Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Dù khó khăn, bức tranh đăng ký kinh doanh tháng 6 đã có điểm sáng
Khánh Linh - 27/06/2023 08:32
 
Một số điểm đáng chú ý về tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023
,
Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2023

Một vài dấu hiệu tích cực

Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 6 ghi nhận những tín hiệu tích cực, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao nhất trong tháng 6 từ trước đến nay. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định trong Báo cáo tổng hợp tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6/2023.

Cụ thể, tháng 6/2023 có 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2022; 7.098 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 215% so với cùng kỳ năm 2022. 

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6/2023
+ Đăng ký thành lập mới: 13.904 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 138.746 tỷ đồng, tăng 4,8% về số doanh nghiệp và tăng 14,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.
+ Quay trở lại hoạt động: 7.098 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, tăng 215% so với cùng kỳ năm 2022.
+ Rút lui khỏi thị trường: 12.333 doanh nghiệp, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung, trong 6 tháng đầu năm có hơn 113 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường. Bình quân mỗi tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong tháng 6/2023, cả nước có 12.333 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 cũng ghi nhận khoảng 100 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 16,6 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Con số này đã giảm so với mức bình quân doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng của giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023 (17,6 nghìn doanh nghiệp) và giai đoạn 4 tháng đầu năm 2023 (hơn 19 nghìn doanh nghiệp).

Theo nhận định của Cục Quản lý kinh doanh, đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp phải nhiều khó khăn.

Khó khăn tiếp tục chi phối

Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục có xu hướng giảm (giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn mức bình quân 806.204 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018-2022).  

Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt mức 707.457 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 75-80% tổng số vốn đăng ký cùng kỳ trong các năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (năm 2021 con số này là 942.648 tỷ đồng và năm 2022 là 882.122 tỷ đồng).

Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017.

Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động cũng giảm tới 48,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Kinh doanh bất động sản vẫn chưa thoát khó

Số liệu tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 cũng cho thấy, kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất.

Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này đều có mức sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (giảm lần lượt 58,9% và 54,1%). Số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường lại có xu hướng tăng cao (tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng cao nhất trong 17 lĩnh vực).

Điều này đối lập với mức tăng trưởng ấn tượng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường của lĩnh vực này trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021 so với năm 2020 (44,8%).

Tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2023:

Doanh nghiệp thành lập mới:
+ 75.874 doanh nghiệp, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 1,1 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2021 (67.371 doanh nghiệp).
+ Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 707.457 tỷ đồng, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022.
+ 9/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2022: Giáo dục và đào tạo (tăng 43,6%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 21,9%)...
+ 8/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2022: Kinh doanh bất động sản (giảm 58,9%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (giảm 25,5%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 14,2%);

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động: 37.676 doanh nghiệp, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,4 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (26.006 doanh nghiệp).

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường: 100.026 doanh nghiệp, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 60,2%).
Doanh nghiệp khó khăn kéo dài, người lao động chịu tác động nặng nề
Các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng và du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ người lao động không có việc làm rất cao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư