Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tổng Bí thư chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Hữu Tuấn - 30/06/2022 09:40
 
Ngày 30/6, Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022) do Bộ Chính trị tổ chức với sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022) sẽ diễn ra tại hơn 4.100 điểm cầu kết nối trực tuyến với Hội trường Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tham gia Hội nghị có 81.000 đại biểu trên cả nước.

Hội nghị không chỉ đánh giá kết quả đạt được trong 10 năm qua mà sẽ đặt ra những vấn để mới, tiếp tục khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt, đồng lòng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cách đây 10 năm trước, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư làm Trưởng ban. Tháng 2/2013, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; chịu trách nhiệm trước các cấp có thẩm quyền trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên cả nước.

Tháng 9/2021, Bộ Chính trị quyết định bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012 - 2022).

Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương (cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực), 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị xử lý do tham nhũng.

Hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (đầu năm 2021) đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng.

Ban chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở ba cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc. Các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án, với gần 1.100 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý...

Tuy nhiên, tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vừa qua, Đảng, Nhà nước đã xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc, cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, nhưng vẫn xảy ra một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao ở Trung ương và địa phương.

Do vậy, Bộ Chính trị quyết định tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 -2022 (từ khi có chủ trương của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban).

Hội nghị nhằm đánh giá thực chất kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua và sau hơn 01 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới. Đồng thời, quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Qua Hội nghị cũng nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và quyết tâm cao hơn nữa của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong 10 năm qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực. Cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.


Chủ động tiến công, chặt đứt gốc rễ tham nhũng - Bài 1: Trăm tỷ, ngàn tỷ tuồn về “sân sau”, “sân nhà”
Nhiều cán bộ lãnh đạo biến chất giương ô quyền lực, giúp người nhà, người thân, “người tình” và doanh nghiệp “sân sau”, “sân nhà”...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư