Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM: Đề xuất gói hỗ trợ thứ 2 cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Việt Dũng - 17/08/2020 22:56
 
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất gói hỗ trợ thứ 2 cho các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin tại buổi họp ngày 17/8
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin tại buổi họp ngày 17/8

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giao ban về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, việc phục hồi nền kinh tế của thành phố đang đứng trước nhiều khó khăn.

Cụ thể, ông Phong chia sẻ, tính đến ngày 31/7, Cục Thuế Thành phố cho biết có hơn 23.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn 3.816 tỷ đồng. Thế nhưng lại có 21.226 doanh nghiệp ngừng kinh doanh và giải thể, khiến số vốn giảm xuống 12.612 tỷ đồng. Việc này, sẽ kéo theo hàng chục ngàn lao động mất việc, gây tác động mạnh đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố.

Người đứng đầu UBND TP.HCM cho rằng, ngành du lịch đang chịu tác động nặng nề nhất do Covid-19. Nếu như trước đây tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn đạt 70 - 80%, thì hiện nay các khách sạn 4 - 5 sao thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn chỉ đạt 2 - 3%. Trong khi đó, ngành dịch vụ chiếm 62% tổng giá trị sản phẩm của Thành phố.

"Bão Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế, là một thách thức lớn cho TP.HCM để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ”, ông Phong nói.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 17/8 có 182 người có triệu chứng viêm hô hấp đang được cách ly theo dõi và xét nghiệm chẩn đoán tại các khu cách ly của các bệnh viện. Không trường hợp nào có triệu chứng nặng, 159 trường hợp đã có kết quả âm tính, 23 trường hợp còn lại đang chờ kết quả.

 Số trường hợp đang cách ly tập trung trong ngày: 1.284 trường hợp, trong đó: Khu cách ly tập trung của thành phố: 858 người; Cơ sở cách ly tập trung quận, huyện: 103 người; Cách ly tại khách sạn cho các chuyên gia nước ngoài: 323 người; Cách ly người nhập cảnh có bệnh lý tại các bệnh viện của Thành phố: 21 người. Số trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú trong ngày: 3.634 người.

Trong 2 ngày 13 - 14/8, Thành phố tổ chức đón 632 người dân còn ở Đà Nẵng trở về địa phương qua sân bay Tân Sơn Nhất. Tất cả đều được Sở Y tế TP. Đà Nẵng xét nghiệm kiểm tra trước, được cách ly tập trung tại TP. Hồ Chí Minh (297 người) và Bà Rịa – Vũng Tàu (335 người).

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định lại tinh thần “chống dịch như chống giặc” và vượt qua dịch bệnh là thử thách để Thành phố hoàn thành các mục tiêu kinh tế - văn hóa – xã hội đã đặt ra.

Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các Sở - ban - ngành, quận - huyện tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác; phải xác định tâm thế sống chung với dịch bệnh, chống dịch căn cơ, lâu dài và luôn giữ thế chủ động. Bám sát diễn biến của tình hình dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất gói hỗ trợ thứ 2 cho các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, tổ chức giao ban tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Các nhà máy, cơ sở sản xuất tự đánh giá các tiêu chí an toàn, thực hiện giám sát chặt chẽ các biện pháp phòng dịch Covid-19 theo Bộ tiêu chí đã ban hành.

Các doanh nghiệp của Thành phố tiếp tục lưu ý đến giá cả sản phẩm, các dịch vụ cung ứng để chia sẻ với Thành phố trong giai đoạn khó khăn này; đảm bảo ổn định nguồn hàng lương thực, nhu yếu phẩm để cung cấp đủ cho người dân.

Các tổ chức doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính, thanh toán trực tiếp phí, lệ phí, xử phạt vi phạm hành chính… cần liên hệ với Tòa án và các cơ quan chuyên môn để giải quyết phù hợp.

Ngành Y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn trực tiếp cho nhân viên y tế tại các cơ sở y tế về quy trình chuẩn để xử lý các ca lây nhiễm; điểm danh các trường hợp nhiễm bệnh, không để bệnh nhân di chuyển qua nhiều bệnh viện, nhiều nơi. Thực hiện giãn cách xã hội cho các đối tượng có nguy cơ cao gồm người cao tuổi, người có bệnh lý tim bệnh và bệnh lý mãn tính khác.

Các bệnh viện đều phải xây dựng kịch bản và chuẩn bị mọi cơ sở vật chất, nhân lực, đảm bảo ứng phó với các tình huống, tránh di chuyển bệnh nhân nhiều. Trường hợp có ca nhiễm bệnh, thực hiện ngay việc khoanh vùng, cách ly với quy mô phù hợp, nhanh chóng truy vết các đối tượng tiếp xúc, xét nghiệm đồng loạt và cách ly tập trung.

Công an Thành phố tổ chức đợt cao điểm tổng kiểm tra, rà soát người nhập cảnh trái phép; UBND các quận - huyện, phường - xã - thị trấn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn. Đồng thời, phát huy vai trò lực lượng cơ sở, nhất là Công an phường - xã, Cảnh sát khu vực trong phát hiện người nhập cảnh trái phép trên địa bàn; Khẩn trương tham mưu cho UBND Thành phố việc lập các chốt, trạm kiểm soát. Phối hợp với Toà án, Viện Kiểm soát Thành phố đưa một số vụ án điểm về nhập cảnh trái phép ra xét xử.

TP.HCM: Tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội cho 318 doanh nghiệp
Đây là những doanh nghiệp được tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội vào các Quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư