Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 7/1: Không chủ quan với công tác chống dịch bệnh dịp Tết
D.Ngân - 07/01/2024 07:51
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa ký ban hành Chỉ thị 01/CT-BYT về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Đảm bảo xuyên suốt công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch

Theo đó, để tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết vui tươi, lành mạnh, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu UBND tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh dịp Tết Nguyên đán năm 2024; huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác y tế trong dịp Tết.

Cụ thể, tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát rộng ra cộng đồng.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan.

Bộ Y tế đề nghị Cục Y tế dự phòng thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước, quốc tế.

Bộ Y tế cũng yêu cầu ngành Y tế các địa phương phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết. Đồng thời, xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ;

Chuẩn bị đầy đủ hóa chất, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian nghỉ Tết.

Cũng về công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị Cục Y tế dự phòng thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước, quốc tế; chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt đối với dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi.

Cùng với đó, triển khai tiêm chủng cho trẻ em đúng độ tuổi; củng cố, tổ chức tập huấn, diễn tập, sẵn sàng triển khai các đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch.

Các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản phòng, chống dịch trong dịp Tết; nâng cao năng lực đội phản ứng nhanh để kịp thời đáp ứng, không để bị động, bất ngờ trước các tình huống dịch bệnh.

Về công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết, Bộ Y tế đề nghị Cục Quản lý khám, chữa bệnh chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc ứng trực 24/24 giờ; chủ động các phương án sẵn sàng nhân lực, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế bảo đảm khám, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, pháo nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, thực hiện công tác hỗ trợ tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa; sàng lọc, phân loại, phân luồng người bệnh đến khám, chữa bệnh; triển khai hiệu quả việc phân tuyến, phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh.

Về công tác an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội có yếu tố nguy cơ cao; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, đồng thời biểu dương các tổ chức, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng.

Ngoài ra, Cục Quản lý dược chỉ đạo các sở y tế tỉnh, thành phố, bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế và các công ty xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất thuốc có kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ thuốc, triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh, nhất là các thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa đông-xuân như: Cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do vi rút rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa...

Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến, xử lý nghiêm các trường hợp được phát hiện.

Giải đáp thắc mắc về vắc-xin 5 trong 1

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) vừa có những thông tin chi tiết về vắc-xin DPT-VGB-Hib (SII), còn gọi là vắc-xin 5 trong 1 mà TP.HCM vừa nhận 850.000 liều từ Bộ Y tế để tiêm cho trẻ 2 tháng tuổi trở lên từ ngày 2-1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo đó, loại vắc-xin SII lần này bao gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt, kháng nguyên vi-rút viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B.

Đợt tiêm này cho trẻ dưới 1 tuổi vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.

Vắc-xin SII do Công ty Serum Institute of India, Ấn Độ sản xuất, được cấp phép lưu hành ở Ấn Độ năm 2009. Vắc-xin đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 2010.

Loại vắc-xin này đã được thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam và được chứng minh là an toàn; được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tháng 9/2018.

Vắc-xin SII là loại vắc-xinphối hợp phòng được 5 bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh này, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Sử dụng loại vắc-xin này sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình, đồng thời trẻ em có cơ hội phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, cũng giống như các loại vắc-xin khác, khi tiêm lại vắc-xin SII này, trẻ có thể có một số phản ứng thông thường như sốt nhẹ (<38,5°C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc… Tuy nhiên, các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày.

Chi tiết hơn, sau khi tiêm vắc-xin SII, trẻ có thể khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc-xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng; co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc-xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng.

Giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng xảy ra trong vòng 48 giờ với tỷ lệ là 1-2/1.000 liều. Sốc phản vệ có thể xảy ra với tỷ lệ 20/1 triệu liều.39°C), co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, li bì, phát ban... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.

Bé gái sơ sinh mắc bệnh di truyền hiếm gặp

Các bác sĩ Đơn vị Bỏng, Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa điều trị cho bé gái P.G (13 ngày tuổi, ở Thanh Hóa) được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương do mắc chứng bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh (Epidermolysis bullosa, viết tắt là: EB). Đây là bệnh di truyền hiếm gặp.

Sau khi chào đời, bé gái P.G nặng 3,6 kg có dấu hiệu toàn bộ cẳng chân, bàn chân 2 bên của bé bị trợt loét, mất những mảng da xung quanh, rỉ nhiều dịch. Ngay lập tức, trẻ được chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé mắc chứng bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh, bé được điều trị, chăm sóc vết thương, nhưng tình trạng bệnh tiến triển chậm và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương khi được 13 ngày tuổi.

Tại Đơn vị Bỏng, Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi vào viện trong tình trạng tổn thương trợt loét da cẳng, bàn chân hai bên, rỉ nhiều dịch gây khó khăn trong điều trị.

Sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, P.G được các bác sĩ điều trị bằng thuốc kháng sinh phòng chống bội nhiễm, chăm sóc vết thương hằng ngày bằng các dung dịch sát trùng và các loại gạc sinh học diệt khuẩn, tiêu mô hoại tử, bảo vệ lớp da, tránh bị bong trợt thêm khi thay băng và chăm sóc, kết hợp với dinh dưỡng hợp lý, nằm phòng thông thoáng phòng chống bội nhiễm.

Kết quả, sau khoảng 1 tháng điều trị, tình trạng vết thương của trẻ cải thiện và ổn định. Trẻ đã được xuất viện, hướng dẫn chăm sóc tại nhà và được hẹn tái khám định kỳ.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Phùng Công Sáng, Phụ trách Đơn vị bỏng, Phó Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, ly thượng bì bẩm sinh là bệnh lý hiếm gặp ở trẻ nhỏ do sự đột biến gene di truyền với cả hai thể di truyền trội và di truyền lặn.

Trẻ mắc bệnh lý này luôn phải chống chọi với đau đớn vì lớp ngoài cùng của da rất dễ bị bong khỏi tổ chức bên dưới, tổn thương da lan rộng làm cho trẻ bị mất dịch, protein, dễ gây nhiễm trùng và nguy cơ nhiễm khuẩn huyết cao.

Trường hợp nặng trẻ có tổn thương niêm mạc miệng, đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu thì rất khó khăn trong việc điều trị, dễ để lại các di chứng sẹo hẹp đường tiêu hóa, hô hấp, tiên lượng xấu, nếu không được điều trị dứt điểm và kịp thời thì nguy cơ tử vong cao do các biến chứng.

Bên cạnh đó, việc thay băng, chăm sóc vết thương vùng cơ quan vận động của trẻ không tốt sẽ để lại những di chứng như dính các ngón tay, ngón chân, biến dạng khớp chi, trẻ sẽ cần phải phẫu thuật để chỉnh sửa sau này.

Tại Đơn vị Bỏng, Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, hằng năm tiếp nhận và điều trị cho khoảng 5-7 bệnh nhi mắc chứng bệnh đặc biệt này.

Hiện nay, trẻ mắc bệnh chưa có thuốc để chữa trị đặc hiệu, phương pháp điều trị chủ yếu cho trẻ là điều trị triệu chứng như: chăm sóc vết thương, cung cấp đủ chất dinh dưỡng, chống nhiễm trùng, tránh di chứng sẹo co rút, biến dạng cơ quan vận động. Bé lớn dần lên thì các triệu chứng cũng thường sẽ đỡ dần.

Bác sĩ Phùng Công Sáng khuyến cáo, cách phòng bệnh duy nhất đối với chứng bệnh này đó là cha mẹ không nên sinh con khi hai bố mẹ đã được chẩn đoán xác định mang gene đột biến.

Đối với những cha/mẹ mang gene di truyền trội nếu muốn sinh con cần được chẩn đoán trước sinh để chắc chắn đứa trẻ được sinh ra khoẻ mạnh, không bị bệnh.

Phải làm gì khi bị mắc Covid-19?
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) để phòng bệnh Covid-19 và các bệnh lây qua đường hô hấp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư