Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 09 năm 2024,
Chủ động tiến công, chặt đứt gốc rễ tham nhũng - Bài 1: Trăm tỷ, ngàn tỷ tuồn về “sân sau”, “sân nhà”
Huy Hào - 21/10/2021 08:28
 
Nhiều cán bộ lãnh đạo biến chất giương ô quyền lực, giúp người nhà, người thân, “người tình” và doanh nghiệp “sân sau”, “sân nhà” hưởng lợi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng từ của công.

Tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII) diễn ra đầu tháng 10/2021, Trung ương Đảng xác định phải chủ động tiến công, quyết liệt hơn, nghiêm minh hơn đối với các hành vi tham nhũng, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một bước chuyển quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng được Trung ương nhìn nhận: tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống là cái gốc của tham nhũng; là “mảnh đất” màu mỡ dung dưỡng tham nhũng. Vì thế, nhận diện rõ các biểu hiện tiêu cực là điều kiện tiên quyết để chặt đứt gốc rễ tham nhũng.

Khu đất 43 ha khiến nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và nhiều lãnh đạo tỉnh này vướng vòng lao lý.

Bài 1: Trăm tỷ, ngàn tỷ tuồn về “sân sau”, “sân nhà”

Nhiều cán bộ lãnh đạo biến chất giương ô quyền lực, giúp người nhà, người thân, “người tình” và doanh nghiệp “sân sau”, “sân nhà” hưởng lợi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng từ của công.

 “Bóng hồng” dựa bóng quyền lực

Cuối tháng 10 này, Tòa án Nhân dân TP.HCM mở lại phiên xét xử sơ thẩm lần 2 đối với nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cùng 8 thuộc cấp và bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó, ông Tài đã bị xét xử trong vụ án gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, liên quan khu đất hơn 4.800 m2 tại số 8 - 12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) - tài sản thuộc sở hữu nhà nước được giao Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý và cho thuê.

Trong cú “ngã ngựa” này của ông Tài, người ta nói nhiều đến mối quan hệ thân quen với một “bóng hồng”. Tài liệu của cơ quan điều tra thể hiện, bà Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm làm tờ trình xin tham gia Dự án (tại số 8 - 12 Lê Duẩn, quận 1), nhận khống về năng lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Với mối quan hệ “quen biết” bà Thúy như thừa nhận trước cơ quan điều tra, ông Tài đã ký nhanh, ký nhiều văn bản chỉ đạo cấp dưới cùng thực hiện các hành vi chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm được tham gia góp 30% vốn tại Dự án. Sau các cuộc mua bán, phần vốn nhà nước trong Dự án chỉ còn 20%; 80% rơi vào tay tư nhân.

Ông Tài cũng được xác định cho Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue của bà Thúy thanh lý nhà số 8 - 12 Lê Duẩn, mà không giao cơ quan chức năng thẩm định giá trị còn lại.

Theo xác định ban đầu của cơ quan điều tra, hành vi của ông Tài cùng các bị can gây hậu quả, thiệt hại và thất thoát, lãng phí hơn 2.000 tỷ đồng.

Dư luận đặt câu hỏi, nếu chỉ là quan hệ công việc thông thường, vị lãnh đạo này có “phóng tay” ký các văn bản giúp tiền Nhà nước chảy vào túi cá nhân như vậy hay không?

Trong khi đó, tại Hà Nội, tháng 8/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic) cùng về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan vụ việc mua các chế phẩm xử lý nước hồ ô nhiễm tại Hà Nội.

Đáng chú ý, trong vụ việc này, với cái “bóng” quyền lực của ông Chung, “bóng hồng” Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa - vợ ông, đã tự tung, tự tác, làm những điều mà bình thường, người ta khó có thể hình dung.

Cụ thể, cuối năm 2015, bà Hoa thành lập Công ty Arktic, nhưng đứng tên Đào Xuân Tấn và con trai mình là Nguyễn Đức Hạnh, sau đó, một tay bà “đạo diễn” mọi hoạt động của công ty này, bất chấp pháp luật.

Cơ quan điều tra xác định, quá trình hoạt động của Công ty Arktic, “toàn bộ hồ sơ đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Arktic đều do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa thực hiện và tự ký giả chữ ký của Nguyễn Đức Hạnh”.

Tháng 6/2016, bà Hoa làm giả hồ sơ chuyển nhượng cổ phần để thay đổi thành viên góp vốn từ Đào Xuân Tấn sang Nguyễn Trường Giang.

Đến tháng 7/2016, bà Hoa tiếp tục làm giả hồ sơ chuyển nhượng cổ phần để thay đổi thành viên góp vốn từ Nguyễn Đức Hạnh sang Nguyễn Trường Giang (tổng cộng, Giang đứng tên sở hữu 60%).

Ngay sau khi Công ty Arktic thực hiện thủ tục nhập khẩu chế phẩm Redoxy-3C mẫu (ngày 19/7/2016), ông Chung đề nghị lấy tên vợ một người bạn mình, là bà Nguyễn Thị Bích Hằng, để làm thủ tục chuyển nhượng 40% vốn điều lệ Công ty từ Nguyễn Đức Hạnh. Đáng nói là, chữ ký của bà Hằng cũng được… làm giả! Tài liệu điều tra xác định, không có việc mua, bán, không có việc thanh toán tiền giữa các bên chuyển nhượng phần vốn góp.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, từ năm 2016 - 2019, trên cơ sở các chỉ đạo, điều hành, tạo điều kiện của ông Nguyễn Đức Chung, Công ty Arktic của vợ ông đã kinh doanh nhiều sản phẩm, hàng hóa cho các đơn vị liên quan, trực thuộc UBND TP. Hà Nội, hưởng lợi nhuận gộp không chính đáng hơn 36 tỷ đồng. 

Những chữ ký “ám mùi tiền”

Tháng 6/2021, khi Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử Quốc gia về kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV được công bố, dư luận bất ngờ, vì trong 500 đại biểu vừa được bầu, chỉ có 499 vị được xác nhận đủ tư cách đại biểu.

Đại biểu “rớt đài” vào “phút cuối” là ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.

Ngày 27/7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Nam cùng hàng loạt quan chức khác là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Chánh thanh tra tỉnh, nguyên Phó bí thư, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh này.

>2.000 tỷ đồng là số tiền thiệt hại, thất thoát, lãng phí từ hành vi của ông Nguyễn Thành Tài cùng các bị can trong vụ án liên quan khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM), theo xác định ban đầu của cơ quan điều tra.

>1.000 tỷ đồng của Nhà nước đã bị “thổi bay” bởi sai phạm của ông Trần Văn Nam và các tập thể, cá nhân liên quan trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty 3/2, theo kết luận của cơ quan điều tra.

1.103 tỷ đồng thất thoát tại SADECO từ “bút phê” của ông Tất Thành Cang để SADECO bán 9 triệu cổ phần giá rẻ và không qua đấu giá cho Công ty Nguyễn Kim, theo kết luận của cơ quan điều tra.

Các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra mở rộng vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2). Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4 (từ ngày 14 - 16/6/2021), Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII kết luận, ông Trần Văn Nam chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020; chịu trách nhiệm trực tiếp khi giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43 ha đất tại Tổng công ty 3/2; hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân; để Tổng công ty 3/2 đưa 145 ha đất góp vốn vào Công ty Tân Thành trái pháp luật.

Theo cơ quan điều tra, việc ký những văn bản trên cùng một số bút phê, cố ý hợp thức hóa sai phạm… của ông Trần Văn Nam và các tập thể, cá nhân liên quan đã “thổi bay” hơn 1.000 tỷ đồng của Nhà nước.

Một vụ việc “nóng” nữa liên quan đến những chữ ký “ám mùi tiền”, phê duyệt vô trách nhiệm của lãnh đạo cấp cao và “bóng dáng” doanh nghiệp hưởng lợi là vụ việc Công ty Tân Thuận (thuộc Thành ủy TP.HCM) chuyển nhượng 32 ha đất Dự án Khu dân cư Phước Kiển (Nhà Bè) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Theo Quy chế Quản lý, sử dụng tài sản tại các công ty thuộc sở hữu của Đảng bộ TP.HCM và Quy chế Làm việc của Thành ủy TP.HCM, việc chuyển nhượng phải được Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM quyết định.

Tuy nhiên, ông Tất Thành Cang, khi đó với cương vị Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, đã không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, mà tự bút phê 2 chữ “đồng ý” vào Tờ trình của cấp dưới, chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần diện tích hơn 324.000 m2 đất và chấp thuận phương án giá chuyển nhượng theo đề xuất của công ty này.

Theo cơ quan công an, việc bán đất không đảm bảo ngang giá thị trường này gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng nguồn vốn nhà nước tại Công ty.

Đây không phải vụ việc duy nhất chữ ký “ám mùi tiền” của ông Tất Thành Cang bị phanh phui, lôi ra ánh sáng. Trong vụ việc Công ty cổ phần Nam Sài Gòn (SADECO) bán 9 triệu cổ phần cho Công ty cổ phần Nguyễn Kim, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã truy tố ông Tất Thành Cang về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ông Tất Thành Cang bị cáo buộc đã bút phê “đồng ý” vào tờ trình để SADECO bán 9 triệu cổ phần giá rẻ và không qua đấu giá cho Công ty Nguyễn Kim, dẫn đến thất thoát 1.103 tỷ đồng của SADECO. Trong đó, UBND TP.HCM thiệt hại 485 tỷ đồng, vốn của Thành ủy TP.HCM là 184 tỷ đồng, phần còn lại là thiệt hại của các cổ đông.

Trong những vụ án này, các ông Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Đức Chung, Trần Văn Nam… không chỉ giúp “sân nhà”, “sân sau” hưởng lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng, mà khi bị phát hiện, họ còn “quyết đấu” đến cùng, dùng mọi thủ đoạn từ tinh vi nhất đến trắng trợn nhất hòng qua mắt cơ quan chức năng.

Mới đây, hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là ông Lê Đức Vinh (nhiệm kỳ 2016 - 2021) và ông Nguyễn Chiến Thắng (nhiệm kỳ 2011 - 2016), cùng ông Đào Công Thiên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa bị khởi tố, bắt giam về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Cơ quan điều tra xác định, ông Lê Đức Vinh và ông Nguyễn Chiến Thắng đã trực tiếp ký các văn bản của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa, của UBND tỉnh Khánh Hòa về đất đai, về đầu tư xây dựng các dự án, vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có nội dung cố ý vi phạm.

Trong những ngày TP.HCM gian nan chống dịch Covid-19, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 29 cán bộ, đảng viên thuộc các tổ chức, doanh nghiệp liên quan như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), SADECO, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM, do có liên quan đến sai phạm ở 4 vụ án lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo năm 2021.

(Còn tiếp)

Bắt nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam
Chiều 27/7, Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó chủ tịch UBND Bình Dương. Đây là vụ việc Báo Đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư