Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu 8 yêu cầu lớn đối với ngành Ngoại giao
Kỳ Thành - 13/08/2018 15:45
 
Tổng Bí thư nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động..., xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong xử lý quan hệ với các nước cả song phương và đa phương.

Sáng 13/8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII" chính thức khai mạc.

Toàn cảnh Hội nghị. Trong ảnh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội Nghị
Toàn cảnh Hội nghị. Trong ảnh: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội Nghị

“Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra vào thời điểm rất quan trọng. Đây là dịp kiểm điểm giữa kỳ việc triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng XII và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Phó Thủ tướng nhận định, nhìn lại từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển động hết sức nhanh chóng, phức tạp, có nhiều diễn biến mang tính bước ngoặt. Tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang có nhiều biến động. Sự điều chỉnh chính sách và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa dân túy, thực dụng tăng cao khiến cục diện an ninh ngày càng bấp bênh hơn. Sự vận động, đấu tranh giữa các trào lưu, xu thế cũ và mới diễn ra hết sức gay gắt. Tình hình Biển Đông vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa an ninh và ổn định ở khu vực cũng như quyền và lợi ích chính đáng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, ngành Ngoại giao đã kiên trì về nguyên tắc; kiên định về mục tiêu; chủ động, linh hoạt trong triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, chúng ta đã tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng yếu về đối ngoại mà Đại hội Đảng XII đề ra, đặc biệt là hai nhóm nhiệm vụ lớn mà Tổng Bí thư đã chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao 29. Đó là tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ và giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển.

Theo Phó Thủ tướng, những thành công của ngoại giao Việt Nam có được là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các binh chủng, giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa ngoại giao - quốc phòng - an ninh, theo đúng phương châm “đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”.

Phó Thủ tướng cho rằng, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển động rất nhanh và khó lường, trong khi đất nước đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh hội nhập sâu rộng. Bối cảnh đó đòi hỏi ngành Ngoại giao phải tiếp tục nỗ lực, tận tâm, liên tục thích ứng; chủ động, sáng tạo trong tư duy, hiện đại trong cách làm, chú trọng tính hiệu quả để triển khai thắng lợi các chủ trương, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Trình bày Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điểm lại tình hình thế giới và khu vực kể từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29. Tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mới, phức tạp và khó lường hơn. Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức lớn, nhất là nguy cơ bất ổn, phức tạp từ cạnh tranh chiến lược và kinh tế giữa các nước lớn, các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống đang diễn biến gay gắt và khó lường.

"Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang có những thuận lợi cơ bản. Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn như Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ ra. Cách mạng công nghiệp 4.0 và triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới đang tạo ra cơ hội quan trọng để nước ta đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Cạnh tranh giữa các nước lớn ít có khả năng dẫn đến đối đầu trực tiếp về quân sự. Vai trò của các nước vừa và nhỏ ngày càng gia tăng ở khu vực", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.

8 yêu cầu lớn đối với ngành Ngoại giao

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác đối ngoại trong gần 3 năm qua, đặc biệt là năm 2017, đạt nhiều kết quả quan trọng, là điểm sáng trong toàn bộ thành tựu chung của đất nước. Theo đó, công tác đối ngoại đã giúp duy trì củng cố môi trường hòa bình, ổn định; phục vụ phát triển kinh tế; xử lý các vấn đề biên giới - lãnh thổ; đưa các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam đi vào chiều sâu, hiệu quả; thúc đẩy công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa,...

Tổng Bí thư đặc biệt đánh giá cao những đóng góp quan trọng của lực lượng cán bộ đối ngoại nói chung, Bộ Ngoại giao nói riêng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tán thành với các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra và chủ đề của Hội nghị là "Chủ động, sáng tạo và hiệu quả," Tổng Bí thư nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế; xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong xử lý quan hệ với các nước cả song phương và đa phương.

Các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết ở trong khu vực; đồng thời phải đẩy mạnh tư duy đổi mới, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới. Đương nhiên, đổi mới phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn. 

Tổng Bí thư đề nghị Bộ Ngoại giao cần bám sát nghị quyết Đại hội XII và của Trung ương để tiếp tục triển khai công tác đối ngoại, là căn cứ và định hướng quan trọng để đẩy mạnh công tác đối ngoại trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra 8 yêu cầu lớn đối với ngành Ngoại giao trong thời gian tới, cụ thể: (1) Đổi mới tư duy đối ngoại, xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam; (2) Tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tư chủ; (3) Phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để định hình các cơ chế đa phương; (4) Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là kinh tế đối ngoại và an ninh - quốc phòng, đưa quan hệ các nước láng giềng và nước lớn đi vào chiều sâu, hiệu quả; (5) Tiếp tục triển khai có hiệu quả hội nhập quốc tế; (6) Coi trọng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược; (7) Nâng cao hiệu quả phối giữa Bộ, ban, ngành, địa phương; nhất là Bộ Ngoại giao và quốc phòng, an ninh trong công tác đối ngoại; (8) Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng ngành, bao gồm sắp xếp tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng cán bộ.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường trả lời phỏng vấn nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra vào trung tuần tháng 8 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: chủ động, sáng tạo, hiệu quả thực hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư