Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ vào thế khó
Thế Hải - 02/11/2023 09:45
 
Hiệp hội các nhà chế biến tôm Hoa Kỳ (ASPA) đã khởi kiện chống trợ cấp (CVD) với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam.
Tôm Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi kiện chống trợ cấp
Tôm Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi kiện chống trợ cấp cùng với tôm của 3 nước khác.

Hiệp hội các nhà chế biến tôm Hoa Kỳ (ASPA) vừa nộp đơn lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi kiện chống bán phá giá với tôm từ Ecuador và Indonesia; đồng thời, ASPA cũng khởi kiện chống trợ cấp (CVD) với tôm từ Ecuador, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. 

Nguồn tin được ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sao Ta cho biết.

Theo ông Lực, với vụ kiện này, 6 cường quốc tôm trên thế giới đều vướng vụ kiện chống bán phá giá tôm ở Hoa Kỳ.

Khoảng 8 năm trước, nguyên đơn vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt là Liên minh tôm miền Nam Hoa Kỳ (SSA) và ASPA đã từng kiện chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam. Theo đó, các cơ quan chức năng của Chính phủ ta đã chứng minh hoạt động ngành tôm Việt là sự chủ động của các chủ thể tham gia.

Chính phủ chỉ hỗ trợ định hướng, chiến lược, chủ trương, cơ sở hạ tầng… và phía cơ quan chức năng Hoa Kỳ kết luận là tôm Việt không hưởng trợ cấp, nên vụ kiện bị hủy.

Hiện nay, tôm Ấn Độ và tôm Việt vẫn còn bị thuế chống bán phá giá với vụ kiện của nguyên đơn từ cuối năm 2003 kéo dài đến nay; tuy nhiên mức thuế của các doanh nghiệp tôm Việt là 0% và của Ấn Độ là 3,88%.

Tôm Ấn Độ hiện chiếm thị phần cao nhất tại Hoa Kỳ, khoảng 37%; tôm Ecuador vươn lên thứ nhì (trên 20%, cao hơn đôi chút so với tôm Indonesia). Tôm Việt khiêm tốn chỉ đạt khoảng 8%.

Lý do tôm Việt không thể có thị phần cao hơn, là tôm từ 3 nước kia có giá bán rất thấp, và tôm Việt bám được thị trường này nhờ vào các sản phẩm chế biến hàng giá trị gia tăng cao tiêu thụ vào các hệ thống lớn, cấp cao; trong khi tôm các nước còn lại chưa đủ trình độ chế biến vươn tới. Tình hình này là lý do tại sao các luật sư của nguyên đơn (ASPA) đã tạm tính thuế chống bán phá giá tôm từ Ecuador tới 111% và tôm Indonesia là 37%.

Trong tháng 11 này, các cơ quan chức năng Hoa Kỳ sẽ xem xét, kết luận là vụ kiện từ ASPA nêu trên được tiến hành hay không.

Tình hình chung cho thấy, ngành tôm Hoa Kỳ từ đánh bắt, chế biến đều đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu từ giá tiêu thụ giảm quá nhiều, từ đó, gia tăng các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước.

Để chuẩn bị cho những tình huống trước mắt, Vasep đã họp các doanh nghiệp tôm tham gia thị trường Hoa Kỳ và nhờ hãng Luật tư vấn, các doanh nghiệp này sẽ trả lời các nội dung cần thiết để hãng Luật sớm có đối sách cho hoạt động bảo vệ quyền lợi. 

Theo Vasep, điểm tập trung là xem xét tác động từ vụ kiện bán phá giá, nếu xảy ra. Mức thuế chống bán phá giá cho tôm Ecuador và Indonesia sẽ được DOC công bố tạm tính, mức thuế này là bao nhiêu, còn phụ thuộc vào sự chứng minh của hai bên lên DOC.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư