Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 28 tháng 08 năm 2024,
Nghiêm cấm mua bán bào thai, thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai
Nguyễn Lê - 28/08/2024 14:33
 
Dự thảo Luật phòng chống mua bán người sửa đổi (Dự thảo) đã bổ sung quy định nghiêm cấm “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Sáng 28/8, đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về Dự thảo Luật phòng chống mua bán người sửa đổi.

Quá trình thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung hành vi mua bán bào thai vào khoản 1 điều 2  (giải thích từ ngữ) để làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.

Ý kiến khác đề nghị thiết kế một điều luật riêng để điều chỉnh hành vi mua bán bào thai, ngoài ra có ý kiến băn khoăn việc nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai mà không nhằm mục đích mua bán người do không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

.
.

Qua rà soát quy định của pháp luật liên quan, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong một số trường hợp quyền dân sự chỉ có thể được xác lập sau khi một người được sinh ra và còn sống. Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì việc phạm tội đối với phụ nữ mang thai thì chỉ bị coi là tình tiết tăng nặng mà không coi là phạm tội đối với nhiều người.

“Như vậy, về mặt pháp lý chỉ được coi là người khi được sinh ra và còn sống. Theo y học thì bào thai cũng chưa được xác định là người. Khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật quy định về khái niệm về mua bán người, trong khi bào thai chưa được xác định là con người như trên đã phân tích nên Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp”.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, những năm qua, tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra đang là thực tế đáng lo ngại (nhiều trường hợp phụ nữ mang thai đã thỏa thuận xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó sinh và giao con cho người khác để lấy tiền, vật chất rồi về nước). Việc thỏa thuận mua bán này thực chất là tiền đề của hành vi mua bán người (mua bán người từ giai đoạn còn đang là bào thai), nhưng việc xử lý hành vi này lại chưa được pháp luật điều chỉnh.

Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả các biện pháp từ sớm, từ xa, đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai là rất xác đáng và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo.

Đối với ý kiến băn khoăn về việc nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai mà không nhằm mục đích mua bán người, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, hành vi mua bán bào thai cho dù nhằm mục đích gì thì đều là việc làm vô nhân đạo, trái với thuần phong, mỹ tục, ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự xã hội, nên cần thiết phải nghiêm cấm.

Từ các lý do trên, Dự thảo đã được tiếp thu theo hướng: Bổ sung 1 khoản (khoản 2) vào Điều 3 hành vi bị nghiêm cấm “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Tham gia ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ví dụ đã xảy ra trên thực tế, đó là một người hiếm muộn thỏa thuận trả tiền cho vợ chồng anh A chị B để nuôi nấng bào thai, khi chị B sinh con ra thì giao cho người đó. Vậy người hiếm muộn có đủ điều kiện nuôi nấng đứa trẻ, còn anh A chị B thì không? Trường hợp này thì có phải hành vi mua bán người không, anh A chị B có phải là người bán người không, phải cân nhắc cho kỹ để xử lý, ông Hòa nói.  

Dự thảo Luật phòng, chống mua bán người sửa đổi sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận trước khi bấm nút tại Kỳ họp thứ tám vào tháng 10 tới. 

Sửa Luật Phòng, chống mua bán người: Bổ sung quy định nghiêm cấm mua bán bào thai
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người đã bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm: “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư