Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
TP.HCM: 35 dự án có vốn “khủng” được tháo gỡ vướng mắc
Trọng Tín - 19/03/2021 15:14
 
Có 35 dự án với tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỷ đồng đã cơ bản được UBND TP.HCM tháo gỡ, đang triển khai thực hiện các bước đầu tư tiếp theo.

Thông tin này được đưa ta tại Hội nghị “Sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của TP.HCM năm 2021”, diễn ra vào ngày 19/3.

1

Trong hơn 3 năm qua, 18 nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chính đã được Tổ công tác kết luận chỉ đạo chung về mặt chủ trương, định hướng.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết sau 3 năm thành lập, Tổ công tác về đầu tư của UBND TP.HCM đã kết luận hướng dẫn xử lý vướng mắc cho 92 dự án.

Trong đó, có 51 dự án bất động sản, 21 dự án liên quan phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông, 18 nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng xã hội, phục vụ người dân và 2 dự án liên quan đến hoạt động sản xuất.

Tổ công tác về đầu tư được UBND TP.HCM thành lập năm 2017 do Chủ tịch Nguyễn Thành Phong làm Tổ trưởng cùng các thành viên là các Phó chủ tịch UBND TP.HCM và các sở ngành chủ chốt.

Trong 3 năm qua, Tổ công tác về đầu tư của TP.HCM đã tập trung tháo gỡ vướng mắc cho 35 dự án với tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỷ đồng, đến nay cơ bản thực hiện xong nội dung chỉ đạo, các khó khăn đã được tháo gỡ, đang triển khai thực hiện các bước đầu tư tiếp theo.

Đối với 57 dự án còn lại, các cơ quan chức năng đang cần đánh giá lại pháp lý, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lấy ý kiến hướng dẫn của các bộ ngành hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để củng cố hồ sơ pháp lý, làm cơ sở tiếp tục triển khai dự án.

Ngoài ra, Tổ công tác về đầu tư của TP.HCM cũng đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 108 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tại hội nghị, UBND TP HCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 8 Dự án với tổng vốn đầu tư 23.145 tỷ đồng; trao chủ trương đầu tư cho 5 Dự án, tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỷ đồng; trao giấy phép xây dựng cho Dự án chung cư Cô Giang, quận 1 với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, UBND TP.HCM đã trao nghị quyết của Chính phủ cho Công ty Lotte Properties HCMC triển khai dự án Khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City tại khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thuộc TP.Thủ Đức. Tổng vốn đầu tư của dự án này lên đến 20.100 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm hình thành và phát triển khu trung tâm tài chính, thương mại - dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng. Đây là dự án quy mô lớn đầu tiên của nhà đầu tư nước ngoài kể từ khi TP.Thủ Đức được thành lập.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM muốn gửi thông điệp rằng, chính quyền thành phố luôn cầu thị, mong muốn giải quyết các khó khăn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng hành động thực chất, cụ thể.

"TP.HCM cũng mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều hơn nữa các dự án được tháo gỡ thông qua cơ chế hoạt động của Tổ công tác về đầu tư, góp phần xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, đem lại hiệu quả đầu tư cho các doanh nghiệp", ông Phong nhận định.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng đánh giá, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, kết quả đạt được là đáng ghi nhận, đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư của thành phố, song hoạt động của Tổ công tác vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần được khắc phục.

Ông Nguyễn Thành Phong, cho biết sẽ bổ dung vào Dự thảo Kế hoạch triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 và các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư nhằm thực hiện chủ đề năm 2021 của UBND TP.HCM.

Trong đó, đáng chú ý là nội dung “nếu quá 15 ngày làm việc, cơ quan lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản xem như đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan (thậm chí liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra cũng phải chịu trách nhiệm, vì đã đồng ý)”.

Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ việc thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định pháp luật không quá 1 lần trong 1 năm. Kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong 1 đợt, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

Nghiên cứu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý kiến nghị của doanh nghiệp so với quy trình cơ quan, đơn vị đang thực hiện. Trên 80% các chi nhánh, văn phòng đăng ký đất đai giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đúng hẹn đạt 96%, mỗi năm tiếp theo tăng thêm 1%.

Trên 60% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của TP.HCM đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Các cơ quan, đơn vị liên quan đến các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài guyên và Môi trường phải đi đầu trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư.

Người đứng đầu chính quyền Thành phố cũng giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư  thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp...

Doanh nghiệp kêu cứu vì sự phi lý trong quản lý đất đai - Bài 1: Vạn Phúc Group khốn đốn ở Vạn Phúc City
Các công trình phục vụ dân sinh trong Dự án Vạn Phúc City của Tập đoàn BĐS Vạn Phúc bị ngưng trệ vì yêu cầu phải qua đấu thầu đất mà doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư