Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: Nhiệt độ toàn cầu đang tiệm cận "ngưỡng của thảm họa"
Anh Ngọc - 23/04/2021 09:00
 
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước phát triển tăng cường đóng góp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký
Ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới diễn ra bằng hình thức trực tuyến do Mỹ tổ chức trong hai ngày này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng hối thúc các nước phát huy "vai trò lãnh đạo chính trị để cùng nhau vượt qua tình trạng biến đổi khí hậu, chấm dứt cuộc đối đầu với thiên nhiên và xây dựng cuộc sống thịnh vượng cho tất cả mọi người".

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh thập kỷ qua là giai đoạn thời tiết nóng nhất được ghi nhận. Nồng độ các khí thải gây hiệu ứng nhà kính nguy hiểm đang ở mức cao chưa từng thấy trong 3 triệu năm qua. Trong khi đó, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,2 độ C và đang tiệm cận "ngưỡng của thảm họa".

Ông Antonio Guterres nhấn mạnh: "Chúng ta cần một hành tinh xanh - nhưng thế giới đang trong tình trạng báo động đỏ. Chúng ta đang ở bờ vực thẳm... và phải đảm bảo những bước đi tiếp theo sẽ là đúng hướng".

Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời nhắc lại quan điểm của mình là xây dựng một liên minh toàn cầu đưa lượng khí phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Ông cũng hối thúc các quốc gia thúc đẩy "một thập kỷ chuyển đổi", kêu gọi họ công bố kế hoạch giảm carbon - Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) - mới và tham vọng hơn để đảm bảo việc giảm nhẹ, thích ứng và tài trợ cho những biện pháp chống biến đổi khí hậu.

Ông Antonio Guterres cũng kêu gọi các nước nỗ lực "biến những cam kết đó thành hành động cụ thể, ngay lập tức".

Cũng trong phát biểu của mình, Tổng Thư ký Guterres đề nghị các nước áp giá carbon, chấm dứt trợ cấp cho ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch, tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng xanh, tới năm 2030 loại bỏ than đá ở những nước giàu nhất và mọi nơi khác vào năm 2040, đảm bảo một quá trình chuyển đổi công bằng cho những người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng.

Cuối cùng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia tạo bước đột phá về tài chính và năng lực thích ứng, nhấn mạnh "đây là điều quan trọng đối với lòng tin và hành động tập thể". Ông nêu rõ các nước phát triển phải cung cấp các khoản tài trợ về khí hậu chung, trong đó có 100 tỷ USD hỗ trợ các nước đang phát triển.

Cùng chung ý kiến với người đứng đầu Liên hợp quốc, tại hội nghị, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã hối thúc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) áp dụng mức giá sàn quốc tế đối với carbon nhằm đạt được thỏa thuận trong việc định giá carbon, điều mà bà cho rằng là yếu tố cần thiết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo bà Kristalina Georgieva biến đổi khí hậu một mặt gây ra những nguy cơ lớn đối với phát triển kinh tế, một mặt cũng tạo "cơ hội đáng kinh ngạc cho các khoản đầu tư chuyển đổi (thân thiện với môi trường) và việc làm xanh".

Bà Kristalina Georgieva nhấn mạnh cần có một mức giá carbon để đảm bảo rằng lượng khí phát thải toàn cầu đi xuống phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Mặc dù đã có hơn 60 chiến lược định giá carbon được thực hiện, nhưng mức giá carbon toàn cầu trung bình, hiện chỉ 2 USD/tấn, cần phải tăng lên 75 USD/tấn vào năm 2030 nhằm giảm lượng khí phát thải phù hợp với các mục tiêu. IMF đề xuất áp đặt giá sàn carbon quốc tế ở các nước phát thải nhiều khí nhà kính như các nước thuộc G20. Việc tập trung vào áp mức giá carbon tối thiểu trong nhóm các nước phát thải nhiều khí nhà kính có thể thúc đẩy đạt được một thỏa thuận, bao phủ tới 80% lượng khí phát thải toàn cầu.

Người đứng đầu IMF đồng thời kêu gọi hỗ trợ các nước đang phát triển để có thể thúc đẩy tăng trưởng song song với việc giảm lượng khí thải carbon.

Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Joe Biden quy tụ 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro...

Sự kiện này diễn ra vào thời điểm các nhà khoa học đang cảnh báo rằng các chính phủ phải có hành động dứt khoát để khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Hậu quả của việc vượt quá ngưỡng này là sự biến mất của nhiều loài động thực vật, tình trạng thiếu nước trầm trọng và các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây thiệt hại nghiêm trọng nhất cho các quốc gia nghèo nhất. Tuy nhiên, một nghịch lý là các nước nghèo lại chỉ chịu một phần trách nhiệm rất nhỏ trong việc nhiệt độ Trái Đất tăng lên.

Thủ tướng nêu 4 hành động thích ứng với biến đổi khí hậu
Trong hai ngày 25-26/1 đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về thích ứng với Biến đổi khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư