Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 04 tháng 11 năm 2024,
TP.HCM - nơi tiên phong của nhiều câu chuyện đột phá
Hải Yến thực hiện - 11/02/2024 13:32
 
TP.HCM của năm 2025 - tròn 50 năm thống nhất - phải ghi dấu nhiều điều mới mẻ để tiếp tục trở thành điểm đến đáng học hỏi của không chỉ các địa phương của Việt Nam, mà cả các thành phố của châu Á và Đông Nam Á, xứng đáng là nơi tiên phong nhiều câu chuyện đột phá của cả nước. Bà Trần Tuệ Tri, tác giả cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng”, Cố vấn Vietnam Brand Purpose (tổ chức tiên phong tư vấn chiến lược xây dựng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và các thương hiệu Made in Vietnam), Thành viên Ban điều hành AVSE Global chia sẻ điều ước của bà với TP.HCM trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Bà Trần Tuệ Tri, tác giả cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng”, Cố vấn Vietnam Brand Purpose (tổ chức tiên phong tư vấn chiến lược xây dựng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và các thương hiệu Made in Vietnam), Thành viên Ban điều hành AVSE Global
Bà Trần Tuệ Tri, tác giả cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng”, Cố vấn Vietnam Brand Purpose (tổ chức tiên phong tư vấn chiến lược xây dựng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và các thương hiệu Made in Vietnam), Thành viên Ban điều hành AVSE Global

Năm 2023 khép lại với nhiều gam trầm về bức tranh kinh tế toàn cầu cũng như trong nước và TP.HCM - đầu tàu kinh tế cả nước không là ngoại lệ. Nhìn lại Thành phố trong năm qua, điều gì đọng lại trong tâm trí bà?

Đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân, doanh nghiệp, chính quyền, với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, để giúp TP.HCM có tăng trưởng. Nếu quý đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Thành phố chỉ đạt 0,7%, thì cuối năm đã cán đích 5,81%, đóng góp rất đáng kể vào con số tăng trưởng 5,05% của cả nước.

Đặc biệt, phải nhắc đến dấu ấn của Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2023. Rất nhiều nỗ lực từ chính quyền để tạo ra các dự án trọng điểm, dự án mới được sớm khởi động, dự án cũ nhanh chóng hoàn thành.

Năm 2023, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp, sức mua yếu đi, các ngành sản xuất của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Với TP.HCM, khó khăn vẫn còn đó, số cửa hàng đóng cửa, trả mặt bằng vẫn nhiều, nhưng càng về cuối năm, không khí nhộn nhịp hiện diện rõ hơn, mang đến kỳ vọng tốt đẹp hơn cho một năm mới.

TP.HCM đang tiến gần đến mốc kỷ niệm 50 năm thống nhất. Đâu là những dấu ấn của Thành phố khiến một người con của TP.HCM, nhiều năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, đang kỳ vọng vào việc xây dựng thương hiệu cho Thành phố như bà cảm thấy tự hào khi nghĩ tới và muốn giới thiệu với bạn bè thế giới?

Nhắc đến TP.HCM, tôi thấy có quá nhiều dấu ấn đáng tự hào. Dù ở giai đoạn nào, khó khăn hay thuận lợi, Thành phố vẫn là đầu tàu của cả nước với rất nhiều công trình biểu tượng, là nơi đất lành chim đậu, là miền đất hứa.

TP.HCM là nơi tiên phong của nhiều câu chuyện đột phá. Đây là địa phương đầu tiên của Việt Nam có khu chế xuất (Khu chế xuất Tân Thuận), trường đại học công lập (Đại học Mở TP.HCM), bệnh viện tư nhân (Bệnh viện Phụ sản Sài Gòn), siêu thị (Maximart), khu công nghệ cao (Khu công nghệ cao Quang Trung), khu đô thị hiện đại bậc nhất Việt Nam (Phú Mỹ Hưng).

Ngoài việc là trung tâm kinh tế, văn hóa, TP.HCM phải có những công trình để phát triển giáo dục, y tế. Tại sao TP.HCM không phải là nơi có những trường đại học hàng đầu của Đông Nam Á hay châu Á.

Nhìn vào những thành tựu đã đạt được trong 50 năm qua của TP.HCM, từ người dân tới doanh nghiệp, chính quyền thành phố đều nhận thấy trách nhiệm của mình, phải có hành động cụ thể để hướng tới năm 2050 tiếp tục ghi dấu ấn một TP.HCM mạnh mẽ, là đầu tàu tăng tốc cho Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn không phải của riêng Việt Nam nữa, mà của cả châu Á, hay ít nhất của Đông Nam Á.

Tôi mong muốn, năm 2024, chúng ta định hình một viễn cảnh rõ ràng cho TP.HCM của 30 năm tiếp theo. Thành phố phải vẽ ra những kế hoạch để vươn tới, con đường sẽ đi, từ đó có hành động rõ ràng.

Trong bức tranh tương lai đó, theo bà, đâu là động lực phát triển của TP.HCM và những lĩnh vực nào cần đẩy mạnh đầu tư?

TP.HCM vẫn phải là nơi phát triển mạnh về kinh tế dịch vụ. Tôi rất mong Thành phố tạo động lực phát triển với điểm nhấn là sông Sài Gòn. Ngoài ý nghĩa lịch sử - nơi có Bến Nhà Rồng, khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ, sông Sài Gòn cũng là nơi giao thương, kết nối TP.HCM với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trù phú. Đây cũng là nơi có thể phát triển du lịch với nhiều mô hình, từ nhà hàng trên sông đến du lịch sinh thái…

Vì vậy, phải đầu tư thỏa đáng cho dòng sông này để phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch. Chẳng hạn, ngay bờ sông tại quận 2, phải tạo được các điểm đến ẩm thực, văn hóa, vui chơi, giải trí để người dân, du khách có địa chỉ tiêu tiền. Có thể điều này chưa làm được ngay, nhưng cần ghi chú lại để kêu gọi các nguồn lực cùng thực hiện, làm sao đến lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng, TP.HCM có được một công trình mang biểu tượng đột phá.

Mong ước của bà về TP.HCM trong giai đoạn phát triển tiếp theo là gì?

Tôi mong mỏi TP.HCM sẽ là thành phố đầu tiên của Việt Nam trở thành thành phố phát triển. TP.HCM sẽ tiếp tục trở thành hình mẫu để các nơi nhìn vào, giống như giai đoạn 1991-2011, nhiều địa phương đến đây học hỏi các mô hình phát triển. Chẳng hạn, sau khi Dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng thành công, Hà Nội mới có Khu đô thị Ciputra.

Xu hướng phát triển của thế giới là cân bằng giữa kinh tế và xã hội, môi trường sống. Vì vậy, một trong những việc phải làm của TP.HCM là nâng cao chất lượng sống của người dân. Tôi muốn nhắc đến yếu tố cứng và mềm. Yếu tố cứng là phải đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm kẹt xe, xử lý những điểm đen ngập úng, đẩy nhanh các dự án xây dựng, khai trương và đưa vào sử dụng tuyến metro…

Nói về metro, tôi cũng muốn nhắc tới một dự án rất điển hình của TP.HCM là tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Thành phố mong muốn đến năm 2035 có 220 km metro, nhưng hơn 10 năm qua mới làm được 20 km, mà vẫn chưa thể vận hành. Như vậy, còn 200 km nữa và chỉ còn 12 năm để thực hiện. Rõ ràng, cần phải rất “tốc độ”, “cởi trói” về cơ chế nhiều lắm mới mong đạt được mục tiêu này.

Chúng ta có thể nhìn vào những bài học từ việc xây dựng 20 km đầu tiên để gỡ khúc mắc, làm sao triển khai nhanh, quyết liệt trong 10 năm tới. Cũng có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, như Trung Quốc chẳng hạn, chỉ 5 - 7 năm, họ làm vài trăm km metro.

TP.HCM cũng phải có chương trình phát triển mảng xanh, vì tỷ lệ cây xanh/người của Thành phố còn rất thấp so với tiêu chuẩn. Singapore đã làm những nơi cho người dân đi dạo dọc theo bờ sông với rất nhiều khoảng xanh. Hoặc có thể phát triển mảng xanh trên mỗi mái nhà, tạo xu hướng nhà xanh, văn phòng xanh, ban công xanh. Hãy nghĩ tới một loại cây nào tượng trưng cho TP.HCM mà cả Thành phố có thể trồng.

Còn yếu tố mềm thì sao, thưa bà?

Ngoài việc là trung tâm kinh tế, văn hóa, TP.HCM phải có những công trình để phát triển giáo dục, y tế. Tại sao TP.HCM không phải là nơi có những trường đại học hàng đầu của Đông Nam Á hay châu Á. Trước Thành phố đã có trường đại học mở bán công đầu tiên của Việt Nam, thì giờ cần có kế hoạch để có trường đại học lọt top 100 thế giới.

Đó là những điều tôi thực sự mong muốn để TP.HCM tiếp tục tạo dấu ấn đáng tự hào. Có thể chúng ta chưa đạt được ngay, nhưng phải có ý tưởng, có kế hoạch để phấn đấu thực hiện. Tôi thấy có thể học những điều hay ở Singapore. Họ có hẳn một triển lãm kéo dài cả năm với chủ đề về kinh nghiệm phát triển trong 200 năm gần nhất để mọi người cùng trải nghiệm câu chuyện của quốc gia, thấy được sự đổi thay của đất nước và định hình được tầm nhìn trong tương lai.

Năm 2025 đã rất gần, TP.HCM cần có những đột phá gì để có thể đổi thay nhanh hơn?

Đầu tiên, vẫn phải có cơ chế cởi mở, phát triển các ngành mũi nhọn, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư mong muốn nhìn thấy một môi trường đầu tư ổn định, cơ chế thông thoáng, không có thêm thủ tục phiền hà, mất thời gian và tăng chi phí. Đặc biệt, phải giải quyết các yếu tố còn chồng chéo, quy định không rõ ràng để doanh nghiệp không cảm thấy phức tạp, mệt mỏi.

Việc thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 cũng vậy. Mục tiêu đưa ra rất lớn, nhiều lĩnh vực, nhưng để dám nghĩ, dám làm, phải có cơ chế đặc biệt, phải đưa ra chủ đề, thông điệp. Chẳng hạn, nhấn mạnh đây là nơi tạo ra cơ hội, là thành phố kiến tạo, thì tập trung vào ngành nào, phải giao việc đúng địa chỉ, có nội dung xuyên suốt và gắn trách nhiệm. Cùng với đó, phải xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong xây dựng và triển khai kế hoạch, đảm bảo thông suốt, kịp thời.

Đột phá tiếp theo là vấn đề kích cầu, nên tiếp tục duy trì và đẩy nhanh các chương trình đang thực hiện có hiệu quả như giảm thuế VAT, nâng cao lợi thế cạnh tranh, tăng chất lượng hàng hóa xuất khẩu, xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp và thương hiệu của cả Thành phố… Cùng với đó, cần có cơ chế thu hút nhân tài, nâng cao trình độ quả lý của cả khối công và tư; đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tạo tâm lý tích cực cho mọi người dám nghĩ dám làm, để những viễn cảnh tốt đẹp sớm trở thành hiện thực.

TP.HCM: Rực rỡ chợ hoa xuân “Trên bến, dưới thuyền 2024”
Chợ hoa xuân "Trên bến, dưới thuyền" tại bến Bình Đông, quận 8 đã trở thành nét đẹp truyền thống, một điểm du xuân quen thuộc của người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư