Thứ Bảy, Ngày 19 tháng 04 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 17/4: Khẩn cấp chống dịch sởi, tay chân miệng tại Hà Nội
D.Ngân - 17/04/2025 09:57
 
Trước tình hình dịch bệnh sởi và tay chân miệng diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, nhằm hạn chế tối đa sự lây lan và các ca tử vong đáng tiếc.

Gần 2.700 ca mắc, đã có ca tử vong do sởi

Theo báo cáo từ hệ thống giám sát dịch bệnh, tính đến ngày 13/4/2025, toàn TP.Hà Nội đã ghi nhận gần 1.700 ca mắc bệnh sởi, với số ca mắc theo tuần duy trì ở mức cao, trung bình khoảng 200 ca/tuần.

Ảnh minh họa

Đáng chú ý, bệnh có xu hướng gia tăng trong nhóm tuổi học sinh từ 6 đến 15 tuổi, trong đó đã có một trường hợp tử vong trên bệnh nhân có bệnh nền.

Cùng thời điểm, Hà Nội cũng ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc tay chân miệng, với số ca gia tăng rõ rệt trong 4 tuần gần đây. Nhiều cơ sở giáo dục đã phát hiện ổ dịch hoặc có học sinh mắc bệnh.

Trước thực tế này, Sở Y tế Hà Nội đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong trường học bằng nhiều hình thức đa dạng, đồng thời đảm bảo các biện pháp vệ sinh khử khuẩn, cách ly trẻ mắc bệnh để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Các cơ sở giáo dục được yêu cầu phối hợp với cơ quan y tế tổ chức rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh, đặc biệt là với vắc-xin sởi, nhằm kịp thời triển khai tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa tiêm đủ liều.

UBND các quận, huyện, thị xã được chỉ đạo huy động trung tâm y tế địa phương chủ động tổ chức tiêm chủng phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, cần rà soát kỹ số lượng trẻ từ 11- 15 tuổi và người trên 15 tuổi chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi, để có kế hoạch tiêm phòng bổ sung theo hướng dẫn từ Sở Y tế.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội được giao nhiệm vụ giám sát dịch bệnh thường xuyên, đánh giá nguy cơ lây lan dịch trên địa bàn, đồng thời đảm bảo nguồn vắc-xin sởi đầy đủ cho cả chương trình tiêm chủng mở rộng và các chiến dịch tiêm chủng khẩn cấp.

CDC thành phố cũng chịu trách nhiệm kiểm tra, hỗ trợ các trung tâm y tế trong công tác phòng chống dịch; sẵn sàng cung ứng vật tư, hóa chất, thiết bị phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tất cả các cơ sở y tế công lập và tư nhân thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế lây nhiễm chéo bệnh sởi trong bệnh viện. Các đơn vị y tế cần tăng cường giao ban, hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh.

Đối với các ca bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị tại cơ sở, cần nhanh chóng chuyển tuyến an toàn, kịp thời, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong.

Tập trung kiểm soát an toàn thực phẩm tại làng nghề và dịp Tết Trung thu

UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 16/4/2025 về việc tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại một số làng nghề sản xuất bánh, kẹo và các cơ sở sản xuất bánh Trung thu trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch, thành phố sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, đặc biệt trong dịp Tết Trung thu 2025, thời điểm tiêu thụ cao các sản phẩm bánh, kẹo, bánh Trung thu.

Ngoài công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và các cơ sở sản xuất, kế hoạch lần này cũng nhấn mạnh việc siết chặt kiểm tra, giám sát tại các làng nghề truyền thống chuyên sản xuất bánh, kẹo – nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm về toàn thực phẩm nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

UBND thành phố giao Sở Công Thương là đơn vị chủ trì triển khai kế hoạch theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công. Sở sẽ tổ chức tổng hợp danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong phạm vi chuyên đề; tiến hành tập huấn kiến thức về toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý và chủ cơ sở.

Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên việc chấp hành quy định pháp luật về toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhập lậu, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Một trong những yêu cầu then chốt của kế hoạch là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra một cách liên tục, không để tình trạng kiểm tra hình thức hoặc chồng chéo giữa các đơn vị. Các vi phạm về toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm minh, đồng thời công khai kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, nâng cao tính minh bạch trong công tác quản lý.

Việc triển khai quyết liệt kế hoạch này thể hiện quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, giữ gìn uy tín các làng nghề truyền thống, đồng thời bảo đảm chất lượng sản phẩm phục vụ thị trường trong dịp lễ lớn như Tết Trung thu.

Phát hiện hàng loạt vi phạm tại bếp ăn tập thể Công ty Đồ chơi Chee Wah

Trong khuôn khổ Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Đồ chơi Chee Wah Việt Nam (khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Kết quả kiểm tra cho thấy hàng loạt vi phạm nghiêm trọng về điều kiện vệ sinh và an toàn thực phẩm.

Theo ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, bếp ăn tập thể của công ty-  nơi phục vụ khoảng 1.600 suất ăn mỗi ngày cho công nhân có cơ sở vật chất và trang thiết bị đã xuống cấp trầm trọng. Các khu vực như tường, trần bếp ẩm mốc, bong tróc; nền nhà đọng nước, trơn trượt; cống rãnh bốc mùi, đều không đạt tiêu chuẩn an toàn.

Kệ để bát đũa và thực phẩm hư hỏng, tủ lạnh bảo quản thực phẩm hoen gỉ, tay cầm bung, không đáp ứng điều kiện lưu trữ thực phẩm đông lạnh. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm nhanh 10 khay inox đựng thức ăn cho thấy 100% mẫu không đạt tiêu chuẩn, còn bám dính tinh bột do rửa không sạch.

Bếp ăn không được thiết kế theo quy trình một chiều, không có phân khu riêng biệt. Khu vực sơ chế thực phẩm bẩn, trong khi khu chế biến xuất hiện ruồi, phân côn trùng. Dù đã có lưới chắn côn trùng, nhưng các cửa ra vào để hở khoảng 20 cm, tạo điều kiện cho côn trùng và động vật dễ dàng xâm nhập.

Đáng lo ngại, kho chứa thực phẩm vừa lộn xộn, vừa thiếu điều kiện bảo quản, khi nhiều bao gạo, sữa, dầu ăn được đặt sát tường ẩm thấp. Ngoài ra, kho còn bị tận dụng làm nơi cất giữ quần áo, giày dép và đồ dùng cá nhân, thậm chí là nơi làm việc của nhân viên.

Tại buổi làm việc sau kiểm tra, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội yêu cầu công ty khẩn trương khắc phục toàn bộ các tồn tại, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thay thế trang thiết bị hư hỏng, đồng thời bổ sung các hồ sơ pháp lý còn thiếu như sổ kiểm định, hồ sơ nguồn gốc thực phẩm...

Đoàn kiểm tra cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện Chương Mỹ tiếp tục giám sát, xử lý vi phạm đối với công ty, đồng thời tiến hành hậu kiểm để đảm bảo các sai phạm được khắc phục triệt để.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, vào tháng 1/2019, Công ty TNHH Đồ chơi Chee Wah Việt Nam đã từng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với 25 công nhân bị ảnh hưởng. Điều này cho thấy nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại công ty là không phải lần đầu tiên.

Với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 đang được triển khai quyết liệt trên địa bàn Hà Nội. Từ ngày 15/4 đến 15/5, thành phố thành lập ba đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra các cơ sở tại các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố.

Việc phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm tại bếp ăn tập thể Chee Wah là hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp về trách nhiệm trong việc đảm bảo sức khỏe, an toàn thực phẩm cho người lao động.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư