Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lời cảm ơn từ trái tim tới những chiến sĩ áo trắng
Dương Ngân - 22/06/2021 08:04
 
Xin được gửi lời cảm ơn từ trái tim tới những chiến sĩ áo trắng đang phải tạm xa mẹ già, con thơ, ngày đêm chống dịch, để bao gia đình khác có được bữa cơm đầy đủ thành viên.

Thiên thần áo trắng

Chị Trần Thị Thu Thanh (Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ) xung phong vào vùng dịch Bắc Ninh từ ngày 31/5 khi mẹ già bị nhồi máu cơ tim, 3 con thơ còn nhỏ. Gạt nỗi nhớ thương gia đình, bên cạnh công việc bình thường ở người điều dưỡng làm nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, chị Thanh tập trung vào việc ổn định tâm lý cho người bệnh.

Bao năm trong nghề, chị thấu hiểu nỗi cô đơn của những bệnh nhân Covid-19 khi phải nằm riêng trong căn phòng trống trải lặng ngắt, chỉ có tiếng máy chạy đều đều, khô khốc, mùi sát khuẩn đặc quánh, không có người thân bên cạnh. Vì vậy, chị tìm nhiều cách để động viên, an ủi họ, khi thì bằng cử chỉ ân cần chăm sóc, lúc lại qua những câu hỏi thăm chân tình, có lúc thì pha trò hài hước, để họ biết mình không hề đơn độc trong cuộc chiến này.

Ở ranh giới giữa sự sống và cái chết mà bệnh nhân phải đối diện, chị Thanh rất lo lắng và sợ sẽ mất đi ai đó trong số những người mà mình đang chăm sóc. Vậy nên, chị trân quý từng phút giây bên họ. Khi bệnh nhân khỏe dần, gánh nặng trên vai chị cũng nhẹ bớt phần nào…

Với bà Hoàng Thị Ngư (Bắc Ninh), đội ngũ y, bác sĩ là những thiên thần đã giành giật sự sống cho con bà từ tay thần chết. Đưa tay quệt dòng lệ vừa rơi khỏi khóe mắt vì hạnh phúc, người mẹ ấy sụt sùi nhớ lại ngày đưa con đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh trong tình trạng khó thở nặng.

Đêm đó, bà Ngư gần như thức trắng, lòng như lửa đốt. Một nữ bác sĩ ân cần khuyên bà chợp mắt để giữ sức khỏe, rồi nhanh chóng rời đi làm nhiệm vụ, bà cũng không kịp hỏi tên.

Hôm sau, bà nhận được điện thoại của bác sĩ điều trị thông báo tình trạng của con trai bà không được tốt, có nguy cơ tử vong. Đất trời như sụp đổ trước mắt người mẹ, nhưng từ phía  đầu dây bên kia, giọng bác sĩ điềm tĩnh: “Chị hãy yên tâm, tất cả chúng tôi đang cố gắng chiến đấu để giữ cháu ở lại”.

Trải qua giây phút tưởng như sinh ly tử biệt và đến khi con mình tai qua nạn khỏi, bà Ngư đã xúc động viết bức thư tay gửi lời cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế đã cứu sống con bà - một bệnh nhân Covid-19 tiên lượng nặng.

Sức mạnh từ nụ cười

Là người con của Bắc Giang, chứng kiến quê hương bị dịch bệnh tấn công, chị Đoàn Thị Thêm, Phó trưởng khoa Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế huyện Lạng Giang thấy ruột gan như bị bóp nghẹn. Chị kể, ngày 8/5, bầu không khí tại Trung tâm trầm hẳn xuống khi phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên trên địa bàn. Sự lo âu hiện lên trên gương mặt của các cán bộ nơi đây, bởi họ hiểu mình sắp bước vào một cuộc chiến khốc liệt, không có chỗ cho sự chậm trễ.

Tuy vậy, sự lo lắng nhanh chóng nhường chỗ cho không khí sục sôi, tinh thần làm việc kiên cường. Nhiều ngày liền khi dịch mới xâm nhập, các cán bộ tại đây đi lấy mẫu bất kể ngày đêm, chỉ được nghỉ khoảng 3 giờ đồng hồ mỗi ngày. Có ngày do nói nhiều, làm quá sức, chị Thêm bị mất giọng, đành phải ra hiệu khi làm việc. Càng về sau, số ca mắc càng lớn, cường độ làm việc của chị Thêm và đồng nghiệp ngày càng tăng.

Ngày cũng như đêm, hành trình nối tiếp hành trình, vừa kết thúc lấy mẫu cho đối tượng tiếp xúc với ca bệnh này và chuyển mẫu về Trung tâm thì lại nhận được lệnh có ca bệnh mới và danh sách các đối tượng tiếp xúc cần lấy mẫu, các cán bộ y tế Khoa Xét nghiệm lại tiếp tục lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Hơn một tháng qua, đối diện với guồng quay công việc, chị Thêm cũng không lý giải được vì sao mình lại có sức khoẻ, sự dẻo dai, bền bỉ để chiến đấu như vậy. Có thời điểm chị lấy mẫu liên tục cho khoảng 70 người không nghỉ khiến chân tay tê dại, không điều khiển được thao tác.

Nếu trước kia, trong công việc chuyên môn, mỗi cán bộ tại Trung tâm có một nhiệm vụ độc lập, ít có cơ hội thể hiện tinh thần gắn kết tập thể, thì nay, ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo của dịch bệnh, sức mạnh đồng đội được thể hiện rất rõ nét. Khi người này mệt, sẽ có bàn tay của đồng nghiệp tiếp tục. Khi người kia muốn khuỵu xuống vì kiệt sức, sẽ có người khác thế chân. Làm việc trong căng thẳng, vài câu pha trò của cậu em vui tính với nụ cười chỉ được thấy qua đôi mắt sau lớp kính chống giọt bắn như tiếp thêm động lực để họ tiếp tục nỗ lực.

Từ khi dịch bùng phát tại huyện Lạng Giang đến nay, chị Thêm và đồng nghiệp chưa được về nhà. Hai con của chị, một bé lớp 1, một bé lớp 3, được cậy nhờ hai bên nội, ngoại chăm sóc. Như nhiều bà mẹ khác, chị không tránh khỏi những giây phút chạnh lòng, nhớ nhà, thương con. Lúc ấy, chị dặn lòng phải cố gắng hơn nữa, hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ bản thân thật tốt, để mạnh khoẻ trở về gia đình chăm con nhỏ.

Khát khao ngày bình yên

Anh Đinh Nguyễn Hải Long, cán bộ Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội) là một trong những cán bộ của đoàn Hà Nội tham gia hỗ trợ phòng chống Covid-19 tại huyện Lạng Giang. Ban ngày, anh tham gia lấy mẫu xét nghiệm, chiều muộn thì soát mẫu, rồi chuyển về Hà Nội.

Có những hôm không kịp ăn tối, anh và đồng nghiệp Nguyễn Như Phúc và bác tài vui tính tên Dũng nhịn ăn để chuyển mẫu về Hà Nội cho kịp thời gian. Về đến Hà Nội, giao mẫu đúng quy trình, anh ở lại phòng nghỉ mà cơ quan bố trí để hôm sau quay lại Bắc Giang tiếp tục guồng quay công việc.

Theo chia sẻ của anh Long, do số mẫu quá lớn, việc thống kê lại thủ công, nên nhiều thời điểm, dù lăn ra làm không ngơi tay, mà công việc vẫn ùn ứ. Với các cụ già mà thị lực và thính lực đều không còn tốt, đa phần phải có người nhà hỗ trợ, việc lấy mẫu khó khăn và kéo dài. Với trẻ em còn khó hơn nữa vì đa phần còn nhỏ, không hợp tác, phải khéo léo dỗ dành.

Chàng trai CDC Hà Nội nhớ mãi lần lấy mẫu cho 2 anh em mà bố mẹ đều là F0 đang phải điều trị ở hai nơi khác nhau. Hai đứa trẻ non nớt, đứa lớn 6 tuổi, đứa bé mới 4 tuổi phải tự trông nhau. Cả hai đều rất nghe lời và hợp tác khi lấy mẫu, không cần có sự hỗ trợ của người khác. “Rời đi mà sống mũi cay xè bởi thương bọn trẻ đến xé lòng và càng khát khao ngày bình yên sẽ nhanh tới”, Long trải lòng.

Mong lắm ngày bình yên để những chiến sỹ áo trắng được trở về bên gia đình ấm êm…

Hơn một năm qua, viết nhiều bài báo về sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ chiến binh áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch, những tưởng cảm xúc sẽ nhạt dần vì cùng một chủ đề, nhưng càng đi sâu tìm hiểu, tôi càng nhận ra, mỗi y, bác sĩ đang tham gia chống dịch là một cuốn truyện dài xúc động, mà nếu cố gắng, tôi cũng chỉ mở được một phần...
Tình người ở tâm dịch Bắc Giang - Bài 1: Chia lửa chống “hung thần” Covid-19
Tham gia chống dịch tại Bắc Giang, các y, bác sĩ đến từ mọi miền đất nước hầu như không còn nhớ tới thời gian, không còn khái niệm thứ Bảy,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư