Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
TP.HCM định hướng thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á
Ngô Nguyên - 12/08/2024 17:33
 
UBND TP.HCM vừa duyệt Đề án xây dựng Thành phố thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao.

Theo đề cương Đề án "Xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, giá trị gia tăng cao" vừa được UBND TP.HCM phê duyệt thì những năm qua, mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố đã và đang chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng dịch vụ so với sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

Giai đoạn 2011 - 2022, nhóm ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GRDP của Thành phố và có xu hướng ngày càng tăng, từ 57,67% năm 2010 lên 62,54% năm 2020 và 64,2% vào năm 2022.

TP.HCM luôn duy trì vị thế là trung tâm về dịch vụ cũng như cực tăng trưởng về dịch vụ của Việt Nam, đóng góp 25,7% tỷ trọng vào tăng trưởng khu vực dịch vụ của cả nước.

Tuy nhiên, đa phần các đơn vị khu vực dịch vụ của Thành phố vẫn ở quy mô vừa và nhỏ; chưa hình thành được các đơn vị dịch vụ hàng đầu có vai trò dẫn dắt thị trường; hạn chế về nguồn vốn đầu tư; mối liên kết tự nhiên theo xu hướng hợp nhất theo chiều dọc và chiều ngang còn hạn chế và đặc biệt, công tác chuyển đổi số để thích ứng với xu thế phát triển chung của thế giới cũng chưa mạnh.

TP.HCM phấn đấu tới năm 2045, xây dựng phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.

Do đó, việc xây dựng đề án nhằm khắc phục các hạn chế, tạo bứt phá cho ngành dịch vụ của đầu tàu kinh tế. Việc này cũng nhằm đưa TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn cấp quốc gia, khu vực Đông Nam Á và châu Á trên các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh.

Với đề án này, Thành phố sẽ lựa chọn phát triển các nhóm ngành dịch vụ chủ yếu, then chốt có giá trị gia tăng với quy mô, tỷ trọng phù hợp tiềm năng làm lợi thế cạnh tranh; sẽ định hình các dịch vụ cao cấp, hiện đại cần được phát triển, với tiêu chí xác định cụ thể, phù hợp thông lệ quốc tế, chỉ tiêu thống kê để làm cơ sở đo lường, theo dõi. 

Mục tiêu của Đề án, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng TP.HCM trở thành Thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Đến năm 2045, xây dựng TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế. Đến năm 2050, TP.HCM sẽ trở thành Thành phố biển, đô thị toàn cầu, bền vững, kinh tế, văn hoá đặc sắc, chất lượng sống cao, hạt nhân vùng TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và cực tăng trưởng của cả nước. 

TP.HCM kiến nghị Chính phủ gỡ vướng các dự án để thúc đẩy động lực tăng trưởng
UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến việc thực hiện cơ chế đặc thù, và vướng mắc dự án hạ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư