Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Deloitte Việt Nam
TPP và AEC là đòn bẩy cho M&A
Hoàng Anh - 08/08/2016 17:43
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết, với khả năng cung cấp được toàn bộ các dịch vụ cho trọn vẹn một chu trình mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A), Deloitte Việt Nam sẽ mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng của mình, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập mới của nền kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và sắp được ký kết, trong đó phải kể tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hơn thế, Việt Nam cũng vừa là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Ông có cho rằng, không gian mới này đang tác động đến các hoạt động đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam, nhất là các hoạt động M&A?

Đã có nhiều tranh luận về tác động của TPP và AEC đối với nền kinh tế Việt Nam. Đại đa số các ý kiến bình luận lạc quan về các lợi ích mà TPP và AEC đem lại.

Tôi cũng cho rằng, TPP và AEC sẽ đem lại những lợi ích lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Với quan điểm như vậy, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư. Điều này sẽ kéo theo dòng vốn đầu tư thực hiện dưới hình thức M&A.

.
Ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam

Với lợi thế về thuế suất cho các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường trong TPP, ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh. Doanh nghiệp Việt Nam, nếu được đầu tư đúng hướng về khoa học kỹ thuật, công nghệ, lực lượng lao động… để nâng cao hiệu quả sản xuất, sẽ có rất nhiều lợi thế so với doanh nghiệp của các nước khác trong hoạt động này. Hơn thế, TPP là thị trường rất lớn, có sức hút lớn đối với các nguồn vốn đầu tư, cả từ nước ngoài lẫn dòng vốn nội địa. Trong bối cảnh ấy, thị trường M&A trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu rất được kỳ vọng phát triển mạnh.

Thị trường hàng tiêu dùng trong nước cũng được các nhà đầu tư đánh giá cao. Thị trường này ở Việt Nam được coi là một trong các thị trường mới nổi có sức hấp dẫn cao trong những năm gần đây. Minh chứng là số lượng các thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực này. Với hơn 93 triệu dân, cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, tôi cho rằng, lĩnh vực này sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm trong những năm tới.

Thị trường bất động sản đang có những tín hiệu phục hồi. Giá thuê văn phòng tại các thành phố lớn đã được điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây. Các dự án khu chung cư cũng liên tục được công bố. Thị trường bán lẻ cũng đang tăng trưởng mạnh, kèm theo đó là nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ ngày càng tăng. Tôi tin là hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản cũng sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.

Ông đánh giá thế nào về sự cạnh tranh về lĩnh vực tư vấn tài chính. Deloitte Việt Nam sẽ chuẩn bị thế nào khi TPP có hiệu lực? 

Trên thực tế, hầu hết các tên tuổi lớn trong lĩnh vực này đều đã và đang hiện diện tại thị trường Việt Nam. Nhiều hãng tư vấn thành lập pháp nhân tại Việt Nam, như các hãng kiểm toán và tư vấn hàng đầu Việt Nam thuộc nhóm Big 4, trong đó có Deloitte Việt Nam.

Một số hãng khác lựa chọn cách tham gia vào thị trường thông qua các hợp đồng dịch vụ, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nhưng sẽ cử chuyên gia tham gia khi có các hợp đồng tư vấn.

Chính vì vậy, tôi cho rằng, sẽ không có nhiều ảnh hưởng đối với sự cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn tài chính khi chúng ta tham gia TPP và AEC. Có chăng là sẽ có thêm sự tham gia của các công ty tư vấn nhỏ hoạt động trong khu vực và ảnh hưởng của họ đối với sự cạnh tranh của lĩnh vực tư vấn M&A.

Nhận định trước xu hướng hội nhập này, Deloitte đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Chúng tôi sẽ tập trung vào 2 khía cạnh chủ yếu.

Diễn đàn M&A thường niên lần thứ 8 do Báo Đầu tư và Công ty AVM tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Riverside Palace – Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 18/8/2016 có chủ đề “M&A trong không gian kinh tế mở”.

Thứ nhất, chúng tôi mở rộng phạm vi các dịch vụ tư vấn cung cấp cho khách hàng trong các thương vụ M&A. Các dịch vụ tư vấn của chúng tôi sẽ bao trùm toàn bộ chu trình của một thương vụ, từ lúc bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư đến lúc hậu mua bán, tư vấn cho quá trình sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp sau khi hoàn thành việc mua bán. Với khả năng cung cấp được toàn bộ các dịch vụ cho trọn vẹn một chu trình mua bán, chúng tôi tin tưởng sẽ mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng của mình.

Thứ hai, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển, đào tạo đội ngũ tư vấn để đạt tới chất lượng đẳng cấp thế giới. Với việc tham gia vào các thương vụ xuyên biên giới, các khách hàng của Deloitte luôn yêu cầu chất lượng dịch vụ ở đẳng cấp cao, bất kể họ thực hiện thương vụ ở quốc gia nào. Chính vì vậy, duy trì và phát triển đội ngũ tư vấn trình độ cao luôn là yêu cầu cấp thiết.

Với Deloitte, đội ngũ nhân lực luôn được coi là một trong những tài sản quý giá nhất. Chúng tôi luôn nỗ lực đem lại các cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt nhất cho các nhân tài của mình.

Hiện Deloitte đang cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính nào?

Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của các nền kinh tế trên thế giới, hoạt động M&A sẽ ngày càng nhiều với độ phức tạp ngày càng cao.

Song song với nhu cầu về nguồn tài chính, các nhà đầu tư luôn cần sự trợ giúp về chiến lược cũng như các bước triển khai trong quá trình đầu tư. Trong một môi trường như vậy, Deloitte cung cấp các giải pháp mang tính thực tế cao, mang lại giá trị tăng thêm cho các khách hàng thông qua nhiều loại hình dịch vụ bao gồm: tư vấn tài chính doanh nghiệp; điều tra; ứng dụng dữ liệu lớn (Analytics); tư vấn hỗ trợ giao dịch; tư vấn tái cấu trúc; tư vấn định giá và mô hình tài chính; tư vấn tài chính dự án…

Mục tiêu của chúng tôi là tối đa hóa nguồn lực và các chuyên gia giàu kinh nghiệm phù hợp nhất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tại mọi địa điểm, khu vực..

Deloitte có thế mạnh riêng trong lĩnh vực tư vấn tài chính tại thị trường Việt Nam. Cơ cấu tổ chức đặc biệt của Deloitte tại khu vực Đông Nam Á giúp chúng tôi sử dụng được thế mạnh của tất cả các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, với bề dày kinh nghiệm qua 25 năm thành lập và hoạt động tại thị trường Việt Nam, Deloitte đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý báu, am hiểu rõ môi trường pháp lý, các quy định trong nước cũng như hiểu rõ phong tục tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu đến từ thị trường quốc tế, chúng tôi có được sự kết hợp hoàn hảo giữa sự hiểu biết thông lệ quốc tế và tập quán trong nước khi cung cấp các sản phẩm tư vấn cho  khách hàng.

Nhân tố cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, đó là chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, có kiến thức chuyên môn sâu rộng, tư duy đổi mới và tâm huyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực để ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Vậy, chiến lược phát triển dịch vụ tư vấn tài chính của Deloitte trong giai đoạn hội nhập với TPP và AEC sẽ ra sao, thưa ông?

Về loại hình dịch vụ, chúng tôi tập trung mở rộng phạm vi các dịch vụ tư vấn cung cấp cho các khách hàng. Đối với hoạt động M&A, các dịch vụ tư vấn của chúng tôi gắn liền với toàn bộ các giai đoạn trong chu trình của một thương vụ, từ khi tìm kiếm cơ hội đầu tư đến hậu M&A.

Đối với các lĩnh vực khác, chúng tôi sẽ tập trung phát triển mạnh mảng dịch vụ khủng hoảng tài chính, một loại hình dịch vụ được kỳ vọng sẽ thu hút được quan tâm của nhiều khách hàng, đặc biệt trong điều kiện công nghệ phát triển nhanh, kỹ thuật số và Internet ngày càng trở thành thiết yếu đối với hoạt động kinh doanh.

Về phát triển đội ngũ, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển, đào tạo đội ngũ tư vấn để đạt tới chất lượng đẳng cấp thế giới. Việc duy trì và phát triển đội ngũ tư vấn trình độ cao luôn là yêu cầu cấp thiết và là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Deloitte.

Trong nhiều năm gần đây, Deloitte luôn nằm trong “Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” và có môi trường làm việc tốt nhất trong số các doanh nghiệp cùng ngành. Mục tiêu của chúng tôi là duy trì và phát huy vị thế này, tiếp tục là cái nôi nuôi dưỡng và thu hút nhân tài trong lĩnh vực tư vấn. Chúng tôi luôn cam kết đem lại môi trường và điều kiện làm việc tốt nhất để nhân viên phát huy hết khả năng và phát triển sự nghiệp.

Chúng tôi trang bị kiến thức, kỹ năng và khuyến khích nhân viên trở thành các nhà lãnh đạo có khát vọng, có tầm nhìn, chiến lược toàn cầu. Deloitte luôn tạo điều kiện cho các nhân viên được tiếp cận với các cơ hội phát triển nghề nghiệp và cá nhân theo đúng con đường họ đã lựa chọn.

Diễn đàn M&A Vietnam 2016 sẽ bao gồm 4 hoạt động chính:

1 - Chương trình Hội thảo thường niên
M&A Vietnam Forum 2016 sẽ dành thời gian để đánh giá về thị trường M&A khu vực và Việt Nam năm 2015 – 2016 và triển vọng 2016 - 2020 dưới tác động của không gian kinh tế mở. Hội thảo sẽ đánh giá tác động của các khu vực kinh tế chung như AEC, TPP đến thị trường M&A; phân tích các cơ hội M&A và đầu tư tại Việt Nam trong không gian kinh tế mở khi Việt Nam tham gia sâu vào các khu vực kinh tế chung như AEC, TPP… Các cuộc đua trong các ngành, lĩnh vực sẽ được phân tích, bình luận bởi các chuyên gia và những người trong cuộc. Ngoài ra, kinh nghiệm tạo lập vốn cho thương vụ M&A cùng chiến lược M&A của các doanh nghiệp cũng sẽ được chia sẻ và trao đổi tại Diễn đàn năm nay.

2- Chương trình kết nối đầu tư MAF EXPO
Chương trình kết nối đầu tư lớn nhất trong năm – MAF EXPO 2016 cũng sẽ được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho bên mua, bên bán và các nhà tư vấn gặp gỡ để kết nối các thương vụ. Chương trình này cũng là một hoạt động hỗ trợ công tác quan hệ nhà đầu tư cho các công ty niêm yết, công ty đại chúng nhằm giúp công chúng và các nhà đầu tư có thêm thông tin chính thống phục vụ công tác đầu tư.

3- Bình chọn, trao thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2015 – 2016
Nhằm tôn vinh những thương vụ và người tạo lập thương vụ, hàng năm Ban tổ chức triển khai chương trình Bình chọn và trao Thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu Việt Nam. Các thương vụ này sẽ được công bố chính thức tại Gala Dinner ngày 18/08/2016 tại TP.HCM.

4- Khóa đào tạo Chiến lược M&A: Thâu tóm và chống thâu tóm
Với sự tham gia giảng dạy của TS Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Mua lại, sáp nhập và liên kết, khóa đào tạo M&A thâu tóm và chống thâu tóm sẽ tiếp tục được tổ chức vào hai ngày 19 – 20/08/2016 nhằm cung cấp các kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về thâu tóm và chống thâu tóm cho các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng với các sự kiện trọng tâm của M&A Việt Nam 2016, Báo Đầu tư sẽ xuất bản Đặc san “Toàn cảnh thị trường Mua bán - Sáp nhập Việt Nam 2016 – Vietnam M&A Outlook 2016” song ngữ Anh – Việt, nhằm giúp doanh nghiệp kết nối đầu tư theo hình thức M&A, quảng bá hình ảnh và giới thiệu dịch vụ, sản phẩm đến khách hàng tiềm năng.

Tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt trên 3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2016
Sáng ngày 25/7, tại Hà Nội, Ban tổ chức "Diễn đàn M&A 2016: M&A trong không gian kinh tế mở" đã tổ chức họp báo công bố các nội dung, hoạt động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư