Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Trà Vinh - điểm đến lý tưởng
Huy Tự - 13/01/2020 15:20
 
Hạ tầng giao thông thuận lợi, cùng các chính sách ưu đãi thông thoáng đang khiến Trà Vinh trở thành địa chỉ được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lựa chọn.
TIN LIÊN QUAN
Một góc TP.  Trà Vinh.
Một góc TP. Trà Vinh.

Hạ tầng giao thông thuận lợi

Trà Vinh  là một tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được tái lập vào tháng 5/1992, có diện tích tự nhiên 2.358 km2 (chiếm 5,63% diện tích trong vùng và 0,67% diện tích cả nước), có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải và TP. Trà Vinh, dân số cả tỉnh là hơn 1 triệu người.

Toàn tỉnh có 4 quốc lộ là: Quốc lộ 53, Quốc lộ 53B, Quốc lộ 54 và Quốc lộ 60, đang được nâng cấp lên cấp 3 đồng bằng, giúp giao thương hàng hóa và rút ngắn khoảng cách từ Trà Vinh với TP.HCM và các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Trà Vinh hiện tại có 2 cửa biển chính là cửa Cung Hầu (sông Tiền) và cửa Định An (sông Hậu) nối liền các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và TP.HCM.

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Trà Vinh không ngừng nỗ lực đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế để hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm ở ĐBSCL về phát triển kinh tế biển, liên kết vùng và thế mạnh trong giao lưu quốc tế.

Thực hiện chủ trương này, Trà Vinh đã được Trung ương đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia như: Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải; luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (đã quy hoạch 14 cụm công nghiệp) và Khu kinh tế Định An với giá cho thuê mặt bằng thấp, các nhà đầu tư không mất nhiều thời gian và chi phí để làm thủ tục.

Với vị trí quan trọng, được xem như cửa ngõ của vùng ĐBSCL, từ năm 2016, Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu được Trung ương đầu tư đã thông luồng kỹ thuật, cho phép tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải, các tàu có thông số kỹ thuật hợp chuẩn vào các cảng trên sông Hậu, đáp ứng thông qua lượng hàng hóa tổng hợp 21 - 22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000 - 500.000 TEU/năm cho giai đoạn 2020. Đây là dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến sự phát triển đời sống xã hội của người dân các tỉnh miền Tây Nam bộ, là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế biển trong khu vực.

Bên cạnh đó, Cảng tổng hợp Định An, diện tích 128 ha, thiết kế gồm 3 bến cảng và hệ thống kho bãi, khu logistics hiện đại, đảm bảo tiếp nhận tàu container, tàu hàng hóa từ 30.000 tấn đầy tải và 50.000 tấn giảm tải, có thể mở rộng đến 100.000 tấn, trung chuyển hàng hóa vào cảng Cái Cui - Cần Thơ và ngược lại, đã khởi công đầu tháng 7/2019, dự kiến hoàn thành bến vào tháng 6/2020, cũng là lợi thế của tỉnh Trà Vinh trong thu hút đầu tư, giao thương trong nước và quốc tế.

Thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp

Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện có Khu công nghiệp (KCN) Long Đức (100 ha), cơ bản được lấp đầy, KCN Cổ Chiên (200 ha) và KCN Cầu Quan (130 ha) đang kêu gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật và đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, tỉnh đang trải thảm đỏ mời nhà đầu tư vào Khu kinh tế Định An. Đây là một trong 8 khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 của cả nước, là khu kinh tế ven biển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp. Diện tích tự nhiên 39.020 ha, thực hiện giai đoạn I đến năm 2020 là 15.403,7 ha, với các khu chức năng: khu phi thuế quan, các KCN, kho ngoại quan, khu cảng biển và dịch vụ cảng, khu dịch vụ công nghiệp, khu dịch vụ giải trí, du lịch... quy hoạch với các ngành nghề chủ yếu như sản xuất điện năng, luyện thép, hóa dầu, công nghiệp đóng tàu biển cùng với các ngành công nghiệp hỗ trợ khác; phát triển khu du lịch; kinh tế cảng, khu phi thuế quan gắn với cảng và khu dân cư đô thị.

Trong tổng số 13 cụm công nghiệp vừa được tỉnh Trà Vinh được quy hoạch, năm 2019 đã thành lập 4 cụm công nghiệp (Sa Bình, Tân Ngại, Phú Cần và Hiệp Mỹ Tây), tổng diện tích đất 143,7 ha, đang giai đoạn giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư. Các cụm công nghiệp cùng với KCN Định An và các KCN: Cầu Quan, Cổ Chiên và Long Đức đã góp phần không nhỏ trong chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế - xã hội và lao động tại địa phương, giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định, cải thiện thu nhập cho gần 20.000 lao động trong và ngoài tỉnh.

Với nhiều ưu đãi về hỗ trợ nhà đầu tư, chi phí giá cả cho thuê mặt bằng thấp, các nhà đầu tư không mất nhiều thời gian tìm kiếm, chọn lựa nơi phát triển kinh doanh thuận lợi, môi trường đầu tư hấp dẫn.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 15/1/2019 của Tỉnh ủy Trà Vinh “Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị năm 2019”; Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 27/12/2018 của Tỉnh ủy tổ chức thực hiện năm 2019 với phương châm“Hành động, Kỷ cương, Trách nhiệm, Sáng tạo, Về đích”, Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ, Ban Quản lý KKT Trà Vinh đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai đến tất cả cán bộ, công chức, người lao động nhằm quán triệt thực hiện, cơ bản xác định, năm 2019 là năm bước tiến quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của tỉnh nói chung, khu kinh tế, khu công nghiệp nói riêng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

“Phát huy những thành quả của các bậc tiền bối khai hoang mở cõi, người Trà Vinh quyết tâm xây dựng và kiến tạo quê hương ngày một giàu đẹp, phấn đấu đưa tỉnh Trà Vinh hội nhập kinh tế - xã hội sâu rộng và sớm đạt mục tiêu trở thành một trong những tỉnh có nền kinh tế phát triển ở nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Ông Trần Trí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư