Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Tôi được tận hưởng sự nhàn hạ khi chuyển từ nhà to sang nhỏ hơn
Bảo Ngọc (VnExpress) - 01/10/2018 09:08
 
Niềm vui sướng khi sống ở căn hộ 135 m2 sau một thời gian biến thành gánh nặng với chị Ngọc (Hà Nội) khi quá mất sức để dọn dẹp.
 Căn hộ vừa phải, phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình sẽ giúp bạn đỡ tốn công dọn dẹp. Ảnh: HGTV.
Căn hộ vừa phải, phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình sẽ giúp bạn đỡ tốn công dọn dẹp. Ảnh: HGTV.

Năm 2006, muốn con có nhiều không gian vui chơi và sau này đi học gần các trường tốt, vợ chồng tôi quyết định mua một ngôi nhà rộng rãi tại khu vực Mỹ Đình, Hà Nội. Căn hộ tôi mua rộng 135 m2, có 3 phòng ngủ, phòng nào cũng rất to. Khi mới chuyển, tôi rất thích thú trước không gian thênh thang và đặt đóng luôn các bộ giường, tủ... hoành tráng cho phù hợp với từng phòng. Thời điểm đó ngay trước cơn sốt nhà đất, căn hộ tôi mua giá 7 triệu/m2, đầu tư thêm nội thất gần 300 triệu. 

Cuộc sống thời kỳ đầu ở ngôi nhà rộng không có gì phải phàn nàn. Đường thông thoáng, ít bụi bặm. Tôi có bác giúp việc nhanh nhẹn, chăm chỉ nên mọi việc trong nhà đều do bác quán xuyến hết. Tôi đi làm về chỉ chơi với con.

Nhưng tới năm 2012, khu vực nhà tôi mở đường mới, người và xe đều đông lên, bụi bẩn cũng tăng theo. Cũng thời điểm đó, con thứ hai của tôi 2 tuổi, người giúp việc xin nghỉ. Tôi phải gửi con đi lớp rồi một mình xoay xở với việc nhà, nhiều lần tìm người giúp việc mới nhưng không thành. Chồng hay đi công tác xa, một mình với hai con nhỏ nheo nhóc, mỗi ngày đi làm về, tôi xoay trần dọn dẹp và bắt đầu thấy căn nhà rộng như một gánh nặng. Không gian thênh thang càng tạo điều kiện cho bọn trẻ bày bừa.

Ngày nào tôi cũng cảm thấy stress, mệt mỏi. Việc lau dọn nhà sau cả ngày đi làm mệt nhoài khiến tôi thấy đuối sức, nhưng nếu mặc kệ, tôi lại bứt rứt khi thấy cảnh bừa bộn khắp nơi, sàn nhà nhìn rõ từng dấu chân trên lớp bụi. Các con khi đó đều còn bé, chưa trợ giúp được gì. Tôi có chọn giải pháp mỗi tuần thuê người tới dọn dẹp 1-2 lần nhưng nhiều hôm mình bận, không thể có mặt ở nhà vào giờ đã hẹn với họ nên phương án này cũng không hiệu quả.

Cộng với việc có vài vấn đề về sức khỏe, tôi ngày càng oải với ngôi nhà quá rộng. Cùng một số lý do khác về công việc, tài chính, cuối năm 2014, vợ chồng tôi quyết định bán nhà đó, mua một căn hộ khác ở rìa Hà Nội, nơi có không gian xanh, thoáng đãng, tránh xa ồn ào, bụi bặm, có đủ mọi tiện ích dưới chân nhà, trường học ở ngay bên cạnh. Ban đầu, tôi hơi lăn tăn khi diện tích căn hỏi mua chỉ khoảng 90m2. Đang ở nhà rộng, tôi sợ như vậy là hơi chật chội với gia đình 4 người nhưng cuối cùng vẫn chốt mua vì quá thích thiết kế và môi trường ở đó. 

Đến khi dọn sang nhà mới, tôi thực sự thấy đó là lựa chọn hợp lý. Nhà nhỏ, diện tích các phòng đều vừa phải nên tôi thiết kế lại làm sao tối giản các đồ đạc - giống như ở khách sạn. Tôi chọn tủ áp tường, bàn nhỏ, loại bỏ hết các món không cần thiết. Khi đã có đồ đạc thì không gian còn lại phải lau chùi rất ít. Khu này ít bụi bặm nên tôi một tuần tôi hút bụi vài lần và chỉ phải lau một lần, rất nhàn.

Sống ở nhà nhỏ, tôi cũng rèn cho mình và các con cách sắp xếp không gian sao cho ngăn nắp, gọn nhất có thể. Tôi hầu như ít mua đồ mới, thấy món đồ cũ nào lâu không dùng tới là đem cho, tặng. Nhờ vậy, tôi cũng tiết kiệm được một khoản. 

Vì diện tích nơi ở vừa đủ nên mọi người trong nhà luôn muốn dành thời gian xuống khuôn viên xanh mát dưới chân chung cư để vui chơi, tập thể thao. Cuộc sống của gia đình tôi từ đó thư thái, vui vẻ hơn nhiều.

Từng tham gia thiết kế nơi ở cho các gia đình, KTS Huỳnh Xuân Hải (TP HCM) chia sẻ, nhiều người có thu nhập tốt thường thích chọn những ngôi nhà rộng rãi vì nghĩ không gian vậy sẽ tốt cho cuộc sống, sinh hoạt của gia đình. Tuy nhiên, khi chọn nhà ở các đô thị lớn, bạn nên quan tâm tới một số tiêu chí để phù hợp gia đình mình và có chất lượng cuộc sống tốt nhất:

1. Căn nhà không quá xa trường học của các con, phù hợp công việc của bố mẹ, gần chợ, siêu thị, các khu vui chơi giải trí như công viên...

2. Trong nhà không cần quá rộng, đặc biệt là với các không gian riêng như phòng ngủ. Nhà quá rộng sẽ phải tốn thêm chi phí cho các vật dụng và việc trang trí đôi khi không cần thiết, đồng thời mất thêm công sức, tiền bạc cho việc dọn dẹp, bảo trì.

3. Cần chú trọng nhiều đến không gian đa năng - nơi có thể vừa ăn uống, sinh hoạt chung, vừa xem TV, tập thể dục, thư giãn, đọc sách... Trong xã hội hiện đại, thời gian các thành viên trong gia đình ở bên nhau rất ít, nên không gian này rất cần thiết để mọi người gặp gỡ, gắn kết, trải nghiệm cùng nhau nhiều hơn.

4. Khi chọn đồ nội thất, nên lựa những đồ dùng đơn giản, ít hoa văn trang trí, dễ lau chùi. Nên tận dụng tối đa các hốc tường trong nhà là kệ, tủ âm tường để tránh bụi bám và dọn vệ sinh cũng dễ dàng, giúp nhà ngăn nắp hơn.

Bài học nhớ đời khi mua nhà tay trắng giúp tôi tạo sự nghiệp
Mua nhà 1,6 tỷ dù chỉ có 200 triệu, anh Quý suýt 'vỡ trận' khi vừa lo khoản nợ khổng lồ, vừa lo việc nhà vì vợ bất ngờ sinh non.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư