Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tình hình bao trùm vẫn là khó khăn, nhưng khả năng 2 quý tới tốt lên là rõ
Khánh Linh - 29/06/2023 11:13
 
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, khó khăn vẫn bao trùm kinh tế nửa đầu năm 2023, nhưng tín hiệu tích cực đang rõ nét hơn.
,
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh 

Thưa ông, sáng nay, Tổng cục Thống kê đã tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0, 34% của quý 2/2020 trong giai đoạn 2011-2023. GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3, 72%, cũng chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. 

Một cách tổng quát nhất, ông đánh giá thể nào về tình hình hiện tại?

Có thể nói bao trùm nhất, phổ quát nhất thì vẫn là khó khăn. Khó khăn đó thể hiện rất rõ qua sự suy giảm thương mại, đăc biệt là xuất khẩu, là đầu ra. 

Khó khăn ấy thể hiện ở chỗ là đầu tư tư nhân có thể đã có ít nhiều tín hiệu tích cực hơn, nhưng cơ bản là không có những chuyển biến mạnh. Thứ nữa là tiêu dùng, dù là lĩnh vực phần nào dẫn dắt được tăng trưởng và tiếp tục sẽ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng tới, nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại của tốc độ tăng tiêu dùng.

Nhìn như vậy, có thể thấy rõ chúng ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, cũng đã thấy trong quý II/2023 có một số dấu hiệu tích cực hơn. Đứng từ góc độ vĩ mô, ổn định kinh tế vĩ mô đã tốt hơn; các điều kiện tài chính tiền tệ cũng tốt hơn. Thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt hơn, lãi suất chưa giảm mạnh nhưng đã có xu hướng giảm sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành.

Trong thị trường bất động sản, khó khăn vẫn lớn nhưng các tín hiệu chính sách liên quan đến thị trường bất động sản, như gỡ khó về pháp lý, chính sách tiền tệ hỗ trợ... đã có. Các doanh nghiệp bất động sản cũng đang thực hiện tái cấu trúc quyết liệt. Thị trường đã có dấu hiệu dần đi vào xử lý được và có chuyển biến tích cực hơn.

Đặc biệt, giải ngân đầu tư công tuy vẫn chậm so với kỳ vọng nhưng đã nhanh hơn những năm qua rất nhiều. Cùng với đó, một số địa phương, như TP.HCM bắt đầu thực thi cơ chế đặc thù. Tôi tin sẽ giải tỏa được nhiều cho nhiều dự án và đầu tư công sẽ tốt hơn

Vì thế không phải ngẫu nhiên mà những dự báo gần đây vẫn cho rằng, dù Việt Nam khó đạt mục tiêu 6,5% nhưng sẽ đạt được đâu đó trên dưới 6%. Điều đó có nghĩa là so với tăng trưởng quý I và II thì 2 quý cuối năm tăng trưởng sẽ tốt hơn.

Theo ông động lực tăng trưởng của 2 quý tới là gì?

Đúng là rất khó, nếu nhìn từ các động lực tăng trưởng, như xuất khẩu, tiêu dùng. Quan điểm của tôi, cũng như nhiều chuyên gia kinh tế đã đề cập, cần tiếp tục lích cầu tiêu dùng, giải ngân FDI giải ngân thúc đầu tư công... 

Nói chi tiết hơn là cần gỡ khó cho nhiều dự án, công trình bất động sản; giữ cho tiêu dùng không giảm, trong đó là kích cầu tiêu dùng đặc biệt là du lịch quốc tế.

Và nỗ lực thu hút FDI, đặc biệt tăng giải ngân nguồn vốn này, trong bối cảnh đầu tư của khu vực tư nhân trong nước sẽ còn khó.

Thời gian qua lãi suất liên tục giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được, đó cũng là một khó khăn khiến doanh nghiệp khó thích ứng với những biến động của thị trường, thưa ông?

Tăng trưởng tín dụng đúng là vẫn thấp, đến giữa tháng 6, tăng trưởng tín dụng mới trên dưới 3,5%, mức tăng chưa bằng nửa cùng kỳ 2022 và so với nhiều năm thì rất thấp.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng là một phần đầu vào của doanh nghiệp, đó là vốn lưu động, là vốn đầu tư, và như thế sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Lãi suất điều hành đã liên tục giảm, nhưng từ giảm lãi suất điều hành đến giảm lãi suất trên thị trường, lãi suất huy động, lãi suất cho vay, nhất là giảm lãi suất huy động trên một năm thì sẽ có độ trễ thời gian.

Nhưng mặc dù lãi suất rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn với doanh nghiệp lúc này là đơn hàng. Như tôi đã chia sẻ, đơn hàng xuất khẩu phụ thuộc vào bên ngoài, theo đó ta phải thích ứng vì là nền kinh tế nhỏ; nhưng còn phụ thuộc vào nỗ lực của chúng ta. Đó là giảm khó cho doanh nghiệp xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng FTAs hay là nỗ lực giải ngân đầu tư công, hay là nỗ lực thu hút thêm FDI, hay là nỗ lực kích cầu tiêu dùng...

Với hàng loạt giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp mà Quốc hội vừa quyết nghị, ông thấy tác động thế nào?

Chính sách giảm thuế VAT 2% sẽ kích cầu tiêu dùng, rất rõ. Chính sách mới về visa sẽ là cơ sở để kích cầu du lịch quốc tế. Có một số chính sách hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp.

Tác động tích cực là rõ và vấn đề là đã quyết rồi thì làm.

Tôi đặc biệt kỳ vọng vào việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM. Có nhiều dự án, công trình sẽ được tháo gỡ, từ đó kích hoạt các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi đã nhìn thấy sự quyết liệt của Thành phố trong việc chuẩn bị thực hiện các cơ chế, chính sách này, nên đến thời điểm có hiệu lực vào tháng 8/2023, tôi tin sẽ có tác động tích cực sớm.

Thực tế, nhiều dự án bất động sản đã đc gỡ ngay trong quý II. Đấy là lý do vì sao bên cạnh tiêu dùng và du lịch tốt hơn, xuất khẩu, công nghiệp được gỡ khó thì tăng trưởng quý II của TP. HCM tuy vẫn thấp nhưng đã khá hơn hẳn.

Theo ông, bao giờ TP.HCM trở lại là đầu tàu tăng trưởng?

Với các động thái rất tích cực, tôi tin quý III của TP.HCM sẽ khá hơn và quý IV có thể sẽ nằm trong top cao về tăng trưởng.

Kinh tế tiếp tục khó khăn, tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ đạt 3,72%
Dù xu hướng “nhích” lên của nền kinh tế là có, song khó khăn vẫn bủa vây. Do vậy, tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ ước đạt 3,72%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư