Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Trái chủ và cơn uất nghẹn lịch sử - Bài 5: Góc nhìn luật sư với sự khắc khoải của khổ chủ
Ngô Nguyên - 07/06/2023 08:07
 
“Cơn uất nghẹn lịch sử” trái phiếu khiến thị trường này bị ảnh hưởng lớn, tác động không nhỏ tới việc huy động vốn của doanh nghiệp chân chính.
Hàng chục ngàn trái chủ trái phiếu doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát đang kêu cứu trong cảnh “con kiến leo cành cụt”, tạo nên nhiều “điểm nóng” trên cả nước và tác động lớn tới thị trường trái phiếu. Trong khi đó, các nhà phát hành biệt tích hoặc không trả lãi, không mua lại, còn các công ty chứng khoán và tổ chức tài chính trung gian thì dễ dàng “phủi tay”.

Điểm chung của khổ chủ hiện nay là làm sao nhanh chóng lấy lại đồng tiền “xương máu”. Chúng tôi đã đặt sự khắc khoải đó lên bàn nhiều luật sư, những người đang theo dõi sát, thậm chí trực tiếp hỗ trợ pháp lý cho trái chủ.

Cần xác định ai chủ mưu khởi xướng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm Vạn Thịnh Phát

Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Công ty Luật Hà My & Cộng sự (Hà Nội)

Việc TVSI có hợp đồng đại lý phát hành trái phiếu cho An Đông mà lại chuyển cho SCB tư vấn là không đúng theo luật, nên theo tôi, hợp đồng này vô hiệu.

Mặt khác, Cơ quan điều tra cần xác định, trong các cá nhân liên quan, ai chủ mưu khởi xướng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm Vạn Thịnh Phát; vai trò, vị trí của đồng phạm giúp sức và xác định nguồn tiền chiếm đoạt của các trái chủ đang nằm ở đâu để thu hồi, trả lại cho người bị hại.

Với các mã trái phiếu của các doanh nghiệp khác, nếu Bộ Công an sau khi xác minh không liên quan đến nhóm Vạn Thịnh Phát, thì cần nhanh chóng giải tỏa ngay kê biên. Hoặc xác minh thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì nên có quyết định chuyển cho cơ quan điều tra ở địa phương nơi có trụ sở doanh nghiệp và là nơi thực hiện hành vi sai phạm để khởi tố vụ án. Như vậy, vụ việc cũng sẽ giải quyết nhanh hơn, giảm bớt những áp lực cho nhiều bên liên quan.

Điều quan trọng với các trái chủ bây giờ là củng cố hồ sơ chứng lý
Luật sư Lê Ngô Trung,  Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Lê và Cộng Sự (TP.HCM)

Trong trường hợp này, có thể thấy tính chất phức tạp của vụ án, bởi liên quan nhiều cá nhân, tổ chức đã bị khởi tố và xác định với vai trò người liên quan, cũng như hàng loạt người bị hại với số tiền rất lớn. Do đó, việc ngăn chặn và phong tỏa các tài sản là điều cần thiết.

Trong vụ án này, khi các trái chủ được xác định là bị hại do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà cơ quan điều tra đã khởi tố thì việc chi trả phải thực hiện thông qua bản án có hiệu lực pháp luật. Lúc này, cơ quan thi hành án sẽ dựa trên số tài sản còn lại của người phạm tội và số tiền theo đơn yêu cầu thi hành án của các bị hại để từ đó thực hiện nguyên tắc phân chia và hoàn trả theo quy định về thi hành án.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, điều quan trọng của các trái chủ bây giờ là củng cố hồ sơ chứng lý (có tài liệu, chứng cứ chứng minh) và trình báo để cơ quan điều tra để được xác định tư cách bị hại trong vụ án.

Nếu không, nhìn từ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, có người là nạn nhân, nhưng không trình báo, đến khi xử án thì cơ hội lấy lại chút tiền trở nên xa vời.

Trái chủ cần phải kiên nhẫn, đợi cơ quan chức năng điều tra, xét xử

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Cơ quan công an đang ngăn chặn hoạt động giao dịch của hơn 700 pháp nhân có liên quan vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật, chiếm đoạt hàng trăm ngàn tỷ đồng của người dân trong thời gian 2018-2019. Một số tài khoản của pháp nhân liên quan khác cũng được “đóng băng”.

Nỗi lo của trái chủ là đúng. Nhưng cần nhìn ở góc độ, vì liên quan Vạn Thịnh Phát, nên biện pháp không chỉ đúng quy định pháp luật, mà còn nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.

Không chỉ vậy, cơ quan điều tra còn phải làm rõ việc phát hành trái phiếu ra sao, mua bán thế nào, dòng tiền luân chuyển tới đâu, có sử dụng đúng mục đích phát hành hay không, tài sản nào liên quan, có bị kê khống, ai kê... Rồi từng cá nhân, tổ chức nào sai phạm gì, nhà phát hành, môi giới phải chịu trách nhiệm ra sao, trách nhiệm đến đâu…

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan nhiều tổ chức, cá nhân, phạm vi người bị hại khắp cả nước, phải minh định chi tiết sai - đúng từng chủ thể…, nên không thể tra xét một sớm một chiều. Do vậy, trái chủ cần phải kiên nhẫn, đợi cơ quan chức năng kết luật điều tra, rồi xét xử. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, tất cả các biện pháp của cơ quan chức năng đang làm như trên là để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho trái chủ, theo quy định pháp luật.

Một số trường hợp vô hiệu có thể được áp dụng

Luật sư Nguyễn Tấn Thi, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoa Sen (TP.HCM)

Qua hồ sơ một nhóm trái chủ cung cấp, tôi nhận thấy một số trường hợp vô hiệu có thể được áp dụng theo Bộ luật Dân sự 2015.

Chẳng hạn, “Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối”. Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự, nên đã xác lập giao dịch đó.

Để chứng minh bị lừa dối, các trái chủ cần chứng minh được hành vi tư vấn mập mờ, đánh tráo khái niệm và che giấu thông tin sản phẩm, như các tin nhắn, cuộc gọi trao đổi với nhân viên ngân hàng có nội dung khẳng định sản phẩm mà khách hàng mua là “gửi tiết kiệm” hoặc là sản phẩm của ngân hàng, các tờ rơi, biểu mẫu, thông tin của nhân viên môi giới xuất hiện trong hợp đồng mua trái phiếu trong khi các trái chủ chưa từng tiếp xúc…

Ngoài ra, khi đã khởi kiện tranh chấp tại tòa án, các trái chủ có thể yêu cầu tòa án thu thập các chứng cứ thuộc nội bộ SCB như trích xuất camera ghi hình đặt tại các chi nhánh/phòng giao dịch của SCB vào thời điểm giới thiệu tư vấn bán trái phiếu; các kịch bản bán hàng được phổ biến; các chương trình liên quan đến việc thi đua giới thiệu khách hàng tham gia trái phiếu; chi hoa hồng giới thiệu khách hàng tham gia trái phiếu…

Tài sản đảm bảo cho các mã trái phiếu đang gây bức xúc hiện nay thế nào?

Ngoài 3 lô trái phiếu An Đông phát hành năm 2018 và 2019 không có tài sản đảm bảo, trái phiếu Quang Thuận phát hành năm 2020 có tài sản đảm bảo gồm: 85 quyền sở hữu căn hộ tại Dự án Trung tâm Giao dịch thương mại siêu thị ngành vải sợi, dệt may và căn hộ tại Dự án Golden Plaza và 150.545.000 cổ phần Công ty Đầu tư Quang Thuận. Tất cả được thế chấp tại SCB.

Tài sản đảm bảo trái phiếu Thiên Phúc phát hành năm 2020 gồm: 47 quyền sở hữu căn hộ tại Dự án Trung tâm Giao dịch thương mại, siêu thị ngành vài sợi, dệt may và căn hộ tại Dự án Golden Plaza và 74.869.500 cổ phần Công ty Đầu tư Quang Thuận. Các tài sản trên được thế chấp tại SCB Chi nhánh Cống Quỳnh.

Tài sản đảm bảo của trái phiếu Tân Thành Long An phát hành năm 2021 là quyền sử dụng đất một phần Khu công nghiệp Việt Phát, được thế chấp tại SCB Chi nhánh Sài Gòn.

Tài sản đảm bảo trái phiếu Vạn Trường Phát phát hành năm 2021 bao gồm quyền sử dụng đất một phần Khu đô thị Việt Phát, được thế chấp tại Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn.

Tài sản đảm bảo trái phiếu Bông Sen phát hành năm 2021 gồm: 180 tỷ đồng vốn góp một cá nhân tại Công ty TNHH Bất động sản Trí Đức; 63.448.128 cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1 tại CTCP Daeha và nhiều tài sản khác tại quận 1, TP.HCM (quyền tài sản Khách sạn Place; quyền tài sản thửa đất tại 24/24 Đông Du, phường Bến Nghé; quyền tài sản thửa đất tại 93-97 Đồng Khởi; bất động sản Khách sạn Bông Sen 2; bất động sản thửa đất tại số 5 - Nguyễn Thiệp, phường Bến Nghé). Ngoài ra còn có 4 tài sản chưa được thế chấp sử dụng cho mục đích thanh toán nghĩa vụ trái phiếu.

Những khắc khoải của trái chủ

Tien Huynh: “Cầu mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết để cuộc sống người dân được ổn định trở lại. Biết bao nhiêu con người, hoàn cảnh gia đình bị đẩy vào bế tắc và đường cùng”. ([email protected])
Bùi Hữu Tuấn: “Tình cảnh của chúng tôi lúc này thật sự khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, cả về pháp lý trong hành trình gian nan đòi lại tài sản của mình! Nhưng không lẽ mọi việc đã chấm dứt? Pháp luật đành bó tay? Tôi và các nạn nhân đều tin rằng, sai phạm sẽ bị vạch trần. Chúng tôi tin tưởng, các điều tra viên của Bộ Công an được đào tạo nghiệp vụ bài bản sẽ sớm kết thúc điều tra đưa vụ án ra xét xử. Công lý nhất định sẽ được thực thi! Công bằng và tài sản sẽ được trả lại cho những bị hại trong vụ việc lịch sử này”. ([email protected])

Huỳnh Thu Cúc: “Chúng tôi có hiểu biết trái phiếu là gì đâu, nhất là những người đã nghỉ hưu lâu năm như tôi. Giờ không còn làm ra tiền nữa, nên tôi chỉ còn biết mong chờ Nhà nước nhanh chóng giải quyết cho mọi người dân được lấy lại số tiền”. ([email protected] )

Thúy Bình: “Đó là tiền mồ hôi, nước mắt, tích góp được cả đời mà giờ bị như thế này. Có những gia đình tan cửa, nát nhà, bệnh tật không có tiền chữa bệnh dẫn, thật đau thương. Mong Nhà nước và các cơ quan chức năng xử lý buộc kẻ gây ra trả lại tiền cho dân”. ([email protected])

Tiên: “Mong Báo Đầu tư tiếp tục đồng hành để chúng tôi sớm có ngày lấy lại được tiền lao động dành dụm của mình, sớm có thể chấm dứt buồn đau và tiêu cực, để lại có thể an yên mà lo cho tương lai của mình và con cái, gia đình!” ([email protected])
Trần Thị Tuyết Lan: “Toàn bộ số tiền bán đất của bố mẹ ở quê gửi ra cho em trai tôi mua nhà, nhưng chưa mua được, nên đi gửi tiết kiệm. Giờ thì… Bố tôi đang bị ung thư phổi giai đoạn cuối, rất đau đớn vì bệnh tật, nhưng lại chỉ lo nhắm mắt xuôi tay mà không biết con mình có lấy lại được tiền để mua nhà hay không. Rất mong các cơ quan chức năng thương đến những người dân khốn khó như gia đình tôi, giúp chúng tôi sớm lấy lại được tiền xương máu của mình”. ([email protected]).

Trái chủ và cơn uất nghẹn lịch sử: Bài 2: “Con kiến leo cành cụt…”
Với tư vấn của TVSI, sự nỗ lực của SCB, chỉ “tíc tắc” trước khi bị siết điều kiện chỉ bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp,...
Bình luận bài viết này
  • Ngọc 08:55 | 08-06-2023
    Cám ơn nhà báo và các luật sư rất nhiều nha... Thanks
  • Nguyên 05:07 | 08-06-2023
    Cám ơn nhà báo và các luật sư đã chỉ ra hướng đi cho chúng tôi trong hình trình đi đòi lại tiền xương máu của mình.
  • Ho Minh 17:32 | 07-06-2023
    Biết ơn nhà báo và các luật sư nói lên tiếng nói của người dân vào gửi tiết kiệm tại SCB mà trở thành các trái chủ bất đắc dĩ!
  • LN 16:25 | 07-06-2023
    Cảm ơn nhà báo
  • uyen 16:15 | 07-06-2023
    Cám ơn nhà báo và các luật sư rất nhiều!
  • Nguyễn Anh Tuấn 16:07 | 07-06-2023
    Cám ơn các Nhà Báo đã viết bài tâm huyết giúp chúng tôi, mong các cấp lãnh đạo sớm vào cuộc giải quyết, rất nhiều người đang khó khăn, khổ sở.
  • Uyen Phuong 14:14 | 07-06-2023
    Mong các cơ quan chức năng hãy sớm giải quyết cho các trái chủ bất đắc dĩ như chúng tôi sớm lấy lại được tiền, ổn định cuộc sống. Xin cảm ơn Quý nhà báo và Quý Tòa soạn
  • Hương 11:04 | 07-06-2023
    Xin hãy cứu giúp những người gửi tiết kiệm tại SCB tự nhiên lại thành trái chủ, xin cảm ơn các nhà báo đã lên tiếng dùm
  • YenQ 09:31 | 07-06-2023
    Cảm ơn các luật sư rất nhiều vì đã nói lên nổi niềm của những bị rơi vào tình trạng trở thành trái chủ bất đắc dĩ, do đem tiền đến gởi tại ngân hàng, cho đến khi sảy ra sự việc kéo dài đến ngày hôm nay đã 8 tháng, nhưng vẫn chưa dc giải quyết gì cả, tội dân....
  • Vy 09:26 | 07-06-2023
    Xin chân thành cảm ơn nhà báo cũng như các luật sư đã chia sẻ cùng những nạn nhân thấp cổ bé họng. Hy vọng sắp tới sẽ có nhiều hơn những bài viết như thế này. Một lần nữa nạn nhân chúng tôi xin chân thành cảm ơn.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư