Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM sẽ kích đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu
Hồng Sơn - 08/09/2017 19:11
 
Từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã có những tín hiệu tích cực trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng nguồn vốn vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao chưa có nhiều khởi sắc, còn một số rào cản cho nhà đầu tư.
.
4 ngành công nghiệp trọng yếu TP.HCM đang thu hút đầu tư là cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến lương thực thực phẩm

Tín hiệu tích cực từ vốn FDI

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2017, vốn FDI vào Thành phố có khởi sắc, với tổng vốn đầu tư hơn 3,23 tỷ USD, tăng gấp 1,57 lần so với cùng kỳ năm trước. Đáng mừng là, không chỉ tăng về định lượng, mà thời gian gần đây, có dấu hiệu cho thấy những bước chuyển về chất trong thu hút vốn FDI mang tính bền vững hơn và có những dự án lớn vào các lĩnh vực mà Thành phố khuyến khích đầu tư.

Đơn cử, đầu tháng này, Công ty cổ phần Công viên Saigon Silicon City là chủ đầu tư Dự án Saigon Silicon ở Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Thương mại thế giới bang Utah (Hoa Kỳ). Theo đó, Trung tâm Thương mại thế giới bang Utah sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức thương mại khác ở bang này đầu tư vào Dự án Saigon Silicon trong các ngành công nghệ cao và sản xuất công nghệ tiên tiến. Ở chiều ngược lại, chủ đầu tư Dự án Saigon Silicon sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của bang Utah đầu tư với nhiều ưu đãi về thuế, tiền thuê mặt bằng...

Dự án Saigon Silicon được xây dựng trên diện tích 52 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD, có mục tiêu hoạt động là trở thành một đô thị thông minh, sẵn sàng về cơ sở hạ tầng và tiện ích, nhằm thu hút các doanh nghiệp của nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) về đầu tư nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao cũng như các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghệ cao…

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch Công ty Saigon Silicon cho biết, các doanh nghiệp đến đầu tư không chỉ gia công sản phẩm công nghệ từ các nước khác như hiện trạng ở một số khu công nghiệp tại Việt Nam, mà có sự kết hợp giữa hoạt động R&D và ứng dụng, trực tiếp sản xuất ra công nghệ hay sản phẩm tương ứng. Dự án đã được khởi công xây dựng từ tháng 8/2016 và đã có hơn 10 doanh nghiệp cam kết đến đầu tư.

Trước đó, tháng 5 năm nay, Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre (Hàn Quốc) đã được cấp phép đầu tư dự án vào Khu công nghiệp Hiệp Phước, với vốn đầu tư khoảng 53,3 triệu USD. Đây là một tổ hợp về chế biến thực phẩm trên diện tích 7,1 ha, gồm các hạng mục: nhà máy chế biến thực phẩm, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm an toàn thực phẩm hiện đại…

“Kích” 4 ngành công nghiệp trọng yếu

Theo ông Nguyễn Tấn Phước, Phó trưởng ban Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), với việc cấp phép cho dự án của CJ Cầu Tre và qua công tác xúc tiến đầu tư, thì kế hoạch thu hút vốn đầu tư 500 triệu USD trong năm nay là khả thi. Tuy nhiên, dù Thành phố đã quy hoạch các khu công nghiệp phù hợp với việc thu hút các dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến lương thực thực phẩm) và đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư, nhưng kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Những lo lắng về sự phát triển ì ạch và tăng trưởng chậm của các ngành công nghiệp, trong đó có 4 ngành công nghiệp trọng yếu vẫn tiếp diễn trong thời gian gần đây. Đó cũng là lý do khiến ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ quan ngại tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm mới đây.

“Những tháng còn lại, nếu tốc độ tăng trưởng các ngành này không có bước tiến vượt bậc, thì Thành phố coi như không đạt chỉ tiêu đặt ra. Trong khi đó, năm 2017 đã đi qua 8 tháng, nhưng các lĩnh vực vẫn ì ạch phát triển”, ông Phong nói.

Cũng theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, phải tìm ra phương pháp để 4 ngành công nghiệp trọng yếu phát triển. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cần rà soát loại bỏ thủ tục không cần thiết phát sinh chi phí phi chính thức... Đồng thời, lãnh đạo Thành phố sẽ làm việc với ngành thuế, ngân hàng và công nghiệp, xây dựng nhằm tìm giải pháp cụ thể để trong thời gian còn lại của năm 2017 đẩy mạnh giải ngân, tăng tốc độ phát triển các ngành công nghiệp.

[Infographic] 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7%
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 và 8 tháng năm 2017 đều tăng so với cùng kỳ năm 2016.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư