Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 9/9: Không để thiếu thuốc, tăng giá sau bão số 3
D.Ngân - 09/09/2024 09:38
 
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có Công văn số 3006/QLD-KD 2024 về việc bảo đảm cung ứng thuốc trong mùa mưa lũ.

Không để thiếu thuốc, tăng giá sau bão số 3

Theo đó, một số dịch bệnh có thể phát sinh trong mùa bão, mưa lũ như: Đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tiêu chảy, bệnh ngoài da… Do đó, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc đóng trên địa bàn có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị; tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có Công văn số 3006/QLD-KD 2024 về việc bảo đảm cung ứng thuốc trong mùa mưa lũ.

“Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn chủ động lập danh sách các thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời lên kế hoạch, đặt hàng và mua sắm bổ sung, dự trữ, bảo đảm có đủ thuốc phục vụ các tình huống y tế bị ảnh hưởng do bão, lũ, dịch bệnh”, Cục Quản lý dược nhấn mạnh.

Ngoài ra, Sở Y tế kịp thời báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý dược, Vụ Kế hoạch - Tài chính) trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị các bệnh có thể phát sinh sau lũ trên địa bàn.

Để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, Cục Quản lý dược sẽ ưu tiên, xem xét giải quyết theo quy định các đơn hàng nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành.

Trường hợp có khó khăn, vướng mắc về nguồn cung, các đơn vị phản ánh về Cục Quản lý dược để được hướng dẫn, giải quyết.

Liên quan đến việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh sau cơn bão số 3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng có nhiều ảnh hưởng do cơn bão số 3, nhất là vùng ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

Các địa phương cũng cần tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy sau cơn bão số 3, vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn.

Ngoài ra, bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

Thêm hơn 600 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn đăng ký lưu hành

Ở đợt gia hạn giấy đăng ký lưu hành mới nhất theo quy định của Luật Dược 2016 có 663 sản phẩm thuốc, nguyên liệu làm thuốc được Cục Quản lý Dược gia hạn.

Trong số này có 489 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất được gia hạn trong thời gian 5 năm; 139 sản phẩm thuốc được gia hạn trong 3 năm và 35 thuốc được gia hạn đến ngày 31/12/205.

Các sản phẩm thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành lần này đều là thuốc sản xuất trong nước, khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý như nhóm thuốc điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, điều trị viêm phổi, viêm xoang, điều trị bệnh lý tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực... thuốc điều trị thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp và các bệnh khớp mạn tính khác; thuốc điều trị tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, điều trị ung thư, thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường, vitamin, thuốc bôi ngoài....

Bộ Y tế yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.

Thuốc chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Liên quan về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tại dự thảo Luật Dược sửa đổi, bổ sung, ban soạn thảo đề xuất quy định các trường hợp gia hạn, thay đổi, bổ sung Giấy đăng ký lưu hành không phải thông qua Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hoặc không phải phê duyệt.

Đơn giản hóa hồ sơ gia hạn, thay đổi, bổ sung Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; quy định các trường hợp gia hạn, thay đổi, bổ sung Giấy đăng ký lưu hành không phải thông qua Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc hoặc không phải chờ Bộ Y tế phê duyệt để đơn giản hóa thủ tục hành chính;

Giảm thời gian giải quyết hồ sơ thay đổi, bổ sung chỉ cần công bố từ 3 tháng xuống còn 15 ngày làm việc; Giảm thời hạn cấp Giấy đăng ký lưu hành từ 12 tháng xuống còn 09 tháng trong trường hợp thừa nhận, tham chiếu nhằm đẩy nhanh quá trình cấp phép, bảo đảm quyền tiếp cận thuốc sớm của người dân.

Bổ sung quy định cho phép cơ sở được tiếp tục sử dụng Giấy đăng ký lưu hành sau khi hết hiệu lực và đã nộp hồ sơ gia hạn theo quy định đến khi được gia hạn hoặc có văn bản của Bộ Y tế.

Bổ sung quy định cho phép thay thế CPP bằng giấy tờ pháp lý chứng minh thuốc được cấp phép trong trường hợp đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh…

Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa Trung thu

Càng gần đến dịp rằm tháng Tám, thị trường các sản phẩm bánh kẹo, bánh Trung thu càng sôi động, sức mua tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh những thương hiệu uy tín, hiện vẫn còn không ít cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, thủ công, làm theo tính chất “mùa vụ”, bán các sản phẩm không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu, trong tháng 8/2024, lực lượng chức năng liên ngành của Hà Nội đã liên tục ra quân, kiểm tra và phát hiện, thu giữ hàng trăm sản phẩm bánh Trung thu và các sản phẩm bánh kẹo khác có dấu hiệu nhập lậu, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; đặc biệt là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa hậu quả các vụ việc vi phạm liên quan về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, đối với các mặt hàng bánh Trung thu handmade “siêu rẻ” bán trôi nổi trên thị trường hoặc chào bán trên các nền tảng mạng xã hội, cơ quan chức năng cũng rất khó kiểm soát việc mua bán. Bởi người bán hàng thường không đăng ký kinh doanh, các sản phẩm không dán tem mác, nơi sản xuất nên công tác kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội về tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó chú trọng các sản phẩm phục vụ Tết Trung thu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các khách sạn từ 3 sao trở lên trên địa bàn thành phố có sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu.

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, trong thời gian ra quân kiểm tra các sản phẩm bánh Trung thu, Chi cục đã lấy mẫu kiểm nghiệm của các loại bánh Trung thu của khoảng gần 20 khách sạn 3 sao, 5 sao trên địa bàn thành phố để kiểm tra thì kết quả đều đạt.

Tuy nhiên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không mua các loại bánh trung thu “siêu rẻ” hay giảm giá trên mạng mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ; những sản phẩm trôi nổi, hàng lậu. Người dân chỉ nên mua các sản phẩm phải có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng.

Ngoài ra, khi mua bánh, người tiêu dùng nên quan sát kỹ, chọn sản phẩm không bị biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, mốc và có mùi khác lạ. Mặt khác, người tiêu dùng cần bảo quản, sử dụng bánh theo hướng dẫn ghi trên bao bì của sản phẩm và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất.

Lại thiếu thuốc, người bệnh phải mua ngoài
Thuốc GH đang được Bảo hiểm y tế chi trả và người bệnh đồng chi trả song hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương thuốc vẫn đang thiếu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư