Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tọa đàm “Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh”
NL - 11/10/2022 09:00
 
Trước đại dịch Covid-19, ngành hàng không nước ta đã tăng trưởng vượt bậc với tốc độ liên tục đạt mức 2 con số, trung bình đạt 15,8%/năm.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), đây là tốc độ tăng trưởng hàng năm thuộc Top nhanh nhất thế giới, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong suốt các năm 2020 – 2021 nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình khai thác của hàng không Việt Nam đã khởi sắc trở lại, IATA đánh giá, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới sau đại dịch. Đồng thời cũng theo dự báo của tổ chức này, tới năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ phục vụ tới 136 triệu hành khách và đóng góp 23 tỷ USD vào GDP.

Trước nhu cầu rất lớn như vậy nhưng điều đáng nói nhiều cảng hàng không trong nước đã phải khai thác vượt công suất công bố như tại các nhà ga hành khách nội địa sân bay Côn Đảo, Cát Bi, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh…

Mặc dù dư địa phát triển của ngành hàng không rất lớn song do hạn chế về nguồn lực đầu tư nên mạng lưới sân bay tại Việt Nam còn mỏng. Hiện cả nước chỉ có 22 cảng hàng không đang khai thác, trong đó 20 cảng có nguồn gốc là sân bay quân sự được cải tạo, nâng cấp thành sân bay dân dụng. Chỉ có 1 cảng hàng không do tư nhân đầu tư là sân bay quốc tế Vân Đồn.

Chất lượng của các sân bay cũng rất đáng lo ngại. Nhiều sân bay xây từ thời chiến tranh, đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu phát triển và phải lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp toàn diện, thậm chí xây mới như sân bay Côn Đảo, sân bay Nà Sản… Nhiều khu vực cách biệt về địa lý, đi lại khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên chưa có sân bay. Trong khi đó, các sân bay lớn lại thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng…

Cơ sở hạ tầng hàng không yếu và thiếu ngoài việc hạn chế lưu thông hành khách và hàng hóa, còn hạn chế cơ hôi phát triển kinh tế tại các địa phương, đặc biệt địa phương còn khó khăn về giao thông. Theo thống kê, mật độ sân bay trên diện tích của Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 10 so với các nước khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, xếp sau đa số các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Campuchia…

Xây dựng hệ thống sân bay đáp ứng tầm nhìn phát triển dài hạn, sao cho hạ tầng giao thông thực sự trở thành bệ phóng cho nền kinh tế. Đặc biệt, giúp phát huy lợi thế tại những địa bàn giàu tiềm năng phát triển nhưng còn hạn chế về giao thương, như các tỉnh miền núi, cao nguyên, hải đảo... là các vấn đề đặt ra.

Để có thêm thông tin về các vấn đề này, Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh” vào 8h30-11h30 ngày 11/10/2022 tại Trụ sở Báo Đầu tư, 47 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội.

Tọa đàm có sự tham gia thảo luận của các chuyên gia và khách mời:

- Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế Quốc hội

- Ông Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

- Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TW

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

- Ông Michel Werson, Chuyên gia Kinh tế trưởng NACO – một công ty thuộc Tập đoàn Royal HaskoningDHV

Nội dung Tọa đàm được phát trực tuyến trên các báo điện tử baodautu.vn, tinnhanhchungkhoan.vn và các nền tảng facebook, youtube.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư