Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM gọi kế sách huy động vốn
Thanh Liêm - 04/01/2014 16:58
 
TP.HCM đề nghị Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu, giải quyết giúp Thành phố 5 vấn đề, trong đó đầu tiên là việc huy động nguồn lực vốn đầu tư xã hội cho phát triển. >>> Ông Vương Đình Huệ tiếp tục tư vấn chính sách tiền tệ >>> Bổ nhiệm 5 Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (bên trái) trao đổi với Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ (đứng giữa)

Trong buổi làm việc giữa đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương và Thường trực Thành ủy TP.HCM ngày 3/1, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị với Bộ Chính trị và các cơ quan Trung ương tăng cường tạo điều kiện cho thành phố được chủ động hơn trong xây dựng và áp dụng cơ chế, chính sách mới để thu hút đầu tư, tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Riêng với Ban Kinh tế Trung ương, ông Hải kiến nghị nghiên cứu giúp TP.HCM 5 quyết sách chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, giúp Thành phố ngày càng đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Thứ nhất, nghiên cứu, giải quyết giúp Thành phố trong việc huy động nguồn lực vốn đầu tư xã hội cho phát triển.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đề ra cơ chế, chính sách để bứt phá phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp này.

Thứ ba, nghiên cứu, tư vấn các giải pháp phối hợp phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thứ tư, xây dựng chính sách phát triển, thu hút nguồn nhân lực, sớm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển.

Vấn đề cuối cùng, phát triển công nghiệp môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý tốt tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong thời gian tới, cần xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực.

“Thành phố cần tiếp tục bám sát các mục tiêu theo Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm: Thúc đẩy phát triển các nhóm ngành dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao; tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao”, ông Huệ nói.

Đặc biệt, TP.HCM cần tập trung xây dựng, tạo bước đột phá mới về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế.

Thành phố cần có quy hoạch liên kết vùng kinh tế trọng điểm, kết nối vùng bằng các nguồn lực, bằng sản phẩm… từ chế biến đến tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh; nghiên cứu tầm nhìn phát triển của TP.HCM sau 5 - 7 năm tới so sánh với các thành phố lớn khác trong khu vực, khi GDP bình quân đầu người đạt 9.000 - 10.000 USD/đầu người để có bước phát triển phù hợp.

“Ban Kinh tế Trung ương sẽ theo dõi, bám sát những đề xuất, kiến nghị của Thành ủy thành phố, sớm triển khai 5 lĩnh vực mà đồng chí Bí thư Thành ủy vừa nêu, đồng thời đề nghị hai bên cần phân công các bộ phận thường trực để phối hợp chặt chẽ với nhau, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ này”, ông Huệ nói.

Cuộc làm việc giữa đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương và Thường trực Thành ủy TP.HCM tập trung một số nội dung rất quan trọng: Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố về tình hình kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2010-2015; 3 năm (2011 - 2013); kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2014; tình hình thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố và một số nội dung quan trọng khác.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 3 năm vừa qua, ông Lê Thanh Hải cho biết: kinh tế Thành phố tăng trưởng hợp lý, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt, từ mức năm 2011 tăng 15,86% đến năm 2013 chỉ tăng 5,1%, bình quân 3 năm 2011 - 2013 tăng 6,9%/năm, bằng 0,75 lần mức tăng CPI cả nước (9,15%).

“Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch theo đúng định hướng, gắn với từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc kinh tế thành phố; tăng dần tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu và giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ, phát triển nông nghiệp đô thị”, ông nói.

Đặc biệt, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, theo hướng giảm tỷ trọng các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Thành phố cũng đã chú trọng nâng cao tỷ trọng 9 ngành dịch vụ, phát triển các loại thương mại bán lẻ hiện đại kết hợp du lịch mua sắm; đẩy mạnh chương trình hợp tác thương mại với các tỉnh, phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, hình thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi của khu vực.

Về các chỉ tiêu chủ yếu hai năm 2014 - 2015, TP.HCM đề ra tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn đạt 10,5% - 11%/năm; tăng trưởng giá trị gia tăng ngành dịch vụ đạt 12% - 12,5%/năm; tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp đạt 8,5% - 9%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt 5%/năm. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo (thu nhập 16 triệu đồng/người/năm trở xuống) và tỷ lệ hộ cận nghèo (thu nhập 21 triệu đồng/người/năm) còn dưới 3% tổng số hộ dân thành phố.

Bổ nhiệm 5 Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Lễ trao quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ nhiệm 2 Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương chuyên trách và 3 Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư