Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Bệnh tự miễn tăng nhanh sau đại dịch Covid-19
D.Ngân - 18/12/2023 20:15
 
"Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự miễn" là chủ đề Tọa đàm do Quỹ VinFuture tổ chức chiều 18/12 thu hút nhiều chuyên gia hàng đầu tham dự trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023.
TIN LIÊN QUAN

Hệ thống miễn dịch trong cơ thể người có chức năng bảo vệ, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và bệnh tật. Tuy nhiên, ở một số người hệ thống miễn dịch bị rối loạn hoạt động nên quay ra tấn công lại chính các tế bào của cơ thể, từ đó sinh ra các bệnh được gọi chung là bệnh tự miễn.

Bệnh tự miễn là bệnh nguy hiểm vì không thể điều trị khỏi hoàn toàn và gây nhiều biến chứng nặng. Bệnh tự miễn là bệnh xảy ra do bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Toạ đàm

Tự kháng nguyên là thành phần của cơ thể, vì lý do nào đó trở thành vật lạ, tự kháng thể của cơ thể chống lại các tự kháng nguyên này làm bệnh tự miễn xảy ra.

Các chuyên gia y tế lo ngại, sau đại dịch, nguy cơ mắc bệnh tự miễn tăng 20-50%. Chính vì vậy, Toạ đàm “Thúc đẩy miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh rối loạn tự nhiên” của Tuần lễ Khoa học-công nghệ VinFuture chiều 18/12 thu hút các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực này tham dự.

Trong khuôn khổ tại sự kiện các diễn giả tập trung thảo luận các liệu pháp điều trị nhắm đích, bao gồm liệu pháp tế bào sử dụng lympho T điều hòa, các kháng thể đơn dòng để điều trị một số bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì. Những phương pháp điều trị theo hướng miễn dịch học chính xác này hứa hẹn có thể chữa khỏi hoàn toàn các bệnh lý tự miễn.

Phát biểu tại Toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao Quỹ VinFuture tổ chức một Toạ đàm chất lượng khi quy tụ được các nhà khoa học hàng đầu thế giới quan tâm thúc đẩy miễn dịch học để điều trị rối loạn tự miễn.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh rối loạn tự miễn được công nhận lần đầu vào năm 1900. Sau đó, con người đã có bước tiến đáng kể nhưng việc làm sáng tỏ nguyên nhân gây bệnh vẫn là thách thức lớn, tốn nhiều thời gian, công sức của các nhà khoa học. Nhân loại hiện biết 100 loại bệnh tự miễn trong cả nghìn bệnh lý hiếm gặp.

Sau đại dịch, chúng ta thấy nguy cơ mắc bệnh tự miễn tăng 20-50%. Tại Việt Nam cũng ghi nhận tỷ lệ mắc rối loạn miễn dịch sau dịch tăng nhưng còn hạn chế trong phát hiện, điều trị. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thừa nhận, hiểu biết về rối loạn tự miễn còn hạn chế, nhiều khó khăn về tiếp cận các loại thuốc.

Còn theo TS.Nguyễn Văn Đĩnh, Trưởng Khoa Nội chung, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, giảng viên lâm sàng thuộc Khối Khoa học Sức khỏe, Trường Đại học VinUniversity, Việt Nam có 100 triệu dân, tỷ lệ bệnh tự miễn độ 4%, tức là 4 triệu người bị mắc bệnh. 

TS.Nguyễn Văn Đĩnh, Trưởng Khoa Nội chung, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, 

Các nghiên cứu tại Hoa Kỳ, Đức và Anh cho thấy nguy cơ mắc các bệnh lý tự miễn tăng lên từ 20-50% sau khi một người nhiễm Covid-19. Theo thông tin của Đại học Oxford (Anh) vào tháng 5/2023, có khoảng 10% dân số mắc 19 loại bệnh tự miễn. 

Việt Nam cũng ghi nhận sự gia tăng rõ rệt số người mắc các rối loạn miễn dịch sau Covid-19, tạo ra gánh nặng bệnh tật cho bản thân người bệnh cũng như cho xã hội.

Tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, thách thức trong điều trị các vấn đề rối loạn miễn dịch hiện nay là khoảng cách giữa nhu cầu của người bệnh và các asản phẩm điều trị.

Mặc dù có nhiều thuốc, từ ức chế miễn dịch đến điều trị sinh học (tức liệu pháp đích), nhưng mới đạt được hiệu quả giảm triệu chứng, kiểm soát bệnh ổn định chứ chưa giúp người bệnh khỏi hoàn toàn.

Ngoài ra, các thuốc sinh học hoặc thuốc điều trị đích hiện chưa có hoặc quá đắt ở Việt Nam nên khó tiếp cận với số đông. Do đó, phần lớn bệnh nhân tại Việt Nam đang sử dụng các loại thuốc cổ điển, gây nhiều tác dụng phụ như tăng nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng nhiều đến các chức năng nội tạng như gan, thận...

Chia sẻ về thách thức của Việt Nam trong nghiên cứu các bệnh lý tự miễn và khả năng áp dụng các biện pháp với Việt Nam, TS.Nguyễn Văn Đĩnh cho biết, hiện một số loại thuốc được sử dụng ở Việt Nam như một số thuốc ức chế tế bào nhưng rất đắt tiền.

“Tôi khuyến cáo các công ty làm sao sản xuất thuốc trong Việt Nam để giảm giá thành để nhiều bệnh nhân Việt Nam có thể sử dụng được”, TS.Nguyễn Văn Đĩnh bày tỏ.

 Về phía các chuyên gia quốc tế, GS.Pascale Cossart, thành viên Hội đồng giải thưởng VinFuture, nguyên Trưởng khoa Tế bào tại Viện Pasteur, Paris, Pháp, với bệnh miễn dịch, nghiên cứu cho thấy vi sinh vật ảnh hưởng tới các liệu pháp điều trị, ví dụ như ung thư. Nhiều bằng chứng cho thấy hệ vi sinh vật tác động lên đáp ứng hệ miễn dịch và liệu pháp miễn dịch.

GS.Pascale Cossart, thành viên Hội đồng giải thưởng VinFuture, nguyên Trưởng khoa Tế bào tại Viện Pasteur, Paris, Pháp,

Theo nghiên cứu, trẻ em được bộc lộ phát triển tự do thì sẽ giảm được nguy cơ bệnh lý tự miễn. Do đó, chúng ta phải đánh giá vai trò quan trọng hệ vi sinh vật đường ruột.

Chuyên gia này cũng cho rằng, chúng ta phải cân nhắc trong điều trị kháng sinh; đưa ra các sản phẩm tăng hệ miễn dịch. Hoặc nghĩ tới giải pháp làm sao thay thế hệ vi sinh vật đường ruột. Đó là biện pháp có khả năng phòng ngừa.

Trong bài chia sẻ “Liệu pháp tế bào T điều hòa giúp điều trị các bệnh miễn dịch”, GS.Shimon Sakaguchi, Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch tiên phong (IFReC), Đại học Osaka (Nhật Bản) cho hay, bệnh tự miễn có ở trên 10% dân số. Hầu hết cơ quan trong cơ thể đều bị bệnh tự miễn.

Nhằm nghiên cứu về bệnh tự miễn, từ năm 1990, thế giới đã biết vai trò của tế bào T và đã xác định được các yếu tố kháng nguyên trong cơ thể.

Nhưng làm sao điều chỉnh vai trò của tế bào T để làm giảm ức chế bất hoạt với các tế bào khác là điều đặt ra với các nhà khoa học.

GS.Shimon Sakaguchi, Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch tiên phong (IFReC), Đại học Osaka (Nhật Bản).

Theo chuyên gia này, tế bào T tự nhiên có thể được nuôi cấy. Nhưng làm sao để đạt được hiệu ứng đích trong kháng nguyên này là vấn đề ông đang nghiên cứu.

Nói về bệnh tự miễn, theo các chuyên gia y tế, bệnh thường gặp ở người trẻ hoặc đứng tuổi (thường từ 20 đến 40 tuổi). Trẻ em và người già ít gặp hơn, nữ gặp nhiều hơn nam.

Bệnh tiến triển từng đợt, nặng dần (vì vậy bệnh có tên là bệnh tự duy trì) diễn tiến thường phức tạp, đa dạng từ cấp tính, tối cấp đến nhẹ, dai dẳng.

Bệnh tự miễn di truyền và thường có tính chất gia đình. Khi bị bệnh tự miễn có thể tổn thương đồng thời nhiều cơ quan. Y học hiện đại đã xác định được một số nguyên nhân gây ra các bệnh tự miễn bao gồm:

Ô nhiễm môi trường: Bệnh tự miễn, nhất là bệnh lupus ban đỏ, sẽ nghiêm trọng hơn khi môi trường sống bị ô nhiễm. Những hóa chất như thủy ngân, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm tóc, bao ni lông... có thể gây tổn hại một cách trực tiếp lên hệ miễn dịch.

Nhiễm trùng cũng là nguyên nhân gây nên một số bệnh tự miễn như sốt thấp khớp, viêm cột sống....

Các bệnh tự miễn này xảy ra có thể là do các tế bào của cơ thể tương tự như vi trùng, do vậy hệ miễn dịch thay vì tiêu diệt vi trùng, nó đã tấn công vào chính tế bào của cơ thể.

Xáo trộn vi khuẩn đường ruột: Có hàng tỷ vi khuẩn sống ở trong ruột có vai trò điều hòa hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, do tình trạng lạm dụng kháng sinh quá mức và sử dụng thuốc ngừa thai vô tội vạ đã dẫn đến sự mất cân bằng của hệ vi sinh đường ruột gây nên các chứng tự miễn và các rối loạn miễn dịch.

Thiếu hụt vitamin D: Vitamin D có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của hệ miễn dịch, nó hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại ung thư, ngăn ngừa sự gắn kết của những thành phần chống lại hệ miễn dịch.

Hội chứng rò ruột: Khi hệ vi khuẩn đường ruột bị xáo trộn, sự tiêu hóa sẽ trở nên kém hiệu quả, màng nhầy ruột sẽ bị tổn hại. Hàng rào phân cách ruột và máu bị hóa giải. Các phần tử thức ăn sẽ thừa cơ hội từ ruột đi vào máu và tạo gánh nặng cho hệ miễn dịch làm cho hệ miễn dịch thay đổi dẫn đến sự tự miễn.

Bệnh tự miễn có thể tác động đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể và gây ra biến chứng nên đó là một trong những lý do khiến bệnh khó chẩn đoán.

Biểu hiện của bệnh tự miễn là mệt mỏi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải, không tập trung, mất tinh thần. Nếu thấy bị tình trạng này bạn nên đi khám sớm để tìm hiểu nguyên nhân để điều trị sớm.

Ngứa da, nổi mề đay, phát ban: Nhiều người dễ nhầm lẫn với bị dị ứng tuy nhiên khi hệ miễn dịch trong cơ thể bị suy yếu khiến da bị ngứa ngáy, hay nổi mề đay hoặc phát ban.

Tăng hoặc giảm cân bất thường: Nếu cảm thấy trọng lượng cơ thể đột nhiên tăng hoặc giảm một cách bất thường thì nguyên nhân có thể do sự trao đổi chất trong cơ thể bị rối loạn, hệ miễn dịch thay đổi.

Sưng các tuyến ở khớp, cổ họng vì hệ miễn dịch tạo các kháng thể tự “hủy hoại” các mô tại các cơ quan.

Thay đổi trong nhu động ruột và quá trình trao đổi chất dị ứng thực phẩm hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa khiến bạn dễ bị dị ứng với thực phẩm hoặc gây nên tình trạng táo bón, tiêu chảy.

Để phòng tránh các bệnh tự miễn và bảo vệ hệ miễn dịch, thì cần duy trì một chế độ ăn uống phù hợp, nghỉ ngơi điều độ và hạn chế hút thuốc lá.

Không để mình quá béo hoặc béo phì vì béo cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh tự miễn, như viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp vẩy nến.

Cần duy trì việc khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm nhằm phát hiện sớm những bệnh nguy hiểm, trong đó có các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch. Đồng thời bạn cũng cần thường xuyên vận động chọn cho mình môn thể thao phù hợp để luyện tập đều đặn mỗi ngày.

Khi được phát hiện mình bị tự miễn bạn nên đi khám ngay để được tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp, không nên tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc khiến bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn và gây nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện nay mặc dù đã có nhiều loại thuốc và kỹ thuật mới ra đời để điều trị bệnh tự miễn xong cũng mới chỉ điều trị được triệu chứng của bệnh mà chưa thể khỏi hoàn toàn.

Không ai bảo vệ được bản thân tốt nhất ngoài chính bạn nên mọi người cần tìm hiểu và nâng cao ý thức bảo vệ hệ miễn dịch của cơ thể bằng những phương pháp đơn giản hàng ngày.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư