Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tọa đàm về khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới
Như Loan - 12/11/2020 17:19
 
Việc buôn bán, kinh doanh bất hợp pháp thuốc lá thế hệ mới đang ngày càng gia tăng, đòi hỏi cấp thiết cần sớm xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, chính sách quản lý cho phù hợp.
Toàn cảnh Toạ đàm
Toàn cảnh Toạ đàm

Ngày 11/11, Tọa đàm về Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 50 đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp và kinh tế.

Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ có chỉ đạo Bộ Công thương và các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất chính sách quản lý riêng đối với đối với thuốc lá thế hệ mới.

Đánh giá hồ sơ rủi ro sản phẩm

Phát biểu tại Tọa đàm, nhiều ý kiến băn khoăn và nghi ngại về tiềm năng giảm thiểu tác hại của thuốc lá thế hệ mới. Trên thực tế, nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới cũng đã công bố các nghiên cứu về đặc tính sản phẩm, cơ chế sử dụng và hồ sơ đánh giá rủi ro của thuốc lá thế hệ mới để hỗ trợ cho việc ban hành các quyết sách quản lý mặt hàng này.

Ông Lê Thành Hưng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn Nông nghiệp Thực phẩm (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới được tiến hành để đánh giá mối nguy từ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới so với thuốc lá điếu truyền thống.

Nghiên cứu về bản chất nguyên liệu và cách thức chế biến nguyên liệu cho thấy khi sử dụng thuốc lá thế hệ mới hàm lượng nhựa (tar) thuốc lá đã giảm đi nhiều, thành phần tar cũng thay đổi và thành phần sol khí (gồm hơi nước, nicotine và một số thành phần khác) tạo ra từ thuốc là thế hệ mới là thấp hơn về số lượng và nồng đo so với sản phẩm thuốc điếu truyền thống.

Nên cấm hay không cấm?

Về quan điểm nên cấm hay không cấm, và có nên áp dụng các quy định hiện hành của thuốc lá truyền thống đối với dòng sản phẩm mới, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, không nên có tư duy “không quản được thì cấm”, nhất là trong bối cảnh chính sách Việt Nam đang mở cửa, ủng hộ các xu hướng phát triển công nghệ, cho nên cần có cách ứng xử phù hợp đối với mặt hàng áp dụng công nghệ và cải tiến chất lượng trên cơ sở tham khảo quy định của các nước phát triển. Ngoài ra, cấm có nghĩa là đang đẩy người tiêu dùng về phía hàng lậu và gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Hơn nữa, theo bà Thủy, cấm là không phù hợp vì việc đầu tư, sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thuốc lá thế hệ mới không nằm trong danh mục cấm đầu tư kinh doanh của Luật Đầu tư. Thay vào đó cần xây dựng, ban hành khung pháp lý, cơ chế quản lý riêng đối với mặt hàng thuốc lá thế hệ mới.

Tuy nhiên, phát biểu tại tọa đàm, bà Hoàng Lan Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế kiến nghị rằng, tạm thời nên chưa cho phép nhập khẩu và lưu thông cho đến khi những tác động của thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng được đánh giá đầy đủ hơn.

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, cần soạn thảo ngay một khung pháp lý quản lý dòng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới để lập lại trật tự thị trường, tách biệt khỏi các quy định quản lý thuốc lá điếu truyền thống hiện nay. Nhưng thay vì luật hóa ngay tại thời điểm này, các đại biểu thống nhất nên cho triển khai thí điểm cho phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thuốc lá thế hệ mới trong khoảng thời gian ít nhất 12 tháng.

Sau thời gian này, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền sẽ có đầy đủ thông tin và cơ sở chính xác để đánh giá tác động kinh tế và xã hội của dòng sản phẩm này cũng như đánh giá mức độ rủi ro của từng sản phẩm. Từ đó sẽ giúp xây dựng một khung pháp lý lâu dài đảm bảo được tính phổ quát, tương thích với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá và bảo vệ nguồn thu của Nhà nước cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

[Infographic] Mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu
Từ ngày 15/10/2020, hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá điếu nhập lậu dù chỉ là một bao cũng sẽ bị xử phạt từ 1-3 triệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư