
-
Robot và AI mở ra bước ngoặt mới trong điều trị bệnh lý cột sống, thần kinh tại Việt Nam
-
Cần minh bạch nguồn gốc sản phẩm để chống lại hàng giả, hàng kém chất lượng
-
Tăng thuế thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiệt hại kinh tế
-
Người lớn tuổi và người bệnh nền: Cảnh giác với cúm khi giao mùa -
Sở Y tế Nam Định báo cáo vụ việc "đóng đủ tiền viện phí mới được cấp cứu"
Dịch sởi tại Hà Nội có dấu hiệu chững lại, bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, dịch sởi bước đầu có xu hướng chững lại và giảm nhẹ, tuy nhiên, vẫn ghi nhận sự gia tăng số ca mắc ở nhóm trên 10 tuổi và dự báo vẫn tiếp tục xuất hiện ca bệnh mới trong thời gian tới. Một số địa phương có số ca mắc cao gồm: Nam Từ Liêm (29 ca), Hoàng Mai (23), Hà Đông (18), Đống Đa (14), Ba Vì (12) và Thường Tín (11).
![]() |
Ảnh minh họa. |
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 2.265 ca mắc sởi tại toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 1 ca tử vong. Phân bố theo độ tuổi như sau: dưới 6 tháng (12,5%), từ 6-8 tháng (13,8%), từ 9-11 tháng (9%), từ 1-5 tuổi (21,4%), từ 6-10 tuổi (13,9%), từ 11-15 tuổi (13,6%) và từ 16 tuổi trở lên (15,9%).
Trong tuần qua, CDC Hà Nội ghi nhận 313 trường hợp mắc tay chân miệng tại 29 quận, huyện, thị xã (trừ huyện Mỹ Đức), tăng 23 trường hợp so với tuần trước. Các đơn vị ghi nhận số ca cao gồm: Hà Đông (60), Nam Từ Liêm (37), Quốc Oai (29), Thanh Trì (17), Ba Vì (15), Hai Bà Trưng (13), Cầu Giấy và Thanh Xuân (11 ca mỗi địa phương).
Phần lớn ca bệnh là trẻ ≤ 3 tuổi (chiếm 95%), chủ yếu xuất hiện rải rác trong cộng đồng và một số ổ dịch nhỏ tại các trường mầm non. Dự báo số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tính lũy kế năm 2025, Hà Nội đã ghi nhận 1.819 trường hợp mắc tay chân miệng, với 32 ổ dịch tại 30 quận, huyện, thị xã. Hiện còn 7 ổ dịch đang hoạt động tại các địa phương: Ba Vì (2 ổ dịch), Hà Đông, Nam Từ Liêm, Phúc Thọ, Quốc Oai và Thanh Xuân (1 ổ dịch mỗi nơi).
Tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 12 ca mắc sốt xuất huyết, tăng nhẹ so với tuần trước (11 ca). Tính từ đầu năm, thành phố đã có 235 trường hợp mắc, phân bố tại 28 quận, huyện, thị xã. Trong tuần không ghi nhận ổ dịch mới.
Ngoài ra, một trường hợp uốn ván người lớn (nam, 37 tuổi, có vết thương ở gót chân) được ghi nhận tại Phú Xuyên, nâng tổng số ca mắc uốn ván trong năm lên 11.
Đáng chú ý, Hà Nội cũng ghi nhận ca mắc rubella đầu tiên trong năm 2025 tại quận Tây Hồ. Bệnh nhân là bé gái 7 tháng tuổi, chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Trong tuần tới, CDC Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị y tế địa phương tiếp tục giám sát ổ dịch sốt xuất huyết cũ từ năm 2024 tại các quận, huyện như Đống Đa, Đan Phượng, Hoàng Mai, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Phúc Thọ, Phú Xuyên và Hà Đông. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ theo dõi ổ dịch dại tại Mê Linh và Sóc Sơn.
Các trung tâm y tế cơ sở tiếp tục tổ chức rà soát, tiêm chủng vắc xin phòng sởi cho trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi, đặc biệt ở các xã, phường có nguy cơ cao. Việc tiêm chủng cho học sinh từ 11–15 tuổi cũng sẽ được triển khai tại các địa bàn chưa tiêm đủ mũi, theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
CDC Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện sớm bệnh tay chân miệng trong cộng đồng và trường học. Khi xuất hiện ca bệnh, cần tổ chức xử lý triệt để ổ dịch, tổng vệ sinh và khử khuẩn môi trường theo quy định.
Ngoài ra, ngành Y tế và Giáo dục cần phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, rà soát tiêm chủng cho học sinh. Khi có ca mắc sởi trong trường học, cần kiểm tra tình trạng tiêm chủng và tổ chức tiêm phòng kịp thời cho các em chưa tiêm đủ.
Cuối cùng, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch sốt xuất huyết trước mùa dịch, đảm bảo giám sát chặt chẽ tại cả cộng đồng lẫn cơ sở y tế để kịp thời phát hiện và xử lý các ca bệnh, không để dịch lan rộng.
Nhiều người trẻ suy gan vì chủ quan vì bỏ điều trị viêm gan B
Chủ quan, thiếu hiểu biết và thói quen tự ý dùng thuốc đang khiến nhiều bệnh nhân viêm gan B rơi vào tình trạng suy gan nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thời gian gần đây liên tục tiếp nhận các ca suy gan cấp nặng. Đáng chú ý, phần lớn bệnh nhân đều có tiền sử viêm gan B mạn tính nhưng không được theo dõi và điều trị thường xuyên.
Một trường hợp điển hình là bà B.T.N. (54 tuổi, Thanh Hóa), nhập viện trong tình trạng phù toàn thân, vàng da đậm, thể trạng suy kiệt, chẩn đoán suy gan tiến triển. Theo người nhà, bà từng được phát hiện nhiễm virus viêm gan B từ hơn 30 năm trước nhưng chưa từng điều trị chuyên khoa. Trước đây, bệnh nhân từng dùng thuốc nam trong thời gian ngắn, nhưng đã ngừng hoàn toàn từ 4 năm nay.
Ba năm gần đây, sau khi bị gãy xương, bà N. có thói quen tự ý mua và sử dụng thuốc giảm đau kéo dài mà không qua thăm khám. Khoảng 10 ngày trước khi nhập viện, bà bắt đầu xuất hiện vàng da, mệt mỏi, sau đó sốt cao liên tục, khó thở và yếu dần, không thể tự vận động.
Tại Khoa Cấp cứu, bà N. được ghi nhận tỉnh táo nhưng suy kiệt nặng, da và mắt vàng sẫm, phù toàn thân, khó thở, xuất hiện tình trạng chảy máu tại các vị trí tiêm truyền. Bác sỹ xác định bệnh nhân có tổn thương phổi lan tỏa hai bên do viêm phổi kèm theo.
Các xét nghiệm chuyên sâu cho thấy tổn thương gan nghiêm trọng: men gan tăng gấp 4 lần bình thường, chỉ số GGT phản ánh độc tính từ thuốc tăng hơn 10 lần giới hạn, bilirubin toàn phần tăng gần 17 lần. Đặc biệt, chỉ số CRP dấu hiệu nhiễm trùng tăng đến 161 mg/L, cao gấp hơn 30 lần bình thường, cho thấy bệnh nhân đang bị nhiễm trùng huyết. Siêu âm cho thấy dịch cổ trướng nhiều và tràn dịch màng phổi hai bên.
Các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị suy gan nặng trên nền viêm gan B mạn tính, kèm viêm phổi và nhiễm trùng huyết tiến triển.
Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Thanh Bằng cho biết, virus viêm gan B có thể tồn tại âm thầm trong cơ thể suốt hàng chục năm mà không gây triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch suy yếu hoặc người bệnh dùng thuốc không kiểm soát, virus có thể tái hoạt mạnh mẽ, dẫn đến suy gan cấp, thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
“Người mắc viêm gan B tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc nam, thuốc bắc hoặc các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Những loại thuốc này có thể âm thầm gây tổn thương gan, thúc đẩy quá trình xơ gan, dẫn tới suy gan và ung thư gan”, bác sỹ Bằng cảnh báo.
Trước đó không lâu, Trung tâm Hồi sức tích cực của bệnh viện cũng tiếp nhận một bệnh nhân khác là ông N.V.H. (47 tuổi, Thái Bình) trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và viêm phổi nặng. Người bệnh từng biết mình mắc viêm gan B nhưng trong suốt 20 năm không điều trị. Do tình trạng quá nặng, chỉ sau chưa đầy một ngày nhập viện, gia đình đã xin cho bệnh nhân về.
Theo bác sỹ Bằng, người bệnh viêm gan B mạn tính dù không có triệu chứng cần đi khám định kỳ 6 tháng/lần để theo dõi chức năng gan, kiểm tra tải lượng virus và điều trị theo đúng phác đồ chuyên khoa. Đồng thời, cần tuyệt đối tránh thói quen tự ý mua và sử dụng thuốc, đặc biệt là các thuốc không rõ nguồn gốc hoặc không có chỉ định của bác sỹ.
“Phát hiện sớm, theo dõi sát và điều trị đúng là chìa khóa giúp kiểm soát bệnh viêm gan B, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm và bảo vệ tính mạng người bệnh”, bác sỹ Bằng nhấn mạnh.
Nhiều bệnh nhân “ngủ ngồi” vì hẹp van hai lá: Có thể tránh phẫu thuật nếu phát hiện sớm
Bà K., 55 tuổi, sống tại TP.HCM, mắc hẹp van hai lá nặng dẫn đến suy tim, nhiều năm phải ngủ trong tư thế ngồi do khó thở. Mới đây, bà đã được các bác sỹ tại Bệnh viện can thiệp nong van tim bằng bóng qua da, không cần phẫu thuật mở ngực, giúp phục hồi sức khỏe rõ rệt.
Bà K. phát hiện mắc bệnh tim từ hơn 30 năm trước, khi sinh con đầu lòng. Tuy nhiên, do chưa có triệu chứng rõ ràng, bà không điều trị. Sau sinh con thứ hai, sức khỏe bà suy giảm, và trong năm qua, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng: khó thở kéo dài, tim đập nhanh, phải ngủ với gối cao như tư thế ngồi. Mặc dù đã uống thuốc nam nhưng không cải thiện, bà vẫn từ chối phẫu thuật thay van do lo sợ phẫu thuật.
Đầu năm nay, bà được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng đau tức ngực, khó thở ngay cả khi gắng sức nhẹ. Các kết quả siêu âm tim và xét nghiệm cho thấy: bà bị hẹp khít van hai lá (diện tích mở dưới 1 cm²), hở van động mạch chủ mức độ trung bình, rung nhĩ nhanh, suy tim nặng và có huyết khối trong nhĩ trái.
Theo BS.CKII Nguyễn Văn Dương (Trung tâm Tim mạch Can thiệp), hẹp van hai lá là tình trạng van tim không mở được hoàn toàn khiến máu bị ứ lại ở tâm nhĩ trái, làm tăng áp lực và gây ứ máu tại phổi - nguyên nhân khiến bệnh nhân mệt mỏi, khó thở. Bệnh thường âm thầm tiến triển trong nhiều năm trước khi biểu hiện rõ rệt.
Sau hội chẩn, các chuyên gia tim mạch nhận định nếu phẫu thuật thay van thì kết quả điều trị sẽ lâu dài, nhưng nguy cơ biến chứng cao do bệnh nhân suy tim nặng và phải sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể. Trong khi đó, phương pháp nong van hai lá bằng bóng qua da ít xâm lấn, phục hồi nhanh, hiệu quả duy trì khoảng 7 - 10 năm, thậm chí có thể tới 20 năm nếu bệnh nhân chăm sóc tốt.
Trước khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân được điều trị huyết khối bằng thuốc kháng đông trong 4 tuần. Siêu âm tim qua thực quản xác nhận huyết khối đã tan hoàn toàn. Chỉ số Wilkins đánh giá mức độ tổn thương van tim của bà K. ở mức 9, vượt ngưỡng khuyến cáo (trên 8) cho nong van, cho thấy nguy cơ biến chứng cao. Dù vậy, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kinh nghiệm chuyên môn, các bác sỹ quyết định thực hiện thủ thuật.
Trong suốt 60 phút can thiệp, bệnh nhân được gây tê tại chỗ và hoàn toàn tỉnh táo. Ban đầu, bóng nong được bơm tới đường kính 23 mm, ghi nhận diện tích mở van đạt 1,5 cm².
Sau đó, bóng được nâng lên 24 mm, giúp lỗ van mở ra tới 1,99 cm², mức cải thiện rõ rệt so với trước. Nhận thấy kết quả khả quan và không có biến chứng, êkíp dừng tại đây để đảm bảo an toàn tối đa.
Sau can thiệp, bà K. phục hồi nhanh chóng: hết khó thở, có thể nằm ngủ bình thường, không còn phải “ngủ ngồi” như trước. Bà được xuất viện chỉ sau hai ngày và tiếp tục điều trị duy trì bằng thuốc. “Tôi rất mừng vì giờ có thể thở nhẹ nhàng và nằm ngủ như người bình thường”, bà chia sẻ.
Hẹp van hai lá là bệnh lý van tim phổ biến, thường gặp ở người có tiền sử sốt thấp khớp, vôi hóa van tim, bệnh tự miễn hoặc dị tật bẩm sinh. Những người cao tuổi, hút thuốc, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, rung nhĩ, huyết khối, tăng áp phổi, tim to... Tùy vào mức độ bệnh, các phương pháp điều trị có thể bao gồm dùng thuốc, nong van bằng bóng, phẫu thuật sửa hoặc thay van tim.
GS.Võ Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo, người có biểu hiện như khó thở về đêm, khó thở khi gắng sức, mệt mỏi, phù chân, tim đập nhanh, ho ra máu... nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Người mắc bệnh van tim nên ăn uống lành mạnh, giảm muối, tránh chất kích thích như cafein, rượu, thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý, không gắng sức quá mức và tái khám định kỳ 3-6 tháng một lần để theo dõi tiến triển bệnh.

-
Hà Nội chủ động kiểm soát dịch bệnh sởi và tay chân miệng
-
Robot và AI mở ra bước ngoặt mới trong điều trị bệnh lý cột sống, thần kinh tại Việt Nam
-
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, quảng cáo thực phẩm giả
-
Cần minh bạch nguồn gốc sản phẩm để chống lại hàng giả, hàng kém chất lượng
-
Tin mới y tế ngày 6/5: Dịch sởi tại Hà Nội có dấu hiệu chững lại, nhưng tay chân miệng tăng -
Tăng thuế thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiệt hại kinh tế -
Người lớn tuổi và người bệnh nền: Cảnh giác với cúm khi giao mùa -
Sở Y tế Nam Định báo cáo vụ việc "đóng đủ tiền viện phí mới được cấp cứu" -
Tin mới y tế ngày 5/5: Gần 1 triệu lượt người khám, cấp cứu trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 -
Tin mới y tế ngày 4/5: Kỳ tích ghép tạng trong dịp đại lễ 30/4-1/5 -
Không có vùng cấm trong xử lý thực phẩm chức năng giả
-
FPT thâu tóm công ty công nghệ Đức, thúc đẩy chuyển đổi số ngành năng lượng
-
SeABank thông báo mời thầu
-
Vì sao phân khu tài chính của Economy City hút giới doanh nhân, đầu tư
-
Ngân hàng số SeAMobile được xếp hạng 5 sao tại Giải thưởng Sao Khuê 2025
-
Vinhomes và CapitaLand Development hợp tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực bất động sản
-
VietinBank - Chuyển đổi số để vươn mình trong kỷ nguyên mới