Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Trụ cổ phiếu ngân hàng cũng “gãy”, VN-Index lại rơi hơn 20 điểm
Tùng Linh - 07/04/2022 18:47
 
Số mã giảm giá gấp hơn 2,5 lần số mã tăng. Áp lực bán đẩy các chỉ số rơi sâu, đặc biệt ở nửa cuối phiên chiều.

Trụ ngân hàng cũng “gãy”, VN-Index lui về mốc 1.500

Dòng cổ phiếu ngân hàng trở lại trạng thái giao dịch tiêu cực sau vài phiên đóng vai trò là trụ cột hỗ trợ thị trường. Chỉ một vài cổ phiếu đóng cửa trong sắc xanh, còn lại đa phần đều giảm giá với khá nhiều mã giảm trên 1% như SHB (-3,28%), LPB (-2,4%), VCB (-1,89%)…

Cổ phiếu của Vietcombank cũng là tội đồ kéo VN-Index giảm nhiều nhất phiên hôm nay, bên cạnh các ông lớn bất động sản như VIC, VHM, NVL hay MSN, HPG.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bất động sản gồm THD, CEO, L14 vẫn là nguyên nhân chính kéo chỉ số chung giảm điểm.

Ngoài dòng ngân hàng và bất động sản, nhóm cổ phiếu chứng khoán, bán lẻ, thủy sản cũng giao dịch tiêu cực. Hàng loạt cổ phiếu thủy sản giảm trên 6% như VHC (-6,46%), ANV (-6,28%), IDI và CMX giảm kịch biên độ. Sắc đỏ phủ lên toàn bộ cổ phiếu chứng khoán, đa phần trong nhóm này giảm trên 3%. Điểm sáng hiếm hoi trong phiên hôm nay nằm ở nhóm phân bón, một số cổ phiếu cao su săm lốp. Cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm phân bón - hóa chất gồm DGC, DPM và DCM đều nằm trong top 5 cổ phiếu tác động tích cực đến chỉ số bên cạnh MBB và ACB.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/4, VN-Index giảm 20,55 điểm (-1,35%) xuống 152,35 điểm. HNX-Index giảm 5,22 điểm (-1,17%) xuống 441,61 điểm. Đây cũng là mức điểm thấp nhất trong phiên giao dịch của hai chỉ số này.  UPCoM-Index giảm nhẹ hơn (-0,88%) xuống 115,81 điểm.

Khối ngoại bán ròng 529 tỷ đồng

Đà giảm của chứng khoán Việt Nam hôm nay đồng điệu với xu hướng chung của chứng khoán thế giới. Sau phiên giao dịch tiêu cực đêm qua của chứng khoán Mỹ, hàng loạt chỉ số chứng khoán châu Á lao dốc giảm trên 1%.

Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức này nhận định các quốc gia ở khu vực châu Á có thể đối mặt 3 cú sốc kinh tế trong năm nay, bao gồm chiến tranh ở Ukraine, sự giảm tốc mạnh của kinh tế Trung Quốc, và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. 

Giao dịch trên thị trường vẫn sôi động dù giá trị có giảm nhẹ so với hôm qua. Thanh khoản toàn thị trường đạt 32.149 tỷ đồng, giảm 9,9%. VPB là cổ phiếu được giao dịch  nhiều nhất với giá trị xấp xỉ 1.278 tỷ đồng. Các nhà đầu tư cũng bán ròng khá mạnh trên thị trường Việt Nam (529 tỷ đồng) sau phiên mua ròng nhẹ liền trước. Các cổ phiếu bị bán mạnh nhất là VHM, HPG, STB, PVD và chứng chỉ quỹ E1VFVN30 với giá trị bán ròng đều trên 50 tỷ đồng. Trong khi khối ngoại bán ròng, cá nhân trong nước là bên mua khá tích cực.

Thống kê của FiiinGroup các giao dịch khớp lệnh trên HoSE cho thấy các cá nhân đã mua ròng 771 tỷ đồng phiên hôm nay; cân bằng lại lực bán của tổ chức trong nước (239 tỷ đồng) và khối ngoại (532 tỷ đồng). 

Trung tâm lưu lý chứng khoán Việt Nam cho biết đã có thêm 271.619 tài khoản chứng khoán được mở mới trong tháng 3, vượt qua mức cao kỷ lục thiết lập hồi tháng 12/2021. Tính chung quý đầu năm, đã có 677.599 tài khoản giao dịch chứng khoán mới, tương đương hơn 44% số lượng mở mới cả năm 2021. Số tài khoản chứng khoán mở mới tháng này đã xác lập kỷ lục mới, nâng tổng số tài khoản  tại Việt Nam đến ngày 31/3 lên gần 5 triệu.

Các ngành chứng khoán, bán lẻ, hóa chất, phân bón và thủy sản sẽ có tăng trưởng lợi nhuận cao
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán VNDIRECT, nhóm nghiên cứu (VNDIRECT Research) cho rằng, các ngành chứng khoán, bán lẻ, hóa chất, phân bón, thủy sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư