Thứ Tư, Ngày 09 tháng 07 năm 2025,
TP.HCM: Tội phạm mua bán người nhắm vào phụ nữ, trẻ vị thành niên, lao động nhập cư
Ngô Nguyên - 08/07/2025 20:52
 
Nhiều đường dây tội phạm lợi dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, để tiếp cận, dụ dỗ nạn nhân dưới chiêu bài "việc nhẹ lương cao", "xuất khẩu lao động ", "cho nhận con nuôi".

Sở Y tế TP.HCM vừa có báo cáo công tác phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân giai đoạn 2021-2025 định hướng tới 2030.

Theo cơ quan này, thống kê chỉ đến 9 tháng từ đầu năm 2024, Thành phố đã tiếp nhận và xác minh 56 trường hợp nạn nhân bị mua bán. Trong đó, lực lượng công an đã triệt phá 2 vụ mua bán người dưới 16 tuổi trong nội địa, bắt giữ 16 đối tượng, giải cứu 52 nạn nhân; đồng thời phá 1 vụ mua bán người ra nước ngoài, bắt giữ 3 đối tượng, giải cứu 1 nạn nhân do phía Campuchia trao trả.

Ngoài ra, Sở Ngoại vụ Thành phố cũng đã tiếp nhận và giải quyết 114 trường hợp bảo hộ công dân, trong đó có 95 đơn đề nghị hỗ trợ thân nhân, nghi là nạn nhân mua bán người đang gặp khó khăn ở nước ngoài như mất tích, bị giam giữ, bạo hành, hoặc mất liên lạc.

Đáng nói có 32 trường hợp (chiếm 22%) là công dân cư trú tại TP.HCM, đa phần là nam giới, bị lừa đảo đưa sang Campuchia, Trung Quốc để cưỡng bức lao động.

Một đối tượng mua bán người bị cơ quan công an TP.HCM bắt giữ.

Dù vậy Sở y tế cho rằng việc phòng chống ngăn chặn còn nhiều hạn chế, khó khăn và nguy cơ tội phạm này vẫn rất cao.

Nguyên nhân, do địa bàn Thành phố rộng lớn, người dân nhập cư ngày càng tăng, tội phạm mua bán người lợi dụng làm nơi tập kết, trung chuyển nạn nhân mua bán trong nước hoặc bán ra nước ngoài với nhiều thủ đoạn, phương thức hoạt động tinh vi như: tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, xuất khẩu lao động, tổ chức kết hôn với người nước ngoài thông qua môi giới, cho - nhận con nuôi,…gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý. 

Nạn nhân được tội phạm mua bán người hướng đến thường là phụ nữ không có việc làm ổn định, thanh thiếu niên trong độ tuổi lao động có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học; thanh niên bỏ học không có việc làm hoặc đang tìm kiếm việc làm; thanh thiếu niên ăn chơi, đua đòi có tư tưởng muốn thoát ly khỏi công việc vất vả, muốn đổi đời, muốn tự lập, có nhu cầu làm việc nhẹ lương cao tại các thành phố lớn, thậm chí là ra nước ngoài lao động với mong muốn tìm cơ hội đổi đời… nhưng hạn chế hiểu biết về pháp luật, thiếu cảnh giác đối với các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người.

Một số nạn nhân và gia đình nạn nhân không tự giác khai báo do còn mặc cảm, sợ kỳ thị, sợ bị trả thù nên việc điều tra, thống kê xác định nạn nhân còn gặp khó khăn. Việc đi sang nước ngoài làm việc là nạn nhân tự nguyện không bị ai ép buộc, nhưng khi sang đến nơi làm việc thì không đúng như ý muốn, nên liên lạc về với gia đình mong gia đình giải cứu bản thân về lại Việt Nam.

Mặt khác nạn nhân bị ép ký hợp đồng lao động bằng ba thứ tiếng Việt Nam, Trung Quốc và tiếng Anh, có điều khoản thử việc hoặc trả lại tiền bồi thường nếu không tiếp tục làm việc do đó khó khăn trong việc phối hợp cơ quan chức năng giải cứu nạn nhân.

Nhiều đường dây tội phạm đang đẩy mạnh việc lợi dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, WeChat… để tiếp cận, dụ dỗ nạn nhân dưới chiêu bài "việc nhẹ lương cao", "xuất khẩu lao động hợp pháp", "kết hôn nước ngoài", hay "cho nhận con nuôi".

Triển khai Luật mới, quyết liệt xóa nạn mua bán người
Ngày 14/5, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND về Triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 trên địa bàn thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư