Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Triển vọng phát triển bất động sản du lịch xanh tại Việt Nam
Hồ Hạ (thực hiện) - 10/05/2022 14:50
 
Nằm giao thoa giữa ngành kinh doanh bất động sản và du lịch nên bất động sản du lịch hay bất động sản nghỉ dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng để phát triển ngành kinh tế xanh.

Du lịch xanh không chỉ là xu hướng mà còn là con đường tất yếu để phát triển ngành “công nghiệp không khói” bền vững. Tại Lễ khai mạc Năm du lịch Quốc gia 2022 diễn ra tại Hội An (Quảng Nam) vào cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc tập trung phát triển du lịch xanh với những “từ khóa” chủ đạo của du lịch Việt Nam sẽ là: “Hòa bình”, “xanh hóa”, “số hóa” và “kết nối thân thiện”.

Nằm giao thoa giữa ngành kinh doanh bất động sản và du lịch nên bất động sản du lịch hay bất động sản nghỉ dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng để phát triển ngành kinh tế xanh. 

Để hiểu thêm về triển vọng phát triển, đầu tư bất động sản du lịch xanh tại Việt Nam, phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Chí Công, Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Tổng giám đốc SB INVEST.

Ông Đỗ Chí Công, Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Tổng giám đốc SB INVEST.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cao cấp còn nhiều dư địa để phát triển

Thưa ông, Tổ chức UNWTO đánh giá khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ 4 trên thế giới. Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều tin Việt Nam sẽ vào top 30 cường quốc có năng lực cạnh tranh kinh tế du lịch mạnh nhất và vươn đến Top 10 năm 2030. Hòa cùng xu thế toàn cầu, ngành du lịch Việt Nam xác định du lịch xanh, du lịch bền vững là con đường phát triển xuyên suốt trong 10 năm tới. Vậy đâu là yếu tố cốt lõi của du lịch xanh, thưa ông? 

- Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo; phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa; phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường và có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. 

Có thể nói, phát triển du lịch xanh là “chìa khóa” để phát triển du lịch có trách nhiệm, đảm bảo du lịch bền vững.Cốt lõi của du lịch xanh là sản phẩm du lịch xanh. Để đảm bảo là sản phẩm xanh cần đạt các tiêu chí sau: sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường; sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng; sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe. 

Như vậy, tất cả các dịch vụ, sản phẩm du lịch như tour, sản phẩm, dịch vụ của khách sạn, nhà hàng, sân golf… muốn được công nhận là sản phẩm du lịch xanh đều phải đạt được các nội dung cơ bản của các tiêu chí trên. 

Với cách tiếp cận trên, sản phẩm du lịch xanh được hiểu là những sản phẩm du lịch có hàm lượng cao các yếu tố đặc biệt là dịch vụ, thân thiện môi trường, được phát triển phù hợp với các nguyên tắc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Có thể nói, không chỉ ở các quốc gia phát triển, ngay đối với người Việt Nam, du lịch giờ đây đã trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống. Theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, ngành du lịch phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách du lịch nội địa, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách lưu trú, tổng thu ước khoảng 22.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa đang chờ nhà đầu tư trong nước và quốc tế khai phá, thưa ông?

- Vâng rõ ràng, “kỳ nghỉ vàng” năm nay rơi vào thời điểm đầu hè đã tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch tái khởi động sau hơn 2 năm khủng hoảng trầm trọng do tác động tiêu cực của “cơn cuồng phong” COVID-19. 

Bên cạnh đó, các địa phương trên cả nước đã tăng cường liên kết, xây dựng sản phẩm du lịch mới, chỉnh trang lại không gian tại các cơ sở lưu trú và khu, điểm du lịch để thu hút du khách. 

Dưới góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, tôi cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển để có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành kinh tế xanh, đặc biệt là mảng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cao cấp (resort nghỉ dưỡng cao cấp, condotel, sân golf…).

Tăng trưởng bất động sản du lịch ngoạn mục

Thưa ông, bất động sản du lịch hay bất động sản nghỉ dưỡng là nền tảng của du lịch xanh. Sau thời gian trầm lắng vì dịch bệnh COVID-19, phân khúc này được dự đoán vẫn là một loại hình hấp dẫn và có nhiều triển vọng để tăng tốc, phát triển tích cực. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng bất động sản du lịch Việt Nam hiện nay?

- Đánh giá khách quan về thực trạng bất động sản du lịch Việt Nam hiện nay, tôi nhận thấy có cả ưu và nhược điểm. 

Ưu điểm lớn nhất hiện nay là về mặt chính sách, ngành du lịch đã được Đảng và Nhà Nước đặc biệt quan tâm. Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định l47/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng thu du lịch l2 - l4%/năm, đóng góp ngành du lịch lên đến 12 - 14% GDP năm 2025 và tăng 11 - 12%, đóng góp 15 - 17% GDP năm 2030.

Đồng thời, trên cơ sở Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. 

Đây có thể coi là những khung hành lang pháp lý vô cùng quan trọng để phát triển ngành du lịch nói chung và bất động sản du lịch nói riêng.

Bên cạnh đó, về số lượng, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2009, cả nước mới có hơn 2.000 cơ sở lưu trú du lịch với gần 95.000 phòng thì đến năm 2019 cả nước đã có hơn 22.000 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 500.000 phòng. 

Như vậy, chỉ sau hơn 10 năm, ngành du lịch Việt Nam đã tăng 11 lần về số lượng cơ sở lưu trú du lịch và tăng 5,2 lần về số lượng phòng. Đó là sự tăng trưởng vô cùng ngoạn mục đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), tính đến 9/2021 tại 15 địa phương gồm Hoà Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn (Bình Định), Phú Yên, Nha Trang (Khánh Hòa), Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang) có tổng số 239 dự án bất động sản du lịch với hơn 114.000 căn hộ condotel, hơn 24.000 villas và hơn 30.000 shophouse. Tổng giá trị 3 sản phẩm này khoảng 680.000 tỷ đồng, tương đương gần 30 tỷ USD. 

Tôi cho rằng, những con số trên vẫn chưa phản ánh được hết giá trị và tiềm năng chưa khai phá của bất động sản du lịch tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, vẫn còn tồn tại những khoảng trống, vướng mắc về pháp lý chưa thực sự được tháo gỡ, khiến bất động sản du lịch thiếu sức hút đầu tư.

Thứ nhất, khái niệm bất động sản du lịch vẫn chưa được nêu cụ thể trong các văn bản pháp lý ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản. Vì vậy, lĩnh vực này vẫn chưa có nền tảng pháp lý rõ ràng để các chủ đầu tư căn cứ định hướng phát triển ổn định, bền vững.

Thứ hai, bất động sản du lịch hiện nay chịu sự điều chỉnh chung của nhiều hệ thống văn bản pháp lý khác nhau chủ yếu liên quan đến bất động sản nhà ở, từ hoạt động đầu tư kinh doanh đến việc quản lý, giám sát, sử dụng. Vì vậy, rất dễ dẫn tới thiếu chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc thù từng sản phẩm bất động sản du lịch như condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng khác với nhà ở. 

Việc vận dụng các quy định pháp lý của các lĩnh vực khác nhau dẫn tới việc thiếu nhất quán, đồng bộ trong áp dụng của các cơ quan Nhà nước, địa phương. Điều này gây ra sự lúng túng trong quá trình xử lý công việc. Doanh nghiệp gặp phải nhiều khó khăn phức tạp do phải đối mặt các quy trình, thủ tục chưa rõ ràng. Các tổ chức tài chính gặp rủi ro trong quá trình tham gia tài trợ vốn cho đầu tư phát triển bất động sản du lịch cũng như xử lý nợ xấu liên quan.

Giao thông là “mạch máu”, nhân sự là “xương sống” của ngành du lịch

Vậy ông có thể đưa ra một số giải pháp để Việt Nam có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ thúc đẩy việc phát triển bất động sản du lịch xanh, bền vững? 

Tôi cho rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển bất động sản du lịch xanh. Đó là điều chúng ta không cần phải bàn cãi. 

Việc của chúng ta là tạo ra sân chơi đủ rộng, đủ lớn, đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng nghĩa với việc Chính phủ cũng như các Bộ ngành, địa phương cần có một số giải pháp tổng thể.

Thứ nhất, cần sớm bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý cho bất động sản du lịch. Chúng ta cần bổ sung các quy định cụ thể đối với lĩnh vực bất động sản du lịch trong hoạt động xây dựng, đầu tư và tín dụng. Ví dụ như bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với bất động sản du lịch; bổ sung quy định chuyển nhượng hợp đồng mua bán bất động sản du lịch; bổ sung quy định về huy động vốn đầu tư phát triển bất động sản du lịch trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu, tín dụng, đầu tư. 

Đồng thời, định danh chính thức các loại hình bất động sản du lịch trong Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng; và xem xét quy định chế tài cụ thể đối với chủ đầu tư và các bên liên quan trong việc đưa ra và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư trên thị trường.

Thứ hai, cần có chính sách đồng bộ phát triển hạ tầng giao thông tại tất cả các tỉnh thành nhằm đẩy mạnh tính liên kết vùng. 

Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, nhất là tuyến cao tốc Bắc-Nam, đường hàng không, đường sắt vì giao thông là “mạch máu” của du lịch. 

Đặc biệt, các quy hoạch giữa các tỉnh thành phải có sự liên kết liền mạch để các khu di sản văn hóa thế giới, các khu đô thị ven biển, khu du lịch sinh thái trọng điểm có sự gắn kết thành một mạng lưới du lịch hoàn chỉnh, đồng bộ.

Thứ ba, có chiến lược trọng điểm để đẩy mạnh việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nếu giao thông là “mạch máu” thì nguồn nhân lực chất lượng cao là “xương sống” của ngành du lịch. Mặc dù 10 năm gần đây, Việt Nam đã có một thế hệ nhân lực du lịch có trình độ tương đương các nước trong khu vực Đông Nam Á về chất, nhưng về lượng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhân lực chất lượng cao của ngành. 

Chính vì vậy, Chính phủ và các Bộ ngành địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch chất lượng cao trong bối cảnh mới, tăng cường năng lực, khả năng thích ứng của nguồn nhân lực trong tương lai. 

Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo bài bản, nâng cao cho đối tượng chính là nhân sự cấp quản lý và lao động trực tiếp trong lĩnh vực bất động sản du lịch; đồng thời chuẩn hóa các chương trình, chứng chỉ hành nghề theo kịp các tiêu chuẩn quốc tế. 

Thứ tư, Tăng cường việc xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu thị trường bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng, vừa phục vụ quản lý, vừa thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực bất động sản du lịch. 

Đây là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch xanh, thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước. Tích cực chung tay xây dựng môi trường du lịch xanh, hướng tới sự bền vững về cả kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường sống.

Nhiều chuyên gia hiến kế “gỡ” nút thắt pháp lý về bất động sản du lịch
Hội thảo “Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam - Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ” với sự tham gia của nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư