Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Trả lương, trợ cấp qua tài khoản ngân hàng: Người dân than khó
Thùy Liên - 07/09/2024 07:37
 
Theo phản ánh của cử tri, việc chi trả lương, trợ cấp qua tài khoản ngân hàng khiến các đối tượng cao tuổi, không biết sử dụng điện thoại thông minh gặp khó khăn. Chưa kể, người dân phải chịu rất nhiều loại phí ngân hàng.
TIN LIÊN QUAN

Theo phản ánh của cử tri Thái Bình, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho người dân; đặc biệt đối với các đối tượng chính sách là những người cao tuổi không có hoặc chưa biết sử dụng điện thoại thông minh và tài khoản cá nhân. Do đó, cử tri đề nghị có giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Theo khảo sát của Báo Đầu tư, không chỉ Thái Bình mà người dân nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn đều có mong muốn nhận lương và trợ cấp bằng tiền mặt. 

Liên quan tới băn khoăn này của người dân, NHNN cho hay, ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ để khuyến khích TTKDTM. Đề án có đặt mục tiêu đến cuối 2025, có 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM.

Đồng thời tại Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội TTKDTM, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng quy trình và hướng dẫn các địa phương thực hiện triển khai nhiệm vụ chi trả KDTM cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị chủ trì để nghiên cứu các giải pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đến các đối tượng thụ hưởng một cách phù hợp đảm bảo sự thuận tiện cho các đối tượng thụ hưởng, cũng như bảo đảm thực hiện mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Đề án. Ngành ngân hàng sẽ phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chi trả KDTM cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Cũng liên quan tới nhận lương hưu và trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, cử tri Quảng Ninh và Nam Định lại than phiền vì các đối tượng chính sách, xã hội nhận được trợ cấp không cao trong khi nhận lương qua tài khoản ngân hàng lại phải gánh thêm nhiều loại phí (phí duy trì tài khoản ngân hàng; phí thường niên thẻ thanh toán nội địa; phí quản lý tài khoản ngân hàng, phí chuyển tiền và rút tiền…).

“Các loại phí này ảnh hưởng đến tâm lý, ngại mở thẻ và TTKDTM của người dân. Đề nghị rà soát các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội (cao tuổi, tàn tật, hộ nghèo…) không phải chi trả các khoản kinh phí quản lý tài khoản tại ngân hàng để thuận lợi cho việc triển khai nhiệm vụ chi trả KDTM cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, đảm bảo tính chính xác, nhanh chóng, thuận tiện”, cử tri Quảng Ninh đề xuất.

Tương tự, cử tri Nam Định cũng đề nghị NHNN Việt Nam có chính sách hỗ trợ về phí dịch vụ khi sử dụng tài khoản cá nhân để nhận trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng trên nhằm thể hiện đúng tinh thần và ý nghĩa nhân đạo trong thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề này, NHNN cho hay, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng (TCTD) được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức phí cung ứng dịch vụ.

Đối với dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, NHNN đã ban hành Thông tư số 35/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa trong đó quy định tổ chức phát hành thẻ cần có biện pháp phân loại đối tượng khách hàng để có hình thức hỗ trợ phù hợp đối với sinh viên nghèo, người lao động có thu nhập thấp, đồng thời chỉ đạo các tổ chức phát hành thẻ thực hiện rà soát lại các loại phí, mức phí thẻ ghi nợ nội địa đang được áp dụng tại đơn vị mình, đảm bảo việc thu phí tuân thủ theo quy định tại Thông tư 35.

Thực hiện chủ trương phát triển TTKDTM (bao gồm TTKDTM đối với trợ cấp an sinh xã hội) và chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, NHNN thường xuyên chỉ đạo toàn ngành triển khai nhiều giải pháp, trong đó đề nghị TCTD nghiên cứu, áp dụng các chính sách ưu đãi miễn, giảm phí cho các đối tượng khách hàng có thu nhập thấp, đối tượng yếu thế trong xã hội (người về hưu, người hưởng trợ cấp xã hội, người già, người nghèo...). Trên cơ sở đó, các TCTD căn cứ mục tiêu, chính sách, điều kiện, hoạt động kinh doanh của mình để có chính sách phí và hưởng ứng, thực hiện chủ trương nêu trên thông qua các chương trình ưu đãi, chính sách khuyến mại phù hợp.

Được biết, từ ngày 1/8/2024, cơ quan bảo hiểm xã hội đã thực hiện trực tiếp chuyển tiền chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng bảo hiểm xã hội tại 43 tỉnh, thành phố. Từ ngày 1/9/2024, BHXH sẽ thực hiện phương thức chuyển tiền trực tiếp này tại 20 tỉnh còn lại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư