Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tình người trong đại dịch: Lòng dân là thế đó!
Ngô Nguyên - 22/06/2021 16:13
 
Đại dịch Covid-19 ập đến lần thứ tư. Sức tàn phá của nó đã làm kiệt quệ sức người, sức của. Trong lúc nguy nan đó, ta mới thấy lòng dân với nước bình dị mà cao cả, thiêng liêng.
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành trao tặng Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 số tiền 500 tỷ đồng.

Ai cũng có một cuộc đời để sống…

Vũ Quốc Bình (CEO Tập đoàn Bình Minh, TP.HCM) bất ngờ nhắn tin cho tôi: “Em bị F1 rồi, phải đi cách ly!”. Tôi lặng lại.

Bình nổi tiếng “cà khịa” và “bất cần” với những trớ trêu xã hội. Ví như chuyện một lần lái chiếc ô tô giá rẻ không may va chạm nhẹ với xe khác, quần xà lỏn, dép lê như “hai lúa” lên tỉnh, Bình loẹt quẹt tiến lên xin lỗi, đề nghị sửa đền chủ xe. Hai thanh niên thấy bộ dạng và chiếc xe của Bình thì khinh mạn. Có lỗi mà cúi đầu vẫn không được, Bình bấm điện thoại. 15 phút sau, chiếc xe siêu sang Bentley trờ tới, tài xế ăn vận như thương nhân cúi đầu chào Bình rồi xin mang xe tai nạn đi sửa, trong đôi mắt trợn tròn của hai thanh niên… 

Ở đợt đại dịch lần thứ 2, thứ 3, tê liệt kinh doanh, Bình tự chế tạo phòng, máy khử khuẩn rồi tặng các trạm y tế. Chế tạo xong, đùng cái, một số chuyên gia y tế lên báo mạng khuyến cáo nhiều vấn đề về máy khử khuẩn toàn thân, mặc dù vẫn khuyên rửa tay để chặn Covid-19. Thế là máy để không.

Bình giải tỏa cơn ức bởi tấm lòng bị phụ bằng việc… chế tạo tiếp máy ATM gạo để phát gạo miễn phí tới người lao động nghèo. “Ai khó cứ lấy một phần, nếu ổn xin nhường người khác” - Bình treo băng rôn để mỗi người tự ý thức hành vi của mình, thay vì dùng công nghệ để nhận diện, hay phải mặc nhiên chỉ người nghèo mới được nhận. Rồi thấy người dân kéo tới đông quá, Bình hò hét lạc giọng: “Chen lấn, vi phạm quy định cách nhau 2 m, tui báo... công an!”. Nhưng Bình không báo, mà nhờ luôn cả công an, dân phòng cùng đẫm mồ hôi chia gạo thành từng phần phát song song với máy để xử lý tình huống đông người.

Đợt dịch lần thứ tư này, khi biết tin mình vừa tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, Bình ngay lập tức gọi tới đường dây nóng của cơ quan y tế thông báo tình trạng, rồi dừng ngay công việc, về nhà, lên phòng khóa trái cửa, tự cách ly trước. Bình còn gọi cho những người mà mình có tiếp xúc để nói rõ và khuyên họ nên hạn chế tiếp xúc, thực hiện sát khuẩn cá nhân…

Khi chọn cách ly dịch vụ, Bình sửng sốt tới bức xúc bởi chi phí quá đắt đỏ. Ví như chuyến xe đi 10 km tới nơi cách ly dịch vụ giá hơn 3 triệu đồng, trong khi nếu đi taxi chỉ gần 200.000 đồng. Một phòng khách sạn 3 sao, mùa dịch không ai ở, song được chọn làm nơi cách ly dịch vụ, thì hét giá gần 2 triệu đồng/ngày.

Bức xúc, nhưng khi chứng kiến hình ảnh các chiến sĩ áo trắng hoặc ngất đi, hoặc phồng rộp bởi nắng nóng và kiệt sức trong bộ đồ bảo hộ để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, Bình hối hả gọi điện về cho nhân viên cải tiến hàng loạt phòng khử khuẩn trước đây thành phòng xét nghiệm Covid-19 có quạt, máy lạnh. Bình muốn tặng phòng xét nghiệm này cho đội ngũ y bác sĩ…

“Ai cũng có một cuộc đời để sống, tôi cũng chỉ có một cái mạng. Tôi còn thời gian để lấy lại và phát triển hơn nữa!”, Bình đã viết trên trang cá nhân của mình như vậy khi lý giải tất cả những hành động của mình.

Cụ Nguyễn Thị Thảo (77 tuổi, quận 5, TP.HCM) đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận 5 để trao tiền ủng hộ mua vắc-xin.

Vét hết, vét hết!

Sáng sớm tinh mơ, tôi vội gọi cho ông Nguyễn Lâm Viên (CEO Vinamit), bởi hay tin tòa nhà gần trụ sở Công ty (Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM) có nhân viên nhiễm Covid-19.

Biết nhau nhiều năm, chưa bao giờ ông để tôi chờ điện thoại lâu đến vậy, tới hơn 30 phút mới gọi lại, mà còn vọng tiếng ông đang chỉ đạo nhân viên “vét hết kho đi!”.

Hỏi ra mới biết, ông Viên lên mạng đọc thông tin rồi sửng sốt trước hình ảnh y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, người ngất đi, người phồng rộp lưng, kiệt sức bởi trùm kín trong bộ đồ bảo hộ nilon xét nghiệm giữa nắng nóng cho cả ngàn người.

Thế là, ông cho nhân viên kiểm tra kho hàng nước mía sấy đông khô. Tất cả chỉ còn hơn 1.000 hộp lớn. “Vét hết, vét hết tặng y bác sĩ!”, ông “hạ lệnh”!

Hơn 1.000 hộp nước mía đông khô này vốn được chuẩn bị để phục vụ đơn hàng xuất khẩu đã ký trị giá hơn nửa tỷ đồng của Vinamit. Dùng hết số hàng này ủng hộ đội ngũ y bác sĩ chống dịch, tất nhiên, Vinamit không chỉ phải chịu ảnh hưởng trước mắt với đối tác nước ngoài.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Các y bác sĩ và anh em tuyến đầu đang rất cần quan tâm, chăm sóc để có nhiều năng lượng, phục hồi sức khỏe sớm để vượt qua khó khăn lúc này, chia sẻ là điều cần phải làm nếu có thể!”, ông nói với nhân viên.

Nhân viên Công ty Vinamit trao tặng sản phẩm nước mía sấy đông khô tới đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu phòng chống Covid-19. 

Bà Vũ Kim Hạnh (nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ, hiện là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao), người được ông Viên nhờ liên hệ với ngành y tế để chuyển hàng đã không giấu nổi niềm vui: “7h30 sáng, anh ấy gọi tôi. Cú điện thoại tặng quà ‘mở hàng’ của anh Viên quá mát tay!”.

Bà Hạnh dùng từ “mát tay”, bởi ngay sau cuộc điện thoại trên, bà và người phụ trách Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA, tổ chức quản trị hoạt động của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao) nhận được nhiều cuộc điện thoại của các bạn trẻ khởi nghiệp muốn tặng sản phẩm của mình cho những người ở tuyến đầu chống dịch, như các bạn Ngọc, Hương (Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt, làm bột rau má uống liền Quảng Thanh), bạn Hiếu (chủ trại nấm linh chi Đất thép)… 

Không thể phụ lòng, giữa tâm dịch, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và BSA cùng phối hợp làm cầu nối vận chuyển ngay đợt đầu tiên tới các y bác sĩ 360 hộp rau má uống liền Quảng Thanh, 1.000 gói trà Linh chi đỏ, 360 hộp trà thảo dược Bồ công anh, 3 thùng mật dừa nước, 1.000 gói hạt điều và 150 hũ bơ hạt điều gửi tới các chiến sĩ áo trắng.

“Xong đợt 1, thì anh Kao Siêu Lực (Tổng giám đốc Doanh nghiệp bánh kẹo Á châu ABC Bakery) lại gọi khẩn thiết: ‘Các bạn đừng quên ABC Bakery chứ!’. Rồi Hồ Thanh Nhiên (người sáng lập Công ty Bewina, chuyên thực phẩm thuần thực vật) năn nỉ: ‘Cô ơi, em đã làm xong 2.000 ổ bánh mì để gửi tặng các tổ công tác y tế. Cô nhận nha cô. Nếu cô đồng ý, xin cho em địa chỉ, em đưa xe tặng tận nơi…!’. Thú thực, tôi đã nín thở, bất ngờ, bởi món này Nhiên ấp ủ từ lâu và chưa bán ra thị trường, nay lại đem tặng trước với số lượng lớn như vậy!”, bà Hạnh kể lại.

Thế là, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và BSA kiêm thêm nhiệm vụ… thường xuyên mùa dịch là làm cầu nối và phân phát quà tặng của doanh nghiệp tới các điểm nóng mùa Covid-19, tới người nghèo bị ảnh hưởng, tới các khu cách ly.

Danh sách các doanh nghiệp trẻ mà Hội và BSA cung cấp dài tới mức, tôi không thể liệt kê trên trang báo có hạn này. Còn bà Hạnh thì tổng kết: “Tấm lòng người dân TP.HCM vậy đấy, có tình yêu, có đam mê, có chuyên nghiệp và quyết liệt trong những việc mình cho là có ý nghĩa và nên làm!”.

Những đồng tiền vun đắp niềm tin

Tôi đọc đi đọc lại lá thư gửi Chính phủ của ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành - doanh nghiệp đã đóng góp tới 500 tỷ đồng vào Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19, số tiền lớn nhất tại Lễ ra mắt Quỹ.

Trong lá thư, ông Lê Văn Kiểm viết: “Kính mong Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận sự đóng góp này của chúng tôi”. Lời lẽ đó nhẹ nhàng, khiêm tốn đúng như phong cách thường ngày của ông. Ít ai biết, từ 20 năm nay, ông Kiểm đã từ bỏ sở thích chơi đồng hồ Rolex và xe Rolls Royce, cùng người vợ dành nhiều thời gian cho việc thiện nguyện. Khi được hỏi về số tiền “khủng” đóng góp, ông Kiểm nhẹ nhàng nói: “Làm được việc này, tôi rất vui!”.

Đến đây, tôi lại nhớ đến hình ảnh khệ nệ của 2 bé Võ Diễm Sang (5 tuổi) và bé Võ Triệu Sang (4 tuổi), học sinh Trường mầm non Tân Thông Hội 2 (huyện Củ Chi, TP.HCM) khi bê 2 con heo đất chứa hơn 5 triệu đồng tiền tiết kiệm của mình gửi tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Củ Chi, ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP.HCM.

Nhớ hình ảnh cụ Nguyễn Thị Thảo (77 tuổi, quận 5, TP.HCM) đích thân đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận 5 để trao số tiền hơn 81 triệu đồng cùng lời chân thật: “Đây là số tiền tôi trích từ tiền phúng điếu của ông nhà để ủng hộ mua vắc-xin. Ông nhà tôi vừa mất hôm 1/6/2021. Tôi coi như đây là việc tốt cuối cùng mà ông nhà tôi làm được!”.

Và tôi nhìn lại status đăng trên Facebook của những người xung quanh mình. Không lý luận dông dài, các bạn đóng góp theo khả năng, nhưng tâm tình thì cảm xúc lắm. Bạn NTT nhắn tin đóng góp 500.000 đồng với đôi dòng ngắn gọn: “Xin góp một đốm lửa nhỏ để hy vọng có những bó đuốc lớn giúp thiêu đốt, đuổi con Covid-19 ra khỏi thế giới loài người”. Bạn BH thì viết: “Khoản tiền cho tương lai và hy vọng”.

Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 mà Chính phủ kêu gọi có 500 tỷ đồng của Công ty Golf Long Thành, 450 tỷ đồng của Vingroup, 100 tỷ đồng của Sovico và HD Bank, 100 tỷ đồng của Novaland, 60 tỷ đồng của Masan..., có cả vài ngàn đồng, vài chục ngàn đồng của những người dân nghèo nhặt nhạnh góp vào.

Tất cả cho thấy, quốc gia hữu sự, thì lòng dân với nước lại kết thành thành sức mạnh vô giá.

Từ đầu năm tới nay, TP.HCM có 1.365 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn do Covid-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân; 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 4,99% so với cùng kỳ năm 2020); 9.308 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 22,99% so với cùng kỳ)…

Khó khăn kiệt quệ là vậy, nhưng nhân dân, doanh nhân vẫn góp nhặt bằng cả tấm lòng mình cho Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19. Tấm lòng của triệu triệu người đó khiến tôi lại nhớ tới những đại án bị phanh phui vừa qua, lại bùng lên sự căm phẫn những kẻ táng tận lương tâm khi bòn rút từng đồng xu của nước, tức của dân. Phải “đốt lò” như thế và hơn thế nữa, để không phụ lòng dân!
Lời cảm ơn từ trái tim tới những chiến sĩ áo trắng
Xin được gửi lời cảm ơn từ trái tim tới những chiến sĩ áo trắng đang phải tạm xa mẹ già, con thơ, ngày đêm chống dịch, để bao gia đình khác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư