch sử tiêm chủng, tra cứu dễ dàng, có chương trình ưu đãi cho người dân tham gia đăng ký các gói vắc-xin cho trẻ em theo các lứa tuổi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư