Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Trần Phan Thanh Thảo, CEO Ohana: Có thể dành cả tuổi thanh xuân để sửa sai và hoàn thiện
Phương Anh - 12/09/2019 08:17
 
Dùng số vốn tích luỹ được ở nước ngoài để trở về Việt Nam khởi nghiệp với ứng dụng kết nối phòng trọ Ohana, Trần Phan Thanh Thảo không ngại va vấp hay thất bại, vì có thể… dành cả tuổi thanh xuân để sửa sai và hoàn thiện.
Nghe bài viết này tại đây :
Trần Phan Thanh Thảo, CEO Ohana.
Trần Phan Thanh Thảo, CEO Ohana.

Gây ấn tượng tại Chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ, Trần Phan Thanh Thảo khiến các “cá mập” tranh nhau đầu tư và kêu gọi thành công 3,5 tỷ đồng cho Ohana.

Ohana là ứng dụng chạy trên nền tảng di động và web kết nối giữa các chủ nhà với người đi thuê nhà. Chính thức ra mắt vào tháng 5/2018, hiện Ohana đã có 250.000 người dùng. Riêng tháng 8 vừa qua, ứng dụng có khoảng 70.000 người online. Tính đến thời điểm hiện tại, Ohana tăng trưởng gấp đôi so với năm ngoái, cho dù không đầu tư nhiều vào quảng cáo.

Muốn làm “việc lớn”

Ý tưởng về Ohana đến với Thảo từ bao giờ?

Trước đây, khi còn đi học, Thảo đã muốn làm một thứ gì đó có sức ảnh hướng đến hàng triệu người, nên chọn đi vào công nghệ.

Thảo cũng đã trải qua cuộc sống thuê nhà 10 năm cực khổ ở TP.HCM, Mỹ hay Australia. Nhìn chung, ở những thành phố phát triển, việc tìm nhà vẫn còn khó khăn dù đã ở thời công nghệ 4.0, rất nhiều nền tảng công nghệ đã phát triển và đi vào cuộc sống. Trong đầu Thảo luôn thường trực câu hỏi, tại sao mảng thuê nhà, thậm chí cả ngành bất động sản, vẫn ở thời kỳ “đồ đá” so với nhiều lĩnh vực khác? Câu hỏi này chính là ý tưởng để Ohana ra đời.

Từng học và làm việc ở các nước phát triển như Australia và Mỹ, tại sao Thảo chọn về nước để khởi nghiệp?

Thời gian đi làm ở Mỹ và mở công ty riêng, Thảo dành dụm được một số tiền và trong đầu luôn muốn làm “việc lớn”. Thảo hiểu rằng, để tìm ra được công thức thành công, có thể sẽ phải trải qua nhiều thất bại. Với số tiền đó, ở Mỹ, chắc Thảo chỉ được thất bại khoảng… 3 lần, còn ở Việt Nam, thì có thể có nhiều cơ hội làm lại hơn.

Lúc bắt đầu gây dựng Ohana, cũng có một vài công ty trong và ngoài nước mời Thảo làm việc, với mức lương cao, ổn định. Đứng trước sự lựa chọn, Thảo xin ý kiến ba mẹ và nhận được lời khuyên rằng: con đường mình đang đi có thể sai, có thể phạm nhiều lỗi, nhưng qua đó mình được nếm trải, được khám phá bản thân; hiểu biết và sai lầm nhiều, càng sớm thì càng tốt, vì mình còn có thể… dành cả thanh xuân để sửa sai và hoàn thiện.

Hướng tới siêu ứng dụng

Việc triển khai ứng dụng Ohana có gặp khó khăn?

Mục tiêu của Ohana là phục vụ tốt nhất cho cả người thuê nhà và người cho thuê.

Khó khăn nhất với Thảo là quá trình tìm hiểu thị trường để khám phá nhu cầu và những phản hồi từ người dùng. Nhiều khi đã có được phản hồi, nhưng nếu không sàng lọc, thì cũng không thể biết được, ứng dụng đang lỗi ở đâu và có nghiêm trọng hay không.

Một khó khăn nữa là việc tiếp cận với các chủ nhà. Đa số chủ nhà ở độ tuổi 40 - 50, thậm chí lớn hơn, nên không dễ dàng thực hiện các thao tác trên ứng dụng. Vì vậy, Ohana phải thay đổi chiến lược, tập trung vào những người quản lý, vận hành, người thân của chủ nhà có khả năng sử dụng công nghệ.

Trên thị trường cũng có nhiều ứng dụng tương tự Ohana, vậy làm thế nào để Ohana có thể cạnh tranh?

Để cạnh tranh, đội ngũ Ohana tập trung xây dựng thương hiệu. Thảo là “dân” marketing, nên rất hiểu tầm quan trọng của thương hiệu và đầu tư xây dựng thương hiệu cho Ohana ngay từ đầu nhằm tạo ấn tượng tốt với khách hàng, để bất cứ khi nào khách hàng có nhu cầu thuê nhà hoặc cho thuê nhà, họ sẽ nhớ ngay đến Ohana.

Sau đó, Ohana tập trung thiết kế ứng dụng đơn giản và thân thiện, để người dùng có thể dễ dàng sử dụng. Ohana khắc phục khuyết điểm của những trang web khác. Cụ thể, người cho thuê nhà khi đăng tin phải thực hiện theo quy chuẩn của ứng dụng, ví dụ, ảnh về căn hộ/nhà cho thuê tối thiểu phải có 4 góc chụp khác nhau; Ohana sẽ xác minh nguồn gốc trước khi cho đăng tin. Khâu sàng lọc kỹ như vậy mới tạo ra độ tin tưởng với người đi thuê khi sử dụng ứng dụng.

Dự định của Thảo và Ohana trong thời gian tới?

Về thị trường, Ohana đã có thêm nhiều ngôn ngữ khác (tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh) để bắt đầu mở rộng thăm dò thị trường đối với người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam.

Về sản phẩm, Ohana đang  phát triển các tính năng tiện lợi cho bên cung cấp là chủ nhà, giúp các chủ nhà có nhiều phòng quản lý thu nhập, quản lý người đi thuê hiệu quả hơn.

Về định hướng, đội ngũ Ohana muốn phát triển app thành siêu ứng dụng phục vụ tối đa cho mọi phân khúc, mọi nhu cầu liên quan đến thuê trọ, hướng đến nhiều đối tượng, không chỉ là sinh viên và các chủ nhà truyền thống, mà còn hướng tới những gia đình trẻ, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư