Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Tổng tài sản của Gelex tăng gấp đôi, đầu tư 6.324 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp
Kỳ Thành - 17/02/2022 08:12
 
Nhờ việc hợp nhất báo cáo tài chính của công ty con là Viglacera, kết quả kinh doanh năm 2021 và tổng tài sản của Gelex tăng mạnh.
Nhờ việc nắm trên 51% vốn tại Viglacera và hợp nhất vào báo cáo tài chính, tổng tài sản của Gelex trong năm 2021 tăng mạnh
Nhờ việc nắm trên 51% vốn tại Viglacera và hợp nhất vào báo cáo tài chính, tổng tài sản của Gelex trong năm 2021 tăng mạnh.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của CTCP Tập đoàn Gelex (mã GEX - HoSE) cho thấy kết quả kinh doanh lũy kế cả năm 2021 của tập đoàn rất khả quan.

Cụ thể, lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần đạt 28.769 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.054 tỷ đồng, tăng lần lượt 59% và 72% so với năm 2020. Với kết quả này, Gelex hoàn thành kế hoạch doanh thu và vượt 60% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (1.285 tỷ đồng) đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua hồi đầu năm.

Nguyên nhân chủ yếu giúp kết quả kinh doanh của Gelex có sự đột biến trong năm qua chủ yếu từ việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Tổng công ty Viglacera - CTCP từ quý II/2021, sau khi Gelex nâng tỷ lệ sở hữu đạt trên 51%.

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới tổng tài sản của Gelex năm qua có sự biến động mạnh so với năm 2020.

Theo đó, tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Công ty đạt 61.182 tỷ đồng, tăng 2,25 lần so với đầu năm.

Trong số 29.868 tỷ đồng tài sản ngắn hạn tại thời điểm cuối năm 2021, có tới 11.604 tỷ đồng là hàng tồn kho, tăng gần 4 lần so với thời điểm đầu năm. Mặc dù phải thu ngắn hạn giảm 20% so với đầu năm xuống còn 5.032 tỷ đồng, song tập đoàn đang phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi tới 536 tỷ đồng, tăng gấp 2,32 lần so với đầu năm.

Đáng chú ý, tại ngày 31/12/2021, giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn dưới dạng chứng khoán kinh doanh (cổ phiếu, trái phiếu) của Gelex đã tăng đột biến từ 1.617 tỷ đồng (đầu năm) lên 7.054 tỷ đồng vào cuối năm. Chủ yếu trong đó là khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với giá trị gốc 6.324 tỷ đồng, còn lại là đầu tư cổ phiếu, giá trị 729 tỷ đồng.

Các khoản đầu tư này cho thấy trong năm qua, Gelex đã tận dụng tốt nguồn vốn huy động được với lãi suất thấp.

Theo đó, tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả của công ty ghi nhận giá trị 40.680 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần từ mức 18.937 tỷ đồng hồi đầu năm. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, trong năm 2021, Gelex đã đi vay 32.175 tỷ đồng và trả nợ gốc vay 25.382 tỷ đồng.

So với đầu năm, vay và nợ thuê tài chính của Gelex tăng mạnh cả với các khoản vay ngắn hạn và dài hạn. Thời điểm cuối năm 2021, Gelex có 8.149 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, tăng 88% so với đầu năm. Ngoài ra, vay và nợ thuê tài chính dài hạn cũng tăng 80% lên 13.973 tỷ đồng, trong đó 7.981 tỷ đồng nợ ngân hàng và 5.866 tỷ đồng nợ trái phiếu.

Một khoản mục cũng rất đáng chú ý trong danh mục nợ của Gelex là doanh thu chưa thực hiện dài hạn từ hoạt động cho thuê văn phòng, bất động sản, ghi nhận giá trị 2.780 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ là 42,5 tỷ đồng. Đây là “của để dành” thường thấy trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng bất động sản khu công nghiệp, hạch toán từ nguồn doanh thu chưa thực hiện, phát sinh khi doanh nghiệp nhận tiền của khách hàng trước khi thực hiện công việc để tạo ra doanh thu tương ứng.

So với đầu năm, vốn chủ sở hữu của Gelex cũng tăng mạnh từ mức 8.215 tỷ đồng lên 20.502 tỷ đồng vào cuối năm. Ngoài lý do hợp nhất từ Viglacera thì trong năm qua, phần vốn góp của chủ sở hữu Gelex cũng tăng mạnh từ 4.882 tỷ đồng lên 8.515 tỷ đồng. Trong năm 2021, Gelex đã có đợt phát hành tăng vốn gần 293 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hồi giữa năm và phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu để trả cổ tức vào cuối năm.

Gelex hoàn tất huy động 1.500 tỷ đồng
Có hai nhà đầu tư tổ chức trong nước là các tổ chức tín dụng vừa hoàn tất tham gia mua 15.000 trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (HoSE:...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư