Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Trò chơi “vương quyền” ở Eximbank
Vi Nguyễn - 19/04/2021 08:39
 
Không tìm được sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông, Eximbank liên tục đổi nhân sự cấp cao chỉ trong thời gian ngắn và chưa thể tiến hành ĐHĐCĐ trình cổ đông thông qua nhân sự nhiệm kỳ mới.
Chỉ trong hơn 1 năm qua, “ghế nóng” của Eximbank đã đổi chủ đến 5 lần

Hơn 1 năm 6 lần thay nhân sự “ghế nóng”

Nhân sự cấp cao tại Eximbank thay đổi chóng mặt trong hơn 1 năm nay và dường như đã trở thành thông lệ, nhà băng này lại thay “ghế nóng” ngay trước thềm ĐHĐCĐ.

Mới đây nhất, trong ngày 13/4/2021, ngân hàng này có tới 2 nghị quyết về chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT).

Cụ thể, theo Nghị quyết số 156 ngày 13/4, HĐQT Eximbank đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh. Cùng ngày, HĐQT Eximbank thông qua việc bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời giữ chức danh Chủ tịch HĐQT để chủ trì cuộc họp HĐQT ngày 13/4/2021 đối với các nội dung tiếp theo cho đến khi HĐQT bầu nhân sự giữ chức danh Chủ tịch HĐQT mới.

HĐQT Eximbank giao ông Thông thay mặt HĐQT ký Nghị quyết số 156 về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh theo đơn từ nhiệm đề ngày 6/4/2021 của ông này, căn cứ kết quả biểu quyết đa số tán thành của các thành viên HĐQT tại cuộc họp ngày 13/4/2021 vào lúc 10h15’ và cuộc họp lúc 10h45’.

Nhưng chỉ ngay sau đó ít phút, HĐQT Eximbank tiếp tục có Nghị quyết số 157, được ký bởi ông Yasuhiro Saitoh. Nghị quyết này được ban hành căn cứ kết quả biểu quyết tại cuộc họp HĐQT vào lúc 11h10’ ngày 13/4/2021, thông qua việc bầu ông Yasuhiro Saitoh giữ chức danh Chủ tịch HĐQT. Ông Yasuhiro Saitoh lại được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank sau khi bị... miễn nhiệm.

Trước đó, vào cuối tháng 6/2020 trong văn bản yêu cầu Eximbank họp cổ đông bất thường năm 2020, SMBC - cổ đông chiến lược nước ngoài của Eximbank - đã đề cập 2 vấn đề cần thảo luận là yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh và giảm số lượng thành viên, bỏ phiếu tín nhiệm đối với HĐQT. Văn bản của SMBC gửi HĐQT Eximbank cũng nêu rõ, ông Yasuhiro Saitoh không phải là đại diện hoặc người được ủy nhiệm, không được trao quyền hành động thay mặt cho SMBC.

Như vậy, chỉ trong hơn 1 năm qua, “ghế nóng” của Eximbank đã đổi chủ đến 5 lần, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, tiếp đến là ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh và mới nhất là ông Yasuhiro Saitoh. Hiện tại, HĐQT của Eximbank có 9 người. Cơ cấu cổ đông của Eximbank hiện nay gồm có: SMBC sở hữu 15%; Vietcombank nắm giữ 4,82%; bà Lương Cẩm Tú, thành viên HĐQT Eximbank sở hữu 1,12%; phần còn lại thuộc về cổ đông nhỏ lẻ.

Đại hội thường niên 2020 và 2021 có thành công?

Eximbank sẽ tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần thứ 3 và ĐHĐCĐ thường niên 2021 tại Hà Nội vào 2 ngày 26 - 27/4/2021, sau nhiều lần hoãn vì tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự để tiến hành và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Liên tục tổ chức ĐHĐCĐ bất thành, Eximbank muốn điều chỉnh giảm tỷ lệ bắt buộc cổ đông tham dự đại hội. Cụ thể, theo tài liệu cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần thứ 3 được tổ chức vào ngày 26/4 tới, HĐQT Eximbank sẽ trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ cổ đông tham dự để tiến hành họp ĐHĐCĐ.

Cụ thể, Eximbank muốn điều chỉnh tỷ lệ số cổ đông dự họp trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để có thể tiến hành ĐHĐCĐ giảm từ 65% xuống 50%. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành, tỷ lệ số cổ đông dự họp để có thể tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ lần 2 giảm từ 51% xuống 33%. Thông báo mời họp lần thứ 2 phải được gửi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất.

Trong trường hợp cuộc họp lần thứ 2 không đủ điều kiện tiến hành, cuộc họp lần thứ 3 sẽ được thực hiện mà không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông dự họp đúng theo luật định.

Năm 2020, Eximbank từng 5 lần tổ chức bất thành cuộc họp ĐHĐCĐ. Ngoại trừ lần gần đây nhất vào đầu tháng 12/2020, cuộc họp bị hoãn vì lý do phòng dịch Covid-19, ở các lần trước đều vì lý do cổ đông tham dự không đủ tỷ lệ để tiến hành đại hội.

Vì giữa các nhóm cổ đông lớn chưa tìm được tiếng nói chung, nên dù ĐHĐCĐ thường niên lần thứ 3 năm 2020 và ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 chưa diễn ra, song đã được dự đoán cầm chắc thất bại. Điều này cũng không còn quá xa lạ với Eximbank 3 năm qua và đã tác động không nhỏ tới hiệu quả kinh doanh, khiến lợi nhuận của Eximbank bị tụt hạng đáng kể.

Năm 2020, tổng tài sản của Eximbank sụt giảm 4,2% xuống còn 160.435 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng giảm 11% xuống 100.767 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng giảm 3,8% xuống 133.917 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Eximbank năm 2020 đạt 1.399 tỷ đồng, tăng 22,3% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt 1.070 tỷ đồng, nhưng bị bỏ lại khá xa so với các ngân hàng cùng quy mô.

Eximbank triệu tập liên tiếp 3 cuộc họp đại hội đồng cổ đông: Sóng gió chưa dừng
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa thông báo triệu tập họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường ngay cả khi 2 cuộc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư