Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Trách nhiệm với nhân dân thì không có nhiệm kỳ
Nguyên An - 31/03/2021 10:34
 
Quốc hội, Chính phủ đều chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ mới, nhưng trách nhiệm với nhân dân thì không có nhiệm kỳ.
Một Chính phủ chân chính và một Quốc hội vì dân sẽ luôn gặp nhau ở một điểm, đó là tất cả đều vì công việc chung, vì lợi ích của nhân dân.

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV không chỉ đánh giá công tác nhiệm kỳ của chính mình, mà còn dành một ngày thảo luận báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, của Chủ tịch nước.

Và một lần nữa, sự cộng đồng trách nhiệm, điều đã nhiều lần được khẳng định tại nghị trường lại tiếp tục được nhìn nhận một cách cô đọng hơn, khi “con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ” - như đúc kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp này.

Lập pháp, hành pháp đương nhiên là hai nhánh quyền lực khác nhau. Nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ trước nữa, không phải bất cứ đề xuất nào của Chính phủ đều được Quốc hội dễ dàng đồng thuận, dễ dãi thông qua, thậm chí không ít đề xuất không qua được “cửa” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình ra Quốc hội. Có những dự luật nhận hàng loạt phê phán gay gắt và buộc phải về vạch xuất phát.

Nhưng, như thế không có nghĩa là làm khó, như thế mới là bình thường.      

“Quốc hội và Chính phủ, trong những thời điểm, có thể có những quan điểm khác nhau, có chính kiến khác nhau về một số vấn đề, có khi là cả sự mâu thuẫn. Điều đó là bình thường. Sẽ là bất bình thường, nếu như chúng ta luôn đồng thuận, luôn dĩ hòa vi quý và luôn thỏa hiệp”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu khi nhìn nhận mối quan hệ giữa cơ quan hành pháp và lập pháp.

Một số vị đại biểu khác cũng bày tỏ tâm đắc với khái quát của Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 11. Đó là, suốt chặng đường gần 5 năm qua, Quốc hội đã nỗ lực, đoàn kết cùng Chủ tịch nước, Chính phủ tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước cũng khẳng định, Chủ tịch nước đã phối hợp chặt chẽ, tham gia đóng góp những ý kiến xác đáng với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Còn với người đứng đầu Chính phủ, trong các bài học kinh nghiệm lớn của cả nhiệm kỳ, thì trong bài học đầu tiên có việc “chấp hành sự giám sát của Quốc hội; kịp thời báo cáo Quốc hội và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc ban hành chính sách, pháp luật làm cơ sở cho Chính phủ điều hành kinh tế, xã hội, xử lý những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra”.

Một năm hai kỳ họp, từ thảo luận đến giám sát, chất vấn, Chính phủ đã nhận không ít lời “phê” từ các vị đại biểu cho dân. Nhưng, nói như đại biểu Dương Trung Quốc, người có tới 20 năm tham gia Quốc hội, đó là “mỗi thành công của Chính phủ đúng là có vai trò của Quốc hội, nhưng mỗi một thất bại của Chính phủ hay là sai sót của Chính phủ cũng có trách nhiệm của Quốc hội”.

Quốc hội, Chính phủ đều chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ mới, nhưng trách nhiệm với nhân dân thì không có nhiệm kỳ. Và sự cộng đồng trách nhiệm càng cần được coi trọng, trên nguyên tắc đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, như lời kết phát biểu của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai: một Chính phủ chân chính và một Quốc hội vì dân sẽ luôn gặp nhau ở một điểm, đó là tất cả đều vì công việc chung, vì lợi ích của nhân dân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đắc cử Chủ tịch Quốc hội khoá XIV
Ngay sau khi đắc cử, tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư