Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Trẻ em Việt Nam vẫn đói vi chất dinh dưỡng
D.Ngân - 28/11/2022 15:40
 
Thống kê của ngành Y tế cho thấy hiện vẫn còn một tỉ lệ lớn trẻ em Việt “đói” vi chất dinh dưỡng.

Nhiều nguy cơ khi đói vi chất

Báo cáo của Viện Dinh dưỡng cho hay, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng như tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao (19,6%) và có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền.

Đặc biệt, các tỉnh miền núi phía Bắc (37,4%) và Tây nguyên (28,8%); chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, ăn ít rau quả (chỉ đạt 65% so với nhu cầu khuyến nghị), thiếu vận động thể lực làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.

Trẻ em ở Sơn La đang được uống Vitamin A liều cao. 

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng như thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%; phụ nữ có thai là 25,6%; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 9,5% và vẫn còn 58,0% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm (Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2019-2020).

Từ tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng nêu trên khiến sự phát triển thể chất của trẻ em Việt đang tồn tại vấn nạn là tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi. 

Chẳng hạn, Sơn La là một tỉnh miền núi còn rất nhiều khó khăn, theo báo cáo của Trung tâm CDC tỉnh Sơn La năm 2022, thì tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn cao.

Theo số liệu của tỉnh năm 2021 thì tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 19,1%, suy dinh dưỡng thể thấp còi là  32,1%, tỉnh có 12 huyện/thành phố và 204 xã, trong đó huyện Yên Châu có số xã 15 xã (năm 2021 tỷ lệ SDD thể nhẹ cân là 16,3% và thấp còi là 21,7%). 

Hay tại Gia Lai, một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số, trong một lần đến thăm nơi này bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICE từng đau lòng thốt lên: Ở Gia Lai, tôi đã gặp một cháu bé mười tháng tuổi mà trông như trẻ sơ sinh vì cháu bị suy dinh dưỡng. Trẻ ngày càng gầy yếu đi vì các em không được ăn đủ dinh dưỡng hoặc không được điều trị. 

Đặc biệt, một thực tế hiện đang tồn tại là nhiều phụ huynh lầm tưởng chỉ những trẻ gầy còm mới biếng ăn, suy dinh dưỡng. Thực tế trẻ béo phì là một dạng của biếng ăn đặc biệt, có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng thể ẩn nghiêm trọng. 

Trẻ béo phì thường chỉ thích ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng (chất béo, chất đường, tinh bột, đạm). Ngược lại, các bé thường biếng ăn các thực phẩm giàu vi chất quan trọng như sắt, kẽm, canxi, phospho, các vitamin và khoáng vi lượng... 

Hậu quả là cơ thể trẻ bị thừa năng lượng dẫn đến béo phì nhưng lại thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu, gọi là suy dinh dưỡng thể ẩn hay "đói tiềm ẩn". Điều này có thể gây hậu quả khó lường cho trẻ.

Các chuyên gia cảnh báo thiếu Vitamin A sẽ khiến trẻ chậm lớn, còi cọc, hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, thiếu nặng đưa đến khô loét giác mạc, dẫn đến mù lòa.

Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao. Thiếu kẽm còn gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần làm dễ nổi cáu.

Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy thiếu kẽm làm trẻ dễ bị mắc bệnh tự kỷ. Nhu cầu kẽm của trẻ dưới 1 tuổi là 8 mg/ngày, ở trẻ 1-5 tuổi khoảng 10 mg/ngày, thanh thiếu niên và người trưởng khoảng 20 mg/ngày (tùy theo mức độ hấp thu).

Trong cơ thể canxi có vị trí đặc biệt, 98% canxi nằm ở xương và răng, vì vậy canxi rất cần thiết đối với trẻ em có bộ xương đang phát triển.

Thiếu canxi có thể dẫn đến bệnh còi xương ở trẻ nhỏ và loãng xương ở ngươì̀ lớn. Bệnh còi xương ở trẻ em chủ yếu là do thiếu vitamin D. Thiếu vitamin D sẽ làm giảm hấp thu canxi ở ruột, cơ thể sẽ huy động canxi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương.

Biểu hiện sớm của còi xương: Trẻ hay quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên giấc, hay ra mồ hôi trộm, rụng tóc, thóp rộng chậm liền, bờ thóp mềm, đầu to, răng mọc chậm, lồng ngực dô, chậm biết ngồi, biết đi, biến dạng xương (chân vòng kiềng, chữa bát). Các biến dạng của xương làm giảm chiều cao của trẻ). 

Khi cơ thể bị thiếu i-ốt, tuyến giáp làm việc nhiều hơn để tổng hợp thêm nội tiết tố giáp trạng nên tuyến giáp to lên, gây ra bướu cổ. Ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai có thể gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non.

Khi thiếu i-ốt nặng trẻ sinh ra có thể bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn. Trẻ sơ sinh bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay, chân, nói ngọng, điếc, câm, mắt lác. Trẻ bị thiếu i-ốt chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, ngễnh ngãng, học kém, thiếu nặng trẻ có thể bị đần độn.

Bổ sung vi chất hợp lý

Để xảy ra tình trạng trẻ em Việt đói vi chất dinh dưỡng như hiện tại, theo chuyên gia nguyên nhân lớn là do chế độ dinh dưỡng của các bậc phụ huynh hiện vẫn chưa khoa học.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cho hay, để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em Việt, các chuyên gia cho rằng, giai đoạn 1.000 ngày đầu đời kể từ khi người mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi là thời điểm vàng quyết định sự phát triển tối ưu về thể chất và trí tuệ của trẻ nếu có chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

Các vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...). Những chất này có nhiều trong thức ăn có nguồn gốc động vật, thực vật rất phong phú và đa dạng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ do chưa hiểu biết đúng về vai trò cũng như là nhu cầu của vi chất dinh dưỡng nên đã cho trẻ uống bổ sung không đúng và nếu thừa cũng có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng gồm các giải pháp đồng bộ như bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng.

Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hoá bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng một cách lâu dài và bền vững.

Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.

Và để giảm tình trạng đói vi chất dinh dưỡng, những năm qua Viện Dinh dưỡng tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ 2 lần/năm.

Mỗi năm Việt Nam có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi ở 41 tỉnh/thành và từ 6 - 60 tháng tuổi ở 22 tỉnh khó khăn (mỗi năm 2 lần), bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống 1 liều vitamin A.

Hoạt động bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã/phường trong toàn quốc.

Công tác truyền thông với nội dung đa dạng, phong phú trên nhiều phương tiện truyền thông cũng được triển khai nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống thiếu vitamin A, phòng thiếu các vi chất dinh dưỡng từ đó thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống của người dân.

Và trong chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 2 năm 2022 có hơn 6 triệu trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc được uống vitamin A, hàng triệu trẻ từ 24-60 tháng tuổi tại các tỉnh khó khăn được tẩy giun;

Các hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng đã được thực hiện trên nhiều kênh khác nhau với nội dung đa dạng và phong phú, tỷ lệ trẻ em được uống vitamin A hàng năm thường xuyên được duy trì trên 98%; kiến thức thực hành dinh dưỡng của người dân không ngừng được cải thiện. 

Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, trí tuệ, sức khỏe, sức đề kháng cơ thể và chất lượng cuộc sống.
Để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng cần:
1. Ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày.
2. Cho trẻ bú sớm, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn cùng với ăn bổ sung hợp lý.
3. Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D.
4. Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A.
5. Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.
6. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt và axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
Mối tương quan giữa vi chất dinh dưỡng và chiều cao người Việt
Để nâng tỷ lệ chiều cao người Việt, theo chuyên gia, các bậc phụ huynh cần phải nâng cao hơn nữa hiểu biết về tầm quan trọng của việc bổ sung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư