Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 03 tháng 07 năm 2024,
Trà Vinh biến thách thức thành cơ hội phát triển
Huy Tự - 01/07/2024 15:18
 
Vượt qua nhiều thách thức và biến động khó lường của nền kinh tế trong và ngoài nước, kinh tế Trà Vinh những tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng ổn định và có mặt khởi sắc nhờ phát huy vị thế, nguồn lực và tận dụng các cơ hội mới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Trà Vinh khảo sát mô hình doanh nghiệp trồng dừa sáp nuôi cấy phôi cho hiệu quả kinh tế cao tại Trà Vinh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Trà Vinh khảo sát mô hình doanh nghiệp trồng dừa sáp nuôi cấy phôi cho hiệu quả kinh tế cao tại Trà Vinh

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định và khởi sắc

Năm 2023, tăng trưởng GRDP của Trà Vinh đạt 8,25%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, quy mô kinh tế của tỉnh đạt 83.375 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 81,75 triệu đồng. Công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 95% kế hoạch…, tạo tiền đề cho tỉnh hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phát huy kết quả tăng trưởng khá tốt trong năm qua, 5 tháng đầu năm nay, riêng Chỉ số sản xuất công nghiệp của Trà Vinh tăng 68,32% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 17.272,98 tỷ đồng, bằng 42,81% kế hoạch, tăng 28,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chế biến, chế tạo tăng 8,08%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,6%; sản xuất, phân phối điện, nước nóng, hơi nước tăng 47,91%; khai khoáng tăng 0,18%.

Cả 4 lĩnh vực sản xuất công nghiệp đều tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt, sản xuất và phân phối điện chiếm trên 60% tổng giá trị sản xuất, sản lượng điện 5 tháng đạt 10,344 tỷ kWh (bằng 46,31% kế hoạch), gấp 1,9 lần cùng kỳ (cao hơn cùng kỳ 5,049 tỷ kWh); công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay.

Năm 2024, Trà Vinh kêu gọi đầu tư 32 dự án, gồm một dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, một dự án giáo dục và đào tạo, 13 dự án thương mại, du lịch và dịch vụ và 17 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng xã hội, đô thị và môi trường. Ngoài ra, tỉnh kêu gọi đầu tư 3 dự án nhà ở xã hội độc lập, đồng thời bổ sung thêm 8 dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo vào Danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2024.

Trước mắt, Trà Vinh hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án, công trình điện triển khai đảm bảo tiến độ; quan tâm đầu tư, cải tạo và nâng cấp lưới điện đáp ứng phụ tải và bảo đảm an toàn lưới điện trong mùa mưa. Từ đầu năm đến nay, đã phát triển mới 30,55 km đường dây trung thế, 13,52 km đường dây hạ thế, 365 trạm biến áp, góp phần hoàn thiện lưới điện địa phương.

Tổng kế hoạch vốn năm 2024 là 4.874,533 tỷ đồng, đến ngày 14/5/2024 giải ngân 1.353,302 tỷ đồng, đạt 27,8% kế hoạch (cùng kỳ giải ngân 21,7% kế hoạch). Trà Vinh đang chủ động chuẩn bị các nội dung tổ chức Hội chợ Thương mại - Festival 100 năm cây dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội tại huyện Cầu Kè, gắn với Hội thảo Tiềm năng kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản và du lịch, diễn ra trong tháng 8/2024.

Việc thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá; các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đem lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể:

Tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt công việc liên quan đến các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như hạ tầng hồ chứa nước ngọt dọc bờ sông Láng Thé, hạ tầng Khu công nghiệp Cổ Chiên, Khu bến tổng hợp Định An; tiếp tục vận động, bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý Dự án 85 để triển khai thi công cầu Đại Ngãi...

Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản. Duy trì được các vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng chủ lực như lúa chất lượng cao, cây ăn trái, dừa, hoa màu; xây dựng và duy trì nhãn hiệu nông sản, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi; áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao đến nay đạt 12% tổng diện tích sản xuất. Đặc biệt, Trà Vinh đang tập trung chuẩn bị chu đáo các, đảm bảo các điều kiện cần thiết với quyết tâm tổ chức thành công “Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024” vào cuối tháng 8 tới, nhằm góp phần quảng bá, tôn vinh thương hiệu, phát triển kinh tế đặc sản dừa sáp, sản phẩm OCOP Trà Vinh, gắn với bảo tồn phát huy, phát triển văn hóa, du lịch địa phương...

Đến nay, Trà Vinh có 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó huyện Cầu Kè, Tiểu Cần đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đồng thời, Trà Vinh đang khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo tỉnh gửi về Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị công nhận Trà Vinh đạt tỉnh nông thôn mới.

Xây dựng Kế hoạch Triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Đề án Đào tạo sau đại học và thu hút nguồn nhân lực khu vực công trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2025 - 2030.

Kết quả công bố các chỉ số PCI, SIPAS, PAR Index năm 2023 của Trà Vinh đều tăng điểm, tăng hạng so với năm 2022. Trong đó, Chỉ số PAR Index tăng 2 bậc, Chỉ số SIPAS tăng 4 bậc, Chỉ số PCI tăng 2 bậc. Tỉnh khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tập trung phân tích kết quả Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI và đề ra giải pháp khắc phục hạn chế, tiếp tục nâng cao thứ hạng trong năm 2024.

Về kết quả thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá, đến nay đã hoàn thành Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Định An đến năm 2040. Tiếp tục theo dõi, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Hiệp Mỹ Tây, Cụm công nghiệp Tân Ngại, các dự án điện gió đã cấp chủ trương đầu tư.

Về Chỉ số Cải cách hành chính năm 2023, ở cấp tỉnh có 5/19 cơ quan thuộc nhóm tốt (đạt từ 90,29 điểm trở lên), 14/19 cơ quan thuộc nhóm khá (đạt 82 - 88,72 điểm), không có cơ quan đạt kết quả trung bình, kém; ở cấp huyện có 100% thuộc nhóm khá (đạt từ 82,67 - 88,74 điểm). Thiết lập, công khai đường dây nóng và hộp thư điện tử tiếp nhận phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phiền hà về tinh thần, thái độ phục vụ trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) vào thực tiễn sản xuất; đánh giá, nghiệm thu một nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, họp Hội đồng Tư vấn xác định 4 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở và 4 nhiệm vụ KH&CN phát triển tài sản trí tuệ năm 2024.

Tăng cường xúc tiến đầu tư, phát triển đồng hành cùng doanh nghiệp

Từ đầu năm đến nay, tỉnh thu hút được 6 dự án trong và ngoài nước, trong đó có 5 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 1.756,1 tỷ đồng (tăng 2 dự án so với cùng kỳ, vốn đầu tư tăng 1476,4 tỷ đồng); một dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư 2 triệu USD (so với cùng kỳ, số dự án không giảm, nhưng vốn đầu tư giảm 0,5 triệu USD). Chấm dứt hoạt động 3 dự án, trong đó có một dự án nước ngoài (tổng vốn đầu tư 0,67 triệu USD) và 2 dự án trong nước (tổng vốn đầu tư 277,7 tỷ đồng).

Trong 5 tháng đầu năm, Trà Vinh thành lập mới 195 doanh nghiệp (đạt 37,5% kế hoạch), tạm ngừng hoạt động 120 doanh nghiệp, giải thể 73 doanh nghiệp. So với cùng kỳ, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 29 doanh nghiệp, tạm ngừng hoạt động tăng 24 doanh nghiệp, giải thể tăng 37 doanh nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh có 5.654 doanh nghiệp, vốn đăng ký 73.886 tỷ đồng, với 106.217 lao động (có 2.810 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn 52.606 tỷ đồng, với 68.233 lao động), trong đó có 40 doanh nghiệp FDI.

UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2024. Theo đó, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư phát triển mạnh về kinh tế biển, như năng lượng tái tạo, hậu cần cảng biển, dịch vụ logistics, nông nghiệp, thủy sản, chế biến nông, thủy sản...

Các hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh tập trung phát triển mạnh về kinh tế biển như năng lượng tái tạo, hậu cần cảng biển, dịch vụ logistics, nông nghiệp, thủy sản, chế biến nông, thủy sản… Tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm miền Nam, hình thành chuỗi cung ứng sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm…

Trà Vinh định hướng thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường hoạt động tiếp cận, kết nối các nhà đầu tư lớn, đứng đầu các chuỗi cung ứng để kịp thời thu hút được các dự án lớn, trọng điểm, có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực tỉnh ưu tiên (công nghiệp biển, nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, du lịch biển, đóng tàu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ...).

Tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tập trung khai thác các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tạo mặt bằng sạch, kết nối giao thông, đào tạo nguồn nhân lực (nhất là nhân lực chất lượng cao)... để sẵn sàng tiếp nhận đầu tư. Các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh theo hướng đảm bảo tính liên kết vùng, có tính chiến lược, tạo đột phá, lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội trong vùng theo mục tiêu định hướng của tỉnh đã đề ra.

Cuối tháng 5/2024, nhằm tăng cường trao đổi, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Trà Vinh đã tổ chức hội nghị đối thoại với gần 40 doanh nghiệp tiêu biểu đang triển khai dự án trên địa bàn tỉnh. Với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, lãnh đạo tỉnh mong muốn được lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về các vướng mắc, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai dự án, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh tại tỉnh.

Hội nghị đối thoại đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp về các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp đề xuất tỉnh có thêm chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng…

Ý kiến của doanh nghiệp đã được lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương giải đáp trực tiếp hoặc trả lời gián tiếp bằng văn bản trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và chỉa sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn đánh giá cao các ý kiến của doanh nghiệp, qua đó giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt thông tin về các vướng mắc và có kế hoạch tháo gỡ kịp thời, hiệu quả. Sau hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải nghiên cứu, có giải pháp cụ thể để tháo gỡ nhanh chóng, triệt để những vướng mắc được doanh nghiệp nêu. Văn phòng UBND tỉnh theo dõi sát tiến độ giải quyết và có báo cáo kịp thời UBND tỉnh. Đề nghị các sở, ngành, địa phương luôn quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh để kịp thời lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn. Những nội dung vượt thẩm quyền của tỉnh, cần nhanh chóng tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải pháp, kiến nghị bộ, ngành Trung ương cùng giải quyết.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, tỉnh luôn sẵn sàng lắng nghe, cố gắng hết sức nắm bắt và cùng doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ khó khăn. Tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức nhiều buổi đối thoại định kỳ nhằm thảo luận, trao đổi ý kiến, nhận diện những nút thắt trong cơ chế, chính sách hiện tại, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch.

Ông rất mong muốn nhận được sự tin tưởng của doanh nghiệp, cùng chia sẻ nhiều hơn những ý kiến, đề xuất, hiến kế để thúc đẩy tiến độ đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Thái Bình và Trà Vinh trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế
Ngày 22/6, tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Khu kinh tế Thái Bình), đoàn công tác của tỉnh Trà Vinh và Thái Bình đã có buổi làm việc trao đổi, học...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư