Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tối ưu hóa cơ hội kinh doanh trong kỷ nguyên số
Kỳ Thành - 19/10/2019 10:06
 
Mặc dù nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã, đang chủ động tiếp cận và làm chủ công nghệ nhằm tối ưu hóa cơ hội kinh doanh, nhưng các chuyên gia cho rằng, nâng cao năng lực công nghệ cho người lao động là vấn đề cần tập trung.
.
Các doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho người lao động trở thành động lực dẫn dắt quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Doanh nghiệp Việt đã chủ động làm chủ công nghệ

Chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2019 diễn ra giữa tuần này, ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc cho biết, nhờ áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, năng suất đầu ra trên mỗi héc-ta hằng năm của Công ty đã tăng từ vài chục tấn lên 120 tấn. “20 năm trước, công nghệ chưa nhiều, ngành nuôi tôm phụ thuộc những công ty nước ngoài. Tôi mới nghĩ rằng, tại sao mình không chủ động”, ông Văn kể lại.

Ông Văn đã bắt tay với một viện nghiên cứu của Australia để đưa công nghệ vào chăn nuôi tôm. Nhờ công nghệ như gắn chip vào tôm bố mẹ để tránh cận huyết, sản phẩm tôm giống của Việt Úc có chất lượng tốt, ít bệnh tật, tỷ lệ sống cao. Bên cạnh đó, ông Văn cũng áp dụng công nghệ cho ăn tự động, nhờ vậy mà tiết kiệm chi phí, nhưng quan trọng hơn là giảm ảnh hưởng ô nhiễm đối với môi trường nước.

Trong khi đó, ở khía cạnh của doanh nghiệp công nghệ, ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến (MoMo) chia sẻ, MoMo đã từng đặt câu hỏi, nên đi mua công nghệ của nước ngoài hay tự xây dựng công nghệ của riêng mình.

Theo vị lãnh đạo của ứng dụng ví điện tử này, đây là lĩnh vực kinh doanh ở thị trường nội địa nhưng cạnh tranh toàn cầu. Lấy ví dụ về GrabPay - ví điện tử của “siêu ứng dụng” Grab, ông Đức cho biết, đây là doanh nghiệp trong khu vực, nhưng cũng sẵn sàng chi hàng trăm triệu USD để thâm nhập thị trường các nước.

Theo ông Đức, thách thức của MoMo là làm sao vừa phát triển trí tuệ Việt Nam, vừa thu hút khách hàng Việt Nam không sính hàng ngoại, nhưng chấp nhận dịch vụ do Việt Nam tạo ra. Trong khi đó, lĩnh vực fintech thay đổi rất nhanh, công nghệ 6 tháng trước có khi không còn đúng tại thời điểm này nữa.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến theo tinh thần của 4.0, trên nền tảng của 4.0 trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… Các công cụ điện toán đám mây, trí tuệ nhận tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, robot tự động hoá cũng đã bước đầu thâm nhập một số lĩnh vực như ô tô, máy tính và điện tử…

Tập trung nâng cao năng lực người lao động

Theo Khảo sát Cách mạng Công nghiệp 4.0 của PwC năm 2018, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng rằng, cách mạng 4.0 sẽ mang lại những lợi ích đáng kể, như hiệu quả hoạt động cao hơn và khả năng tiếp cận khách hàng tốt hơn nhờ vào số hóa và tự động hóa.

“Việc áp dụng các công nghệ mới là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn cả, các lãnh đạo doanh nghiệp cần coi chuyển đổi kỹ thuật số là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp”, ông Võ Tấn Long, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn công nghệ thông tin, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam khuyến nghị.

Cho rằng, chìa khóa để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình chính là đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhận định, khi doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, sẽ giúp cải thiện năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động. Đây là thời điểm Việt Nam cần có sự chuyển đổi về chiến lược để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, ông Duy cũng lưu ý, doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải chấp nhận rủi ro. “Rủi ro nhiều thì lợi nhuận lớn. Tôi tin rằng, tất cả các doanh nghiệp đều hiểu, khi đã kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro”, ông Duy nhấn mạnh.

Thứ trưởng Duy cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tập trung đổi mới, hấp thụ công nghệ, đặc biệt cần chú trọng vào đổi mới quy trình quản lý. Bởi với công nghệ mới cập nhật mà không đổi mới hệ thống quản lý, doanh nghiệp sẽ không thể tận dụng hiệu quả công nghệ mới để tạo ra sản phẩm mới, không nâng cao năng suất lao động doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho người lao động trở thành động lực dẫn dắt quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

“Nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự hiện tại là một nhiệm vụ cần thiết. Các doanh nghiệp nên trao cho người lao động cơ hội để trang bị các kiến thức, kỹ năng và công cụ giúp họ nắm bắt được các công nghệ tiên tiến và các xu hướng luôn đổi thay”, bà Quỳnh Vân khuyến nghị.

Phát triển doanh nghiệp trong kỷ nguyên số
Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang tốt hơn mức trung bình toàn cầu, nhưng vẫn còn những lo ngại về tính bền vững, đặc biệt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư