Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
TP.HCM: Dịch sởi bùng phát, tiêm vắc-xin trễ có giảm hiệu quả phòng ngừa?
Hoài Sương - 16/08/2024 07:07
 
Việc lơ là trong công tác tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em và người lớn có thể làm suy giảm nghiêm trọng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng, khiến hàng rào “miễn dịch cộng đồng” bị suy yếu.

Nhiều trẻ chưa được tiêm vắc-xin sởi

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), bệnh sởi đã xuất hiện tại 57 phường, xã thuộc 16/22 quận, huyện, TP. Thủ Đức. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM là 597 ca. 

Trong đợt dịch bùng phát năm nay, các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi. Trong khi đó, 3 năm trước (từ 2021 - 2023), cả TP.HCM chỉ có 1 ca bệnh sởi.

 Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng cho trẻ em.

Vừa qua, một khu nhà trọ thuộc khu phố 12 trên địa bàn phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức đã ghi nhận 2 ca mắc sởi. Qua thống kê, có khoảng 30 trẻ ở khu trọ này chưa tiêm đủ mũi sởi và các mũi tiêm vắc-xin khác. 

Do đó, trong tuần qua, trạm y tế đã phối hợp cùng Trung tâm y tế TP. Thủ Đức đến tiêm lưu động cho 30 trẻ với 85 mũi tiêm các loại.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mỹ, Trưởng trạm y tế phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức cho biết, vừa qua, nhiều phụ huynh có tâm lý lo ngại con sẽ có những phản ứng phụ sau tiêm hoặc có trường hợp lấy lý do bận rộn công việc nên quên cho con đi tiêm ngừa. Ngoài ra, một số trẻ không được gia đình quan tâm để đưa đi tiêm đúng lịch

“Trước đây, số lượng phụ huynh đưa trẻ đến tiêm vắc-xin chưa nhiều. Tuy nhiên, sau khi có dịch sởi và hỗ trợ truyền thông của cộng tác viên y tế cộng đồng, người dân đã quan tâm hơn đến việc tiêm chủng. Vì vậy, hai tuần vừa qua, mỗi tuần có khoảng 150-200 lượt trẻ đến đăng ký tiêm cả sởi và vắc-xin các loại”, bác sĩ Mỹ cho biết thêm. 

Trước nguy cơ bệnh sởi có thể bùng phát do tỷ lệ tiêm phòng thấp, hiện TP.HCM đang mở chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi cho khoảng 517.250 trẻ theo hình thức tiêm tại trường học, trạm y tế và bệnh viện. Chiến dịch kéo dài từ tháng 7/2024 đến tháng 9/2024.

Ngoài ra, theo Sở Y tế TP.HCM, để phòng ngừa bệnh, phụ huynh cần chủ động tiêm đủ 2 mũi vắc ngừa sởi cho trẻ nhỏ (mũi 1 khi trẻ đủ 9 tháng, mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng) khi đến tuổi tiêm chủng. 

Người lớn cũng cần tiêm vắc-xin sởi

Có thể thấy, việc lơ là trong công tác tiêm chủng vắc-xin có thể làm suy giảm nghiêm trọng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng trong cộng đồng. Điều này còn khiến hàng rào “miễn dịch cộng đồng” bị suy yếu. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng gia tăng số ca mắc, thậm chí có ca tử vong do sởi.

Người trưởng thành có thể tiêm vắc-xin phối hợp sởi - quai bị - rubella.

Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh sởi không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ mà ngay cả người trưởng thành cũng có thể mắc bệnh. Điều này khiến người bệnh vẫn sinh hoạt và tiếp xúc cộng đồng bình thường, tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Vì vậy, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM khuyến cáo, những người trưởng thành chưa từng tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi trước đây có thể tiêm vắc-xin phối hợp sởi - quai bị - rubella với lịch tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 4 tuần. 

Tuy nhiên, các chị em phụ nữ tránh mang thai trong 3 tháng sau khi tiêm vắc-xin. Ngoài ra, phụ nữ trước khi mang thai cũng cần tiêm chủng vắc-xin sởi - quai bị - rubella để tránh biến chứng thai kỳ. 

Trước thắc mắc về việc tiêm vắc-xin trễ có giảm hiệu quả phòng ngừa hay không, bác sĩ Minh chia sẻ: “Trường hợp chưa tiêm chủng đúng lịch hoặc chưa tiêm chủng đủ liều nên tiêm bổ sung càng sớm càng tốt. Bởi vắc xin sởi vẫn có hiệu quả bảo vệ khỏi mắc bệnh từ 2 - 4 tuần sau khi tiêm, cũng như đảm bảo được miễn dịch cộng đồng trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm và ngăn chặn bùng phát dịch”.

Đặc biệt, sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin có chứa thành phần sởi, miễn dịch là suốt đời và hiệu quả bảo vệ lên đến 95 - 97%. Tuy nhiên, việc tiêm chủng cần phải bảo đảm phù hợp với đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất. 

Dịch sởi: Nguy cơ hiện hữu, cần hành động ngay
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, hàng trăm nghìn ca bệnh sởi vẫn được báo cáo từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư