Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Triển vọng đầu tư của Canada vào Việt Nam rất sáng sủa
Thanh Tùng - 07/06/2018 07:48
 
Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada từ ngày 8 - 10/6, phóng viên Báo Đầu tư có cuộc phỏng vấn độc quyền bà Ping Kitnikone, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam, về vai trò của Việt Nam tại Hội nghị, cũng như triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Canada.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Đại sứ đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam tại sự kiện này?

Hội nghị G7 mở rộng sẽ tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến đại dương. Hiện nay, con người đang gây áp lực rất lớn lên môi trường biển. Lãnh đạo các nước G7 sẽ tập trung thảo luận các giải pháp xây dựng các cộng đồng dân cư ven biển phát triển bền vững, chia sẻ kiến thức về đại dương và hỗ trợ ngành ngư nghiệp. Hiện nay, đại dương đang bị ô nhiễm với nhiều loại rác thải, chất thải, bao gồm cả nhựa. 

.
Bà Ping Kitnikone, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam cũng có trách nhiệm bảo vệ môi trường biển. Tôi tin tưởng rằng, việc tham dự Hội nghị G7 mở rộng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ giúp chúng ta thảo luận cởi mở, thẳng thắn trong nỗ lực toàn cầu về làm sạch đại dương. Hy vọng, sự kiện này sẽ đem đến những kết quả khả quan và mỗi nền kinh tế thành viên có thể có những hành động nhằm giảm thiểu ô nhiễm đại dương.

Thưa Đại sứ, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị G7 mở rộng và thăm Canada sẽ tác động như thế nào đến quan hệ giữa hai nước?

Việt Nam và Canada thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 8/1973 và đã trở thành những đối tác lâu bền. Năm nay, hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Vào năm 2013, hai nước đã tổ chức những cuộc đối thoại chính sách về chính trị ở cấp cục/vụ trưởng và nâng cấp đối thoại lên cấp thứ trưởng vào năm 2017. Việc này đã dọn đường cho hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện vào tháng 11/2017 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau. 

Khuôn khổ hợp tác đối tác toàn diện đã mở rộng hợp tác song phương giữa hai nước sang nhiều lĩnh vực, như thương mại và đầu tư, hỗ trợ phát triển chính thức, khoa học và đổi mới, an ninh và quốc phòng, cũng như giao lưu nhân dân. Hợp tác trong các lĩnh vực này đang tiến triển rất tốt và là động lực to lớn cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Tôi có nhiều kỳ vọng về chuyến thăm Canada của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Chuyến thăm này có ý nghĩa rất quan trọng đối với hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước. Trong chuyến thăm, doanh nghiệp hai nước sẽ có cơ hội gặp gỡ trực tiếp nhằm đẩy mạnh kết nối thương mại và đầu tư.

Việt Nam và Canada là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Khi được thực thi, CPTPP sẽ tác động thế nào đến quan hệ thương mại và đầu tư giữa Canada và Việt Nam?

Giữa Việt Nam và Canada, CPTPP sẽ mở ra nhiều cơ hội. Về mặt thương mại, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Tổng kim ngạch thương mại song phương trong năm 2017 đạt khoảng 6,2 tỷ USD, trong đó khoảng 5 tỷ USD là xuất khẩu từ Việt Nam vào Canada. 

Với CPTPP, tôi cho rằng, Việt Nam sẽ được lợi rất nhiều từ việc giảm thuế từ hiệp định này, nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như điện tử, dệt may và giày dép. Đối với các doanh nghiệp Canada, CPTPP cũng sẽ mang lại cơ hội cho họ giới thiệu nhiều sản phẩm chất lượng cao tại thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp Canada cũng rất quan tâm đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ cao, dịch vụ. 

Canada hiện có 168 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 5,12 tỷ USD. Đại sứ kỳ vọng gì vào dòng đầu tư của Canada vào Việt Nam trong thời gian tới?

Tôi cho rằng, triển vọng dòng đầu tư của Canada vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất tốt, với những thuận lợi từ CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada đang được xúc tiến. 

Một thuận lợi nữa là, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Canada.

Cần phải làm gì để các doanh nghiệp và nhà đầu tư Canada tăng cường hiện diện ở Việt Nam trong thời gian tới, thưa Đại sứ?

Làm thế nào để thu hút thêm đầu tư nước ngoài là câu hỏi thường gặp ở nhiều quốc gia. Các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các doanh nghiệp Canada, đều tìm kiếm những cơ hội đầu tư thuận lợi và làm sao để có thể hoàn vốn và sinh lời một cách hiệu quả. Họ cần môi trường đầu tư để có thể dễ dàng mở rộng kinh doanh mà không bị phân biệt đối xử. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần hoàn thiện các quy định pháp lý, cải thiện sức cạnh tranh và tăng cường minh bạch. Đó là những yếu tố rất quan trọng để các nhà đầu tư xem xét đầu tư tại Việt Nam.

Tháng 11/2017, Thủ tướng hai nước đã ra Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Sự kiện này đã tác động thế nào đối với quan hệ nói chung giữa Việt Nam -Canada cho đến nay?

Quan hệ Đối tác toàn diện Canada - Việt Nam đã vạch ra nhiều lĩnh vực hợp tác. Chúng ta đã thấy nhiều chuyến thăm cấp cao lẫn nhau. Ví dụ trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Canada Harjit Singh Sahan thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Canada tới Việt Nam.

Ngoài ra, ngày càng nhiều khách du lịch Canada tới Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm nay, khách du lịch Canada sang Việt Nam tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều người Việt Nam cũng đang sinh sống và làm việc tại Canada. Đây sẽ tiếp tục là động lực quan trọng trong quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, được củng cổ bằng quan hệ Đối tác toàn diện.

Hội nghị thượng đỉnh G7 chính thức khai mạc tại Nhật Bản
Trong ngày đầu tiên của hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các thách thức toàn cầu khác trong đó có chủ nghĩa khủng bố, an ninh hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư