Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tràn ngập thực phẩm chức năng giả
Thế Hải - 24/10/2013 07:37
 
Trước nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng như collagen, vi cá mập, sữa ong chúa… của người dân tăng cao, trên thị trường đang tràn ngập các loại thực phẩm chức năng, trong đó có không ít sản phẩm giả.

Cùng với tốc độ tiêu thụ thực phẩm chức năng tăng mạnh, thì số lượng các vụ bắt giữ thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng ngày một nhiều.

Thị trường sản phẩm chức năng tại Việt Nam đang “trăm hoa đua nở”.
(Ảnh: Q.H)

Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong 2 tháng gần đây, cơ quan này đã bắt giữ gần chục vụ vận chuyển, đóng gói thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vụ việc mới nhất, ngày 3/10/2013, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Đội 2 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP. Hà Nội đã bắt giữ một cơ sở buôn bán thực phẩm chức năng với số lượng lớn tại 28 - Hội Vũ, Tràng Thi, Hà Nội, thu giữ hàng ngàn sản phẩm thực phẩm chức năng gắn tem nhãn là các loại thực phẩm chức năng cao cấp,như sữa ong chúa, tảo, vi cá mập, tỏi đen, collagen... của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia…, nhưng không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Thực chất, đây là điểm đóng gói, dán nhãn mác của hàng chục loại thực phẩm chức năng, sau đó hàng được vận chuyển vào nội thành hoặc xé lẻ cho các điểm kinh doanh.

Trường hợp khác, đầu tháng 8/2013, Công an Hà Nội đã theo dõi và bắt giữ hơn 100 thùng thực phẩm chức năng không rõ xuất xứ tại nhà riêng của đối tượng Hoàng Nghĩa Dũng ở Thái Hà, Hà Nội.

Theo điều tra ban đầu, chủ nhân của lô hàng trên đã mua sữa ong chúa, vi cá mập, cùng nhiều loại thực phẩm chức năng khác từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn về đóng gói và dán nhãn xuất xứ Australia, Nhật Bản, Mỹ giả mạo hàng xách tay rồi tuồn ra thị trường.

Ông Nguyễn Duy Hưng, kiểm soát viên Đội quản lý thị trường Hà Nội cho biết, qua kiểm tra ban đầu, có hơn 100 thùng hàng chứa hàng chục loại thực phẩm chức năng các loại như: sữa ong chúa, tỏi đen, vây cá mập, Cluco Samin, Colagen, nhau thai cừu và nhiều sản phẩm khác cùng hàng trăm tập bao bì, tem nhãn và tem đảm bảo.

Hơn 5 triệu viên nén xuất xứ từ Trung Quốc bị làm giả “hàng hiệu” bị Công an quận Đống Đa (Hà Nội) bắt giữ - Ảnh: ANTĐ

Đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP. Hà Nội cho biết, tình trạng người Việt Nam thu mua các loại viên nén rời, giá rẻ từ Trung Quốc về đóng gói, làm giả nhãn mác các thương hiệu thực phẩm chức năng nổi tiếng, bán tại thị trường trong nước diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua.

Để tránh bị khách hàng nghi ngờ, các đối tượng này còn đặt làm giả tem chống hàng giả, tem nhãn phụ, tem phân phối độc quyền... rồi dán dày đặc trên các sản phẩm, bán giá thấp hơn không đáng kể so với hàng thật.

Do lợi nhuận từ kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng là rất lớn, nên ngày càng có nhiều đối tượng, đường dây tham gia buôn bán thực phẩm chức năng giả.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, bà Trần Thúy Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Long Vân (chuyên nhập khẩu và phân phối thực phẩm chức năng tại Hà Nội) cho biết, thực phẩm chức năng với những tên gọi như collagen, vi cá mập, sữa ong chúa… bày bán trên thị trường đa phần có xuất xứ Trung Quốc và với mức giá nào cũng có. Đây là lý do giải thích tại sao cùng một sản phẩm, nhưng giá cả mỗi nơi mỗi khác.

Đơn cử, 1 hộp sản phẩm Super Collagen+ C, ghi trên vỏ hộp xuất xứ từ Mỹ, nhưng thực tế là do Trung Quốc sản xuất, giá cả phụ thuộc vào đặt hàng từ phía Việt Nam.

“Nếu giá bán Super Collagen+ C (Mỹ) khoảng 750.000 - 800.000 đồng/hộp, nhưng nhiều cửa hàng tại Hà Nội bán sản phẩm này chỉ từ 300.000 đồng/hộp, thậm chí có cửa hàng bán với giá thấp hơn nữa”, bà Hằng cho biết.

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm chức năng trong thời gian gần đây đã tăng lên nhanh chóng. Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến năm 2012 đã có gần 1.800 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, với khoảng 10.000 sản phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng thừa nhận, giá các loại thực phẩm chức năng đang bị thả nổi. Trên thực tế, giá thực phẩm chức năng do doanh nghiệp tự đăng ký và sau khi đã nằm trên các quầy hàng, lại do người bán quyết định giá.

Mặc dù đã có không ít cảnh báo của cơ quan chức năng về thực phẩm chức năng giả, nhưng không ít người tiêu dùng vẫn “mắc bẫy” các cơ sở kinh doanh với những chiêu thức quảng cáo thổi phồng về công dụng sản phẩm…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư