Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Tòa án yêu cầu cung cấp thêm hồ sơ vụ Công ty Phương Anh kiện Vinafco
Huệ Nguyễn - 17/09/2024 10:47
 
Sau khi thụ lý vụ án tranh chấp thương mại trong quá trình vận chuyển hàng hóa liên quan tới Công ty Phương Anh và Công ty Vinafco, phía Tòa án vừa yêu cầu Vinafco cung cấp thêm một số hồ sơ liên quan.

Vừa qua, Tòa án Nhân dân huyện Thanh Trì (TP. Hà Nội) đã yêu cầu Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco (Công ty Vinafco) cung cấp bổ sung một số tài liệu liên quan tới hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty Vinafco và Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Công ty Bảo hiểm Bảo Việt); báo cáo giám định của Công ty cổ phần Giám định và Tư vấn Việt (Vietcontrol).

Cùng với đó, phía Tòa án cũng đưa Công ty Bảo hiểm Bảo Việt tham gia vụ án với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trước đó, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Phương Anh (Công ty Phương Anh) đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân huyện Thanh Trì, yêu cầu Công ty Vinafco bồi thường thiệt hại sau sự cố khiến 14 container, bên trong có 42 ô tô điện rơi xuống biển; 1 container bên trong có 3 ô tô bị va đập, hư hỏng.

Vinafco từ chối bồi thường hàng hóa rơi xuống biển

Theo hồ sơ vụ án, Công ty Phương Anh ký hợp đồng thuê Công ty Vinafco vận chuyển 15 container (chứa 45 xe ô tô, trong đó có 26 ô tô điện) đi từ cảng Chùa Vẽ (TP. Hải Phòng) đến cảng Bến Nghé (TP.HCM).

Khoảng hơn 21 giờ ngày 22/12/2023, khi tàu Morning Vinafco (thuộc Công ty Vinafco) đang di chuyển đến khu vực Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) thì bị rơi 37 container xuống biển, trong đó có 14 container của Công ty Phương Anh.

Việc này đã gây thiệt hại nặng nề cho Công ty Phương Anh, tuy nhiên, sau nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Công ty Vinafco bồi thường thiệt hại, nhưng bất thành, Công ty Phương Anh  khởi kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường giá trị tài sản và lãi chậm trả đối với tổn thất 45 xe ô tô bị mất tích và hư hỏng.

Tàu Morning Vinafco của Công ty của Công ty cổ phần Vận tải biển Vinafco neo đậu tại cảng sau khi xảy ra sự cố.

Tại phiên họp công khai để hòa giải, đại diện bị đơn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn/sự cố rơi các container xuống biển được chuyên chở trên tàu Morning Vinafco là do thiên tai bất khả kháng gây ra, nên được miễn hoàn toàn trách nhiệm đối với tổn thất hàng hóa

Căn cứ phía Vinafco đưa ra bởi Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có công văn khẳng định: “Vào khoảng thời gian từ 19h00 ngày 22 đến 7h00 ngày 23/12/2023 có mưa, mưa vừa. Gió đông bắc cấp 6-7, độ cao sóng dao động trong khoảng 1.75-4.0m”.

Trong khi đó, theo đại diện Công ty Phương Anh, Báo cáo giám định sơ bộ ngày 25/12/2023, Báo cáo giám định tiếp theo lần 1 ngày 12/3/2024, Báo cáo giám định tiếp theo lần 2 ngày 14/5/2024 của Công ty cổ phần Giám định Phương Bắc Hà Nội (Nori Hà Nội) đều đề cập đến tình trạng không đảm bảo của tàu Morning Vinafco.

Cụ thể, các thiết bị để cố định/lashing container trên hầm hàng của Bay 16/Bay 20 có tình trạng han gỉ cũ, hư hỏng biến dạng nặng. Đặc biệt là vị trí các hộp chân đế container có tình trạng han gỉ nặng; các hộp góc container dùng để lashing có tình trạng han gỉ, mòn; các chốt khóa gù bị biến dạng hư hỏng; các thanh giằng/tăng đơ chẳng bị biến dạng nặng, đứt rời...

Công tác kiểm tra hiện trường và các thiết bị trên tàu Morning Vinafco.

Tại Báo cáo giám định tiếp theo lần 2, Nori Hà Nội cho rằng, với tình trạng lắc ngang mạnh, có thể tồn tại một số thiết bị chằng buộc xảy ra tình trạng kém, giảm khả năng chịu lực kéo giãn, không còn phù hợp để đảm bảo giữ cố định các khối liên kết container trên boong. Đến thời điểm sự cố, các lực tổng hợp đã phá vỡ khả năng chịu tải của các thiết bị chằng buộc. Điều này đã khiến cho hàng hóa bị xê dịch, dẫn tới cấu trúc của khối container bị phá vỡ và gây ra sự cố rơi các container.

Từ đó, Nori Hà Nội đã kết luận nguyên nhân dẫn đến tổn thất đối với lô hàng xe ô tô xếp trong các container thuộc vận đơn 30/MVN-715HS của Công ty Phương Anh được vận chuyển trên tàu Morning Vinafco là “hậu quả do thiết bị chằng buộc container trên tàu có tình trạng kém, không đảm bảo việc chẳng giữ an toàn cho hàng hóa khi tàu hành trình trong điều kiện thời tiết có sóng gió cấp 6, cấp 7.

Hơn 10 tấn pin lithium rơi xuống biển, có nguy cơ ô nhiễm môi trường

Liên quan tới vụ việc trên, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng và các cơ quan, đơn vị liên quan xác minh sự việc; tổ chức điều tra sự cố nếu có đủ căn cứ khẳng định đã xảy ra sự cố tàu Morning Vinafco rơi container trên biển; đồng thời lưu ý việc các container chở ô tô, có thể có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển.

Báo cáo về sự việc trên, Cảng vụ Hàng hải TP. HCM cho biết, có sự ảnh hưởng do tác động của thời tiết xấu lên tàu và hàng hóa, gây ra sự cố rơi container. Cơ quan này cũng khẳng định, không có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, do không có dầu hay nhiên liệu.

Ngoài ra, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cũng cho rằng, sự cố xảy ra đến nay đã hơn 6 tháng, một số thuyền viên không còn làm việc; cùng với đó, thời gian dài trôi qua, các dấu vết, vật chứng tại hiện trường đã bị mất, xáo trộn hoặc đã bị xóa bỏ do việc sửa chữa, duy tu các thiết bị hư hỏng sau sự cố.

Có 42 xe ô tô trong các container bị rơi xuống biển, trong đó có 26 ô tô điện có chứa khoảng 10 tấn pin lithium.

Từ đó, cơ quan này đánh giá vụ việc thuộc sự cố, tai nạn hàng hải ít nghiêm trọng và đề xuất Cục Hàng hải Việt Nam không thực hiện điều tra sự cố trên.

Không đồng tình với quan điểm trên, Công ty Phương Anh cho rằng, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM chưa xem xét đến tình trạng hư hỏng, không đảm bảo của các thiết bị trên tàu Morning Vinafco, dẫn đến không đảm bảo giữ cố định các khối liên kết container trên boong tàu.

Thêm vào đó, trong số 42 xe ô tô bị rơi xuống biển, có 26 xe ô tô điện chứa khoảng 10 tấn pin lithium, là loại hóa chất độc hại, gây nguy hiểm cho môi trường, nhưng chưa được Cảng vụ Hàng hải TP.HCM tổng hợp, điều tra, làm rõ.

Do đó, Công ty Phương Anh xác định vụ việc này là tai nạn hàng hải nghiêm trọng, thuộc trường hợp phải tiến hành điều tra tai nạn hàng hải. Cùng với đó, cần đánh giá lại sự tác động của pin xe điện đến môi trường và nghiên cứu áp dụng biện pháp cưỡng chế, buộc Công ty Vinafco trục vớt các container đã rơi trên biển để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư