Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Tôi đi tìm những sự thật được cất giấu
Gia Huy - 27/09/2019 18:03
 
Là phóng viên chuyên viết bài điều tra, tôi rất nhớ những “phi vụ” đi tìm sự thật tại những mô hình làm ăn đa cấp, hay những chiêu kinh doanh mà lợi ích thuộc về doanh nghiệp, còn người dân thì chịu trận rủi ro.
Phóng viên Gia Huy.
Phóng viên Gia Huy.

1.

Cuối năm 2015, khi bắt đầu chuyển về Báo Đầu tư làm việc, một lần, khi đang ngồi uống cà phê tại một quán cóc ở quận 3 (TP.HCM), tôi thấy bàn bên có một nam thanh niên mặc bộ vest ngồi tư vấn cho một người phụ nữ lớn tuổi về một mô hình đầu tư kinh doanh mới. Tôi tò mò tiếp cận xem đó là mô hình kinh doanh gì mà lợi nhuận lên tới 50%/năm.

Anh thanh niên giới thiệu tên Tuấn, nhân viên kinh doanh của Công ty Trest Global, với mô hình kinh doanh là khách hàng đầu tư tiền vào công ty để công ty đầu tư sản xuất và phát triển máy đào vàng. Lợi nhuận mỗi năm sẽ phụ thuộc vào số vàng mà cỗ máy này đào được tại các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung.

Tuấn cho biết, đây là tổ chức từ thiện quốc tế và đa quốc gia, có trụ sở chính tại Mỹ và văn phòng ở Đông Nam Á được đặt tại Malaysia. Công ty đang thực hiện rất nhiều dự án để gây quỹ từ thiện. Đặc biệt, với kênh đầu tư ủy thác, Công ty mua lại công nghệ sản xuất máy khai thác vàng của một kỹ sư tại Anh và đang thực hiện sản xuất máy này.

Công ty đã sản xuất thành công một máy khai thác vàng và đang thực hiện khai thác tại Thái Lan với hai mỏ vàng. “Máy này to bằng mấy cái xe tăng, thực hiện khai thác trên cạn và dưới biển, tìm kiếm vàng bằng công nghệ vệ tinh. Hiện tại, ở Việt Nam, Công ty đã phát hiện ra mấy mỏ vàng và chuẩn bị khai thác, đã ký kết hợp đồng khai thác với chính quyền, theo đó, Công ty được hưởng 50% số vàng khai thác được…”, Tuấn nói.

Theo giới thiệu, Công ty ký hợp đồng đầu tư 2 năm và hoàn vốn theo chu kỳ cứ 6 tháng lại hoàn vốn 25%. Về lãi của nhà đầu tư, Công ty sẽ chi trả bằng lãi tháng và phụ thuộc vào gói mà nhà đầu tư chọn. Cụ thể, gói thấp nhất là 600 USD có lãi 3%/tháng; gói 3.000 USD lãi suất là 4%/tháng và gói cao nhất là 60.000 USD hưởng mức lãi 9%/tháng…

Sau hơn 1 tháng tìm hiểu công ty này, tôi có đủ hồ sơ, chứng cứ để khẳng định, đó là một công ty đa cấp, lừa đảo. Tôi viết bài “Đa cấp tinh vi: Gọi vốn đầu tư máy đào vàng”.

Bài viết được đăng tải, công ty nói trên bị phơi bày là một công ty lừa đảo. Để Báo Đầu tư không đăng tải bài tiếp theo, Tuấn và các nhà đầu tư khác, cùng nhiều thanh niên xăm đầy mình đã kéo tới trụ sở Báo Đầu tư tại Hà Nội để nói chuyện và gây áp lực. Kết quả, bài viết tiếp theo vẫn đăng tải, tôi được lãnh đạo cơ quan cử đi Bình Phước công tác ít ngày để đề phòng bị tấn công. Cuối cùng, công ty đa cấp này phá sản và số nhà đầu tư bị sập bẫy lừa chưa nhiều vì công ty mới hoạt động.

Đến tháng 9/2016, tôi thực hiện một vệt bài điều tra về Công ty Thái Tuấn, với mô hình đa cấp khi đầu tư vào bất động sản và kinh doanh góp vốn đầu tư nhà hàng, quán ăn… Để thâm nhập sào huyệt và có được tư liệu về hoạt động đa cấp lừa đảo người dân của công ty này, tôi đóng giả là nhà đầu tư. Thế nhưng, sau nhiều lần vào được các buổi hội thảo để thu thập bằng chứng, tôi đã bị lộ.

Tôi còn nhớ như in buổi chiều hôm bị nhốt vào một phòng họp với cả chục thanh niên cao to, chân tay xăm trổ. Ông Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Thái Tuấn hét lớn: “Mày muốn gì, mày biết tao là ai hay không mà dám vào đây điều tra tụi tao…”. Phải mất gần 4 tiếng đồng hồ dùng các biện pháp nghiệp vụ cũng như nhờ đồng nghiệp gọi công an phường can thiệp, tôi mới được giải thoát.

Sau khi vệt bài điều tra gồm 6 bài được đăng tải, Công ty Thái Tuấn cho người tìm kiếm tôi để trả thù. Thời điểm đó, lãnh đạo Báo Đầu tư luôn trong tình trạng căng như dây đàn để bảo vệ tôi, công an cũng được nhờ tới, còn những kẻ giang hồ thì dành nguyên một tháng đợi sẵn ở cửa cơ quan tại hai văn phòng TP.HCM và Hà Nội.

2.

Tôi từng đọc một tài liệu do bà Katharine Graham (16/6/1917 - 17/7/2001), chủ tờ Washington Post giai đoạn 1969 - 1979 viết: “Nghề báo phải biết điều tra. Bạn phải hoài nghi, nhưng bạn không nên hằn học. Bạn phải công bằng và cẩn thận!”.

Đúng như bà Katharine Graham viết, nghề báo là phải biết hoài nghi và ở mỗi câu chuyện, mô hình kinh doanh, tôi luôn hoài nghi về cách thức kinh doanh của mô hình đó.

Ranh giới giữa vinh quang và tù tội của nghề báo chỉ là một bước chân. Hãy giữ mình, bởi làm báo có nhiều cám dỗ mà nếu không có bản lĩnh sẽ khó vượt qua.

Khi thị trường bắt đầu nóng sốt, câu chuyện lách luật làm ăn của các doanh nghiệp địa ốc bắt đầu xuất hiện, với những thủ đoạn hoàn toàn mới để lừa khách hàng.

Năm 2016, khi Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba ra đời và bắt đầu bán hàng với mô hình lừa đảo, tôi đã có những bài viết đầu tiên cảnh báo về vấn đề này. Cũng từ đây, các báo bắt đầu cùng với tôi vào cuộc điều tra, phân tích cách làm ăn của doanh nghiệp này. Nhanh chóng, chúng tôi nhận ra, họ vẽ dự án từ đất nông nghiệp rồi bán cho nhiều người.

Ngày 18/9/2019, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc công ty này bị bắt với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chỉ sau hơn 3 năm thành lập, công ty này đã lừa gần 7.000 khách hàng mua đất, thu về khoảng 2.500 tỷ đồng.

Hay một ví dụ khác về mánh khóe lừa đảo ngay trên những bản hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp địa ốc hiện nay với khách hàng. Mới đây, một công ty bất động sản tại Long An bán hàng chục dự án bất động sản cho khách hàng với vỏ bọc là nhà cho công nhân, người thu nhập thấp. Họ cũng thu tiền, cũng xây hạ tầng và cũng có hợp đồng, nhưng không phải là hợp đồng mua bán, mà là hợp đồng góp vốn.

Kết quả điều tra, hầu hết các dự án mà doanh nghiệp này bán ra từ nhiều năm nay không hề có pháp lý, chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Họ thu tiền của khách hàng trước, lấy tiền đó làm hạ tầng rồi phân lô bán; khi thu đủ tiền, họ mới bắt đầu làm thủ tục phát triển dự án. Với mô hình này, họ không cần bỏ vốn, mà lấy tiền của khách hàng làm dự án bán cho khách hàng. Theo đó, lợi nhuận họ hưởng, còn rủi ro pháp lý thì khách hàng chịu…

Hay cả năm 2017, tôi bám trụ điều tra một doanh nghiệp bất động sản nhà nước. Họ bán đất nền cho khách hàng đã hơn 10 năm, nhưng không giao đất cho khách hàng xây nhà. Điều lạ ở đây, khách hàng lại chính là những cán bộ, công nhân viên làm việc tại cơ quan họ.

Bằng những kinh nghiệm học được trong làng báo và qua các mối quan hệ để có thể tác động, cũng như lấy thông tin viết bài, đến ngày 23 Tết năm 2018, sau khi vệt bài được đăng tải, sự vụ đã được kết luận. Sau đó, hơn 600 khách hàng mua đất dự án đó đã tổ chức ăn liên hoan tại chính dự án mà họ mua trước đó 10 năm, vì dự án chính thức được khơi thông, doanh nghiệp bàn giao đất cho họ xây nhà. Tôi được mời tới uống ly rượu mừng với họ.

Nghề báo chưa bao giờ đơn giản với nhiều người, đặc biệt với tôi - một cử nhân sư phạm. Những ngày đầu học nghề, người anh cũng là người thầy đầu tiên dạy tôi làm báo đã nói: “Ranh giới giữa vinh quang và tù tội của nghề báo chỉ là một bước chân. Hãy giữ mình bởi làm báo có nhiều cám dỗ mà nếu không có bản lĩnh thì sẽ khó vượt qua”.

Nghề báo “quan trên ngó xuống, người ta trông vào”
Sáng 18/6, tại trụ sở Báo Nhân dân, số 71 Hàng Trống, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học "90 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư